CTCK: Khó chữa khi "bệnh nhân" tự kê... bệnh án
Việc các CTCK tự “khám bệnh”, rồi tự công bố “bệnh án” khiến cả NĐT lẫn cơ quan quản lý lo ngại về tính xác thực của các thông tin.
Lần đầu tiên, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) buộc các CTCK phải kể rõ “bệnh trạng” liên quan đến an toàn tài chính (ATTC) nếu phát hiện trong “bệnh án” có dấu hiệu bất thường. Động thái này nhằm kiểm soát chặt hơn ATTC của CTCK theo quy định tại Thông tư 226/2010/TT-BTC, có hiệu lực từ 1/4/2012.
Từ 1/4/2012, các CTCK phải giải trình chi tiết báo cáo tỷ lệ an toàn tài chính |
“Nói không” với giải trình qua loa
Việc tái cấu trúc các CTCK đang vào giai đoạn khởi động, khi bắt đầu từ tháng 3 này, lần đầu tiên UBCK buộc các CTCK phải giải trình chi tiết thông tin liên quan đến những dấu hiệu mà UBCK cho là bất thường được nêu trong báo cáo tỷ lệ ATTC, thay vì lâu nay các CTCK tự tính toán và chỉ phải gửi báo cáo về nội dung này cho UBCK.
Việc các CTCK tự “khám bệnh”, rồi tự viết và công bố “bệnh án” làm xuất hiện những lo ngại cả từ phía NĐT lẫn cơ quan quản lý về tính xác thực của các thông tin về ATTC mà CTCK báo cáo. Thực tế, qua hoạt động rà soát, đánh giá và phân loại CTCK, theo lãnh đạo UBCK, cơ quan quản lý nhận thấy, một số CTCK đã thể hiện số liệu chưa chính xác khi tính chỉ tiêu ATTC. Bởi vậy, UBCK đang yêu cầu các đơn vị này giải trình chi tiết.
Tuy nhiên, quá trình kiểm tra bắt đầu lộ diện một số khó khăn, bởi việc xác minh tính xác thực của các số liệu về ATTC liên quan đến rất nhiều hóa đơn, chứng từ, nên mất khá nhiều thời gian. Đó là chưa kể các hình thức CTCK cố tình lách luật. Chẳng hạn, với các khoản mà CTCK phải thu có thời hạn thu hồi hoặc thời hạn thanh toán còn lại trên 90 ngày theo quy định, nhưng họ tìm cách biến thành dưới 90 ngày, thì sẽ khiến hệ số rủi ro tài chính thay đổi đáng kể. Nghĩa là ngay cả khi đã qua kiểm tra vẫn không dễ loại bỏ được rủi ro về ATTC một khi CTCK cố tình che giấu thông tin. Thực tế này đòi hỏi UBCK cần mạnh tay hơn trong kiểm tra, xử lý các trường hợp cố tình vi phạm, nhằm sớm đưa các CTCK vào khuôn khổ ATTC như mong muốn của không chỉ cơ quan quản lý, mà cả thị trường.
Mạnh tay hơn từ tháng 4
Ngoài các giải pháp trên, sẽ có thêm một số biện pháp mạnh khác sắp được UBCK áp dụng kể từ sau ngày 1/4, nhằm kiểm soát hiệu quả tình trạng sức khỏe tài chính của các CTCK. Theo đó, cùng với đặt các CTCK có tỷ lệ vốn khả dụng dưới 150% trong vòng 3 tháng liên tục liền trước vào tình trạng kiểm soát và kiểm soát đặc biệt, UBCK còn lập kế hoạch đình chỉ hoạt động, thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động đối với các CTCK không khắc phục được tình trạng kiểm soát hay kiểm soát đặc biệt.
Một câu hỏi “nóng” nhiều NĐT đặt ra là thông tin mà CTCK giải trình, cũng như quyết định đặt các CTCK vào tình trạng kiểm soát và kiểm soát đặc biệt có được công khai, nhằm tránh rủi ro cho NĐT và thị trường? Lý lẽ của NĐT khi đưa ra câu hỏi này là tại Khoản 2, Điều 10, Thông tư 226/2010/TT-BTC quy định: UBCK cảnh báo và đặt tổ chức kinh doanh chứng khoán vào tình trạng kiểm soát và kiểm soát đặc biệt. Quyết định này không được công khai, trừ trường hợp UBCK xét thấy cần thiết để bảo đảm quyền lợi của khách hàng. Điều NĐT băn khoăn là những tiêu chí nào được coi là cần thiết để UBCK quyết định công bố các CTCK thuộc “danh sách đen”? Từ khi đưa các CTCK vào diện kiểm soát, trong khoảng thời gian bao lâu thì UBCK công bố, công bố ra toàn thị trường hay chỉ công bố cho những khách hàng của CTCK thuộc diện bị kiểm soát?
Theo lãnh đạo UBCK, việc công bố các CTCK thuộc diện kiểm soát đang được tính toán kỹ lưỡng, để không chỉ bảo vệ quyền lợi chính đáng của NĐT, mà còn tránh tác động tiêu cực đến toàn bộ thị trường. Để tái cấu trúc hiệu quả khối CTCK, ngoài áp dụng các biện pháp quy định tại Thông tư 226/2010/TT-BTC, UBCK sẽ triển khai các giải pháp khác được đề cập trong dự thảo văn bản thay thế Quyết định 27/2007/QĐ-BTC về tổ chức và hoạt động của CTCK sắp được ban hành.
Theo đó, buộc các CTCK phải đáp ứng các chuẩn cao hơn về quản trị rủi ro, quản trị an toàn tài chính; hướng dẫn chi tiết việc hợp nhất, sáp nhập, giải thể CTCK; yêu cầu kiểm toán và công bố công khai báo cáo tỷ lệ vốn khả dụng vào thời điểm 30/6 và 31/12 hàng năm. Đồng thời, CTCK phải công bố báo cáo tài chính hàng quý như công ty niêm yết.
“Đặc biệt, ngay cả khi đã nhận được giải trình, nhưng nếu nhận thấy thông tin còn qua loa, chưa thỏa đáng, UBCK sẽ cử đoàn kiểm tra trực tiếp tại các CTCK có dấu hiệu che giấu số liệu. Biện pháp quyết liệt này nhằm đảm bảo tính xác thực cho các thông tin về ATTC, trên cơ sở đó giúp giảm thiểu rủi ro cho NĐT, cũng như an toàn hệ thống”, lãnh đạo UBCK nhấn mạnh.
Trong năm 2012, UBCK sẽ thanh tra, kiểm tra khoảng 20 CTCK, làm việc trực tiếp với HĐQT của toàn bộ các CTCK thua lỗ nhiều và có tỷ lệ an toàn tài chính thấp. Biện pháp này nhằm hỗ trợ CTCK tái cấu trúc thành công, đồng thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. |
Hữu Đạo
đầu tư chứng khoán
|