Cơn say mới: Mua vét cổ phiếu chứng khoán, BĐS thua lỗ
TTCK đã tiếp tục sôi động và có dấu hiệu bước vào một đợt sóng mới cho dù đa số các doanh nghiệp vẫn đang gặp muôn vàn khó khăn. Đây là một nghịch lý nhưng đã và đang diễn ra tại Việt Nam và ở nhiều nền kinh tế khác.
DN chết dí, cổ phiếu vẫn đắt đỏ
Không giống như suy đoán của nhiều người, TTCK vẫn đang tiếp tục sôi động với lực cầu rất lớn cho dù đợt tăng kéo dài hơn 2 tháng sau Tết Nguyên đán (với mức tăng 40%) đã khiến áp lực chốt lời trong tuần thứ hai của tháng 3/2012 tăng vọt.
Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần trước nữa (16/3), áp lực chốt lời bất ngờ gia tăng vào những phút cuối, tập trung vào các cổ phiếu vốn hóa cao trên sàn HSX đã khiến chỉ số VN-Index bất ngờ giảm vào cuối phiên. Nhưng xét trên diện rộng, và trên cả hai sàn, số cổ phiếu tăng giá vẫn áp đảo. Khối lượng và giá trị giao dịch liên tục được duy trì ở mức cao
Trong hai tuần cuối của tháng 3, TTCK lại đang chứng kiến sự quay đầu tăng trở lại ấn tượng.
Lần này, TTCK đang trở nên nóng bỏng với các mã chứng khoán vốn một thời được bán tháo ở mức giá sàn hàng tháng trời nhưng không ai dám mua. Trong số các mã chứng khoán đang nổi lên, các cổ phiếu có mệnh giá tí hon 1.000-5.000 đồng/cp nằm trong tầm săn lùng gắt gao nhất của giới đầu tư.
Cổ phiếu ORS của Chứng khoán Phương Đông là một ví dụ khi đóng cửa phiên 26/3 vẫn dưa mua trần gần 800.000 đơn vị, trong khi khớp lệnh rất ít với 37.000 cổ phiếu. Chốt phiên, ORS tăng trần lên 4.600 đồng/cp, cao hơn rất nhiều so với mức đáy 1.300 đồng/cp cách đây khoảng hơn 2 tháng.
APS của Chứng khoán Châu Á - Thái Bình Dương còn tăng ấn tượng hơn với cú bứt phá từ mức 1.300 đồng/cp lên 5.300 đồng/cp chỉ trong hơn 1 tháng qua.
Một số mã đã chùng lại như WSS và VND... cũng đều có mức tăng trên 100% trong một thời gian rất ngắn ngủi.
Chưa biết, bắt đầu từ tháng 4 tới, gương mặt nào trong số hơn 100 CTCK sẽ bị đưa vào tầm ngắm tái cấu trúc của UBCK, mà theo những thông tin ban đầu có thể có vài chục công ty này sẽ bị thanh lọc do làm ăn thua lỗ và thanh khoản yếu.... Nhưng, một điều có thể dễ dàng nhận thấy là, nguy cơ đó không hề làm các nhà đầu tư run tay, các cổ phiếu này đang được vét sạch sẽ ở các mức giá trần trong gần hơn 1 tuần qua.
Trong khi sóng cổ phiếu chứng khoán chưa hạ nhiệt, vài phiên gần đây các cổ phiếu bất động sản và xây dựng (của các doanh nghiệp vốn đang chết dí với một loạt dự án không bán được hàng, dự án đình trệ, chậm tiến độ, thậm chí có nguy cơ phá sản...) đang có dấu hiệu bước vào một đợt tăng mạnh.
Sau những gương mặt đại gia bước vào sóng tăng giá sớm, hàng loạt cổ phiếu bất động sản và xây dựng vừa và nhỏ đang tăng dựng đứng với sức cầu ngày càng lan rộng. Cho tới ngày 26/3, làn sóng tăng giá đã lan sang cả những nhóm cổ phiếu Sông Đà, nhóm Vinaconex, nhóm xây dựng dầu khí...
Thậm chí, nhiều cổ phiếu của doanh nghiệp làm ăn thua lỗ và nợ rất nhiều như SDB (Sông Đà 207, lỗ gần 29 tỷ đồng so với VCSH 102 tỷ đồng trong năm 2011), V11 (Công ty Cổ phần Xây dựng số 11, lỗ 19 tỷ đồng so với VCSH 108 tỷ đồng trong năm 2011)... đều đồng loạt tăng trần.
Không những thế, sóng tăng giá dường như còn đang quay trở lại với cả các mã blue-chips - các cổ phiếu vốn dẫn dắt thị trường đi lên trong đợt phục hồi kéo dài từ trước Tết Nguyên đán này. Khá nhiều mã ngân hàng tiếp tục vươn lên các đỉnh cao ngắn hạn mới. Chỉ số VN30 đo lường biến động giá của 30 cổ phiếu hàng đầu trên sàn HSX hôm 26/3 tăng thêm 0,86% lên 517,27 điểm.
Tiền chỉ biết đổ vào chứng khoán?
Theo một khảo sát của VCCI, trong năm 2012, trong số hơn 540 ngàn doanh nghiệp còn tồn tại (gần 80 ngàn đã giải thể trong 2011) có tới 15% cho biết sẽ giảm quy mô kinh doanh, 1% sẽ đóng cửa... do triển vọng kinh tế Việt Nam và thế giới không thuận lợi; chi phí sản xuất, kinh doanh quá cao...
Sức cầu hàng hóa thấp, tồn kho lớn và những khó khăn chưa có cách xoay sở của khối các doanh nghiệp bất động sản là một bằng chứng cho thấy các doanh nghiệp nói còn đang đối mặt với vô vàn khó khăn, thậm chí nguy cơ phá sản vẫn còn phải được tính đến. Mặc dù vậy, một điều không thể chối cãi là chứng khoán vẫn đang tăng và có thể còn tăng mạnh nữa.
Quan sát thị trường có thể thấy rõ, trên cả hai sàn chứng khoán trong nhiều tuần qua luôn có một lực cầu lớn âm thầm xâm nhập vào. Bất kể khi các chỉ số tăng hay giảm, một lượng lớn cổ phiếu được chuyển nhượng với giá trị lên cả vài nghìn tỷ đồng.
Một câu hỏi được đặt ra là, tại sao trong khi doanh nghiệp vẫn đang khó khăn và triển vọng cũng không sáng sủa lắm, giá cổ phiếu lại tăng vượt kỳ vọng đến như vậy?. Chắc hẳn, lý do đầu tiên sẽ được đưa ra sẽ là giá cổ phiếu đã xuống quá thấp trong năm trước, trong khi tình hình vĩ mô đã được cải thiện đáng kể.
Giá nhiều cổ phiếu đã xuống quá thấp. Rất nhiều cổ phiếu hiện vẫn đang nằm dưới giá trị sổ sách. Tình hình vĩ mô năm nay tốt hơn nhiều so với 2011. Lạm phát đang được kiềm chế xuống chỉ còn hơn 2% trong vòng 3 tháng đầu năm (so với mức thường thấy là trên 5% trong quý I các năm trước); lãi suất đã bắt đầu có xu hướng giảm; thanh khoản ngân hàng đang tốt lên...
Nhưng chắc hẳn, nhiều người còn đang có một hình dung khá rõ ràng về hướng đi của dòng tiền hiện nay là thuận một chiều đổ vào chứng khoán?
Trong bối cảnh các kênh đầu tư chính như bất động sản, vàng, USD ... đều đang kém hấp dẫn thì suy tính trên của nhiều nhà đầu tư không phải không có cơ sở. Hơn thế, một kênh hấp thụ nguồn vốn lớn là cho sản xuất và kinh doanh lại đang đình trệ.
Trong buổi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp mặt các chuyên gia kinh tế ngày 25/3 vừa qua, ông Trần Xuân Giá (nguyên Bộ trưởng Bộ KH&ĐT), Chủ tịch Ngân hàng ACB, đã chỉ ra một thực tế là bản thân ngân hàng của ông hiện dư tới 3 tỉ USD mà không cho vay được.
Thực tế này cho thấy, một lượng tiền lớn đang không biết chảy về đâu. Không phải là do không có người vay, mà chủ yếu là do lãi suất cao quá khiến doanh nghiệp không vay được.
Sự sôi động của chứng khoán, rõ ràng, đang cho thấy đây là kênh đầu tư hấp dẫn nhất thời điểm hiện tại. Chỉ cần ném tiền vào là một vài tuần sau, nhà đầu tư sẽ kiếm được khoản lợi nhuận 20-30%, thậm chí "ăn" gấp đôi, ba lần.
Có thể thấy, TTCK phục hồi là một điều tốt. Nó giúp các doanh nghiệp bớt căng hơn nếu trước đó có trót tham gia đầu tư chứng khoán. Về lâu dài, nó giúp các doanh nghiệp hút vốn giá rẻ trên thị trường này.
Hiện tượng tiền không biết chảy vào đâu và đang hướng vào chứng khoán có lẽ không chỉ xảy ra ở Việt Nam. Ngay cả tại Mỹ - nền kinh tế lớn nhất thế giới và vẫn đang phải vật lộn với khó khăn, thì chứng khoán trong vài tuần gần đây cũng đã lên mức cao kỷ lục mọi thời đại trên 13.000 điểm, cao hơn cả thời kỳ trước khủng hoảng.
Mặc dù vậy, sự tăng quá nhanh và nóng của TTCK cũng có thể dẫn tới thái quá nếu tình hình sản xuất và kinh doanh của các doanh nghiệp không đạt như kỳ vọng. Thực tế hiện nay (vì lãi quá cao) đang có tình trạng là các doanh tốt chỉ vay ngắn hạn và tìm cách trả nhanh vì lo sợ lợi nhuận giảm, các doanh nghiệp nhỏ và vừa không tiếp cận được vốn vay và cũng không ngân hàng nào dám cho vay, chỉ biết đứng nhìn sản lượng kinh doanh suy giảm, phá sản.
Kết quả kinh doanh 2011 cho thấy rất nhiều doanh nghiệp niêm yết làm ăn thua lỗ và lợi nhuận giảm. Tình hình có lẽ cũng không khả quan hơn trong năm 2012 khi mà sức cầu trong nước đang ở mức rất thấp, xuất khẩu cũng gặp nhiều khó khăn do nhiều nước đang vật lộn với khủng hoảng và người dân thắt chặt chi tiêu. Hàng hóa không bán được, tồn kho nhiều, trong khi chi phí giá thành hàng hóa và dịch vụ lại đang tăng cao theo những yếu tố đầu vào.
Trong nền kinh tế mà doanh nghiệp không dám nghĩ đến đầu tư trung và dài hạn, thì khó có đủ khả năng để cạnh tranh trong tương lai gần. Có lẽ, việc giảm chi phí sản xuất kinh doanh (như lãi suất chẳng hạn) để giảm giá thành sản phẩm và qua đó kéo sức cầu hàng hóa lên là giải pháp cần tính tới trong giai đoạn này.
Mạnh Hà
Diễn đàn kinh tế Việt Nam
|