Cốt lõi tạo cầu
Chính phủ vừa ban hành Quyết định 252 ngày 1-3-2012 phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán giai đoạn 2011-2020. Có rất nhiều mục tiêu được đề cập trong bản chiến lược này, trong đó yếu tố có tính chất quyết định là tạo cầu cho thị trường bởi nếu không tạo được bước ngoặt cho sức cầu, chứng khoán có khả năng sẽ chỉ là những con sóng bùng phát mà chưa thể phát triển bền vững.
|
Vốn ngoại và mối quan tâm của Bộ Tài chính là hai lý do dẫn đến sự gượng dậy của thị trường chứng khoán từ đầu năm đến nay. |
Cải thiện chất lượng cầu đầu tư
Hơn năm năm qua kể từ thời điểm VN-Index đạt đỉnh cao 1.170 điểm vào tháng 3-2007, các chủ thể tham gia vào thị trường chứng khoán, nói chính xác là cơ cấu đối tượng mua bán cổ phiếu không thay đổi bao nhiêu. Điểm lại vẫn là những gương mặt cũ: cá nhân và tổ chức nhưng lại kém đa dạng hơn so với trước. Về cá nhân, đã có thời điểm ngay cả những bà nội trợ, anh xe ôm, nông dân, dân chài, bộ đội… gom góp tiền tiết kiệm mua cổ phiếu. Nhưng hai ba năm lại đây thì không. Các bà nội trợ đã quên chứng khoán từ lâu khi mà giá cổ phiếu có lúc chỉ còn 3.000-4.000 đồng. Ai dám đầu tư và còn giữ ý định đầu tư khi mà sự thua lỗ ngờ ngờ trước mặt như thế! Thay bằng đa dạng hóa cá nhân, chứng khoán với sự thiếu quan tâm trong một thời gian dài của cơ quan chủ quản, mà cụ thể là Bộ Tài chính, đã tự đẩy nhà đầu tư rời bỏ sàn.
Thành phần nhà đầu tư tổ chức cũng không phong phú hơn. Quanh đi quẩn lại vẫn chỉ có bấy nhiêu quỹ đầu tư và bộ phận tự doanh của các công ty chứng khoán. Tình hình bi đát của thị trường cho đến tận cuối năm 2011 đã khiến các công ty bảo hiểm, tài chính bảo lưu quan điểm đứng ngoài quan sát. Các quỹ đầu tư mất tiền từng tuần, từng tháng, từng quí vì giá trị tài sản ròng liên tục bốc hơi. Nếu không có các quỹ ETFs thành lập ở nước ngoài và đầu tư vào chứng khoán Việt Nam, thì loại hình quỹ đầu tư duy nhất vẫn chỉ là quỹ đóng. Những kiến nghị cho phép mở các loại hình như quỹ bất động sản, quỹ hưu trí, quỹ bảo hiểm liên kết, quỹ đầu tư chỉ số… nằm dài trên giấy.
Những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đầu tư tài chính cũng không khá hơn. Phải nói rằng đây là đối tượng tổ chức đã một thời có chỗ đứng không hề kém cỏi trên thị trường. Mô hình ngân hàng đầu tư đã từng được không ít công ty chứng khoán hướng đến như một định hướng lâu dài, bị xếp xó. Những công ty đa ngành nghề tự động cắt bỏ chức năng đầu tư tài chính. Phải thừa nhận rằng chủ trương cắt giảm đầu tư ngoài ngành của tập đoàn, tổng công ty nhà nước là đúng đắn, tuy nhiên nó không có nghĩa là xóa sổ hoàn toàn lĩnh vực đầu tư tài chính, vốn có ảnh hưởng lớn đến quá trình cải tổ khối quốc doanh.
Nhận thức được cốt lõi để chứng khoán dịch chuyển là sức cầu, lần này bản chiến lược đã có một cái nhìn mới về vấn đề trọng tâm này. Bên cạnh những giải pháp vẫn thường được các quan chức tài chính nhắc tới nhiều lần trong mỗi bài phát biểu khi đề cập đến chứng khoán, Quyết định 252 đã nhấn mạnh một điểm mới: “Xây dựng cơ chế kết nối giữa thị trường tiền tệ với thị trường vốn thông qua việc cho phép các công ty quản lý quỹ kết hợp với ngân hàng thương mại thiết kế các sản phẩm tài chính để nhà đầu tư có thể vay nợ bằng cách thế chấp các chứng chỉ quỹ, phát triển các hình thức tiết kiệm liên kết đầu tư”.
Cơ chế mới tạo cầu
Thế nào là cơ chế kết nối thị trường tiền tệ với thị trường vốn?
Giới đầu tư đã không quá lời khi trong cơn bĩ cực vào quí 4 năm ngoái đã lên tiếng kiến nghị xem xét đưa chứng khoán về trực thuộc quyền quản lý của Ngân hàng Nhà nước. Khi chính sách đối với thị trường vốn mờ nhạt, chứng khoán chịu tác động trực tiếp của chính sách tiền tệ. Tiền tệ nới lỏng, chứng khoán lên và ngược lại.
Có hai lý do dẫn đến sự gượng dậy của chứng khoán từ đầu năm đến nay: vốn ngoại và sự sống dậy mối quan tâm của Bộ Tài chính đến thị trường. Xin nhấn mạnh là sự quan tâm của Bộ Tài chính, chứ không phải của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN).
Sự quan tâm ấy đang ngày một dày đặc hơn, đi vào những vấn đề thiết thực, cụ thể của chứng khoán. Trong hơn hai tháng qua, thị trường chứng kiến sự xuất hiện với tần suất cao hơn của Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ trên báo chí để nói về chứng khoán. Gần đây nhất, mới chỉ mấy ngày trước, ông đụng chạm thẳng vào nỗi băn khoăn của giới đầu tư. Thứ nhất là quan điểm của Bộ Tài chính về T+2 chưa mang nhiều ý nghĩa trong hiện tại. Nói trắng ra thì chưa áp dụng T+2. Điểm nhấn ghi nhận có lẽ không phải chỉ là áp dụng hay không, mà là thể hiện quan điểm rõ ràng, khúc chiết. Chưa áp dụng thì thị trường sẽ không chờ đợi, không phấp phỏng nữa!
Thứ hai là tách bạch tài khoản của nhà đầu tư ở công ty chứng khoán với tài khoản của chính công ty chứng khoán để bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư. Phải nói rằng sự tách bạch đó đã không thể diễn ra dứt khoát và sớm hơn do sự cả nể đối với các công ty chứng khoán của UBCKNN. Nay là việc chỉ đạo cần làm ngay của Bộ trưởng Tài chính, hy vọng quá trình tách bạch sẽ được đẩy nhanh và kết thúc sớm.
Thứ ba là một phát biểu của Bộ trưởng Tài chính: “Tôi thấy điều kiện để giảm lãi suất cũng sắp đến lúc chín muồi”. Không có liều thuốc nào kích thích chứng khoán mạnh mẽ bằng giảm lãi suất. Ở đây nó lại được chính người đứng đầu ngành tài chính dự báo, thì niềm tin trong giới đầu tư mới chỉ manh nha sẽ được củng cố. Niềm tin này đã được khẳng định khi chính Thủ tướng Chính phủ yêu cầu giảm lãi suất vào giữa tuần này.
Câu hỏi còn lại là cơ chế kết nối giữa thị trường tiền tệ và thị trường vốn. Nếu cơ chế ấy chỉ dựa trên việc cho phép công ty quản lý quỹ kết hợp với ngân hàng thương mại thì đã đủ chưa? Vì sao lại chỉ có một chủ thể là công ty quản lý quỹ? Vì sao không phải là ngân hàng thương mại tự tham gia vào thị trường chứng khoán (không nên quên là hiện nhiều ngân hàng đang niêm yết), và liên kết với các công ty tài chính, bảo hiểm, chứng khoán… để cung cấp dịch vụ, trong đó có sản phẩm tiết kiệm đầu tư như quốc tế đã tiến hành hàng trăm năm nay? Có thể sau Quyết định 252 sẽ có hướng dẫn thực hiện của Bộ Tài chính về cơ chế này chăng?
Hải Lý
TBKTSG Online
|