Đào thải chứng khoán: Tương lai nào cho "Nông dân cổ trắng"?
Với những nhà đầu tư thuộc tầng lớp "nông dân cổ trắng" ở huyện lỵ miệt vườn miền Tây Nam Bộ, một bài học mà họ chưa bao giờ thấm thía là cổ phiếu thật vô cùng khó để xem là kênh đầu tư dài hạn.
Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đang dần "thay máu". Trong thời gian gần đây, những thông tin theo cách "chứng khoán về miền Tây" ngày càng nhiều hơn, cho thấy sự quan tâm của tầng lớp bình dân và cả nông dân đối với mảng thị trường này đang tăng lên. Sự kiện cách đây không lâu khi Công ty chứng khoán Kimeng mở một cuộc hội thảo về chứng khoán ở Long Xuyên (An Giang) và thu hút khá đông nhà đầu tư (hoặc những người quan tâm đến lĩnh vực này) cũng đáng giá để trở thành một hiện tượng xã hội học. Tất nhiên, đây là xã hội học chứng khoán.
Khoảng thời gian đầu năm 2012 đã diễn ra trái ngược đến mức khôi hài so với nửa cuối năm 2011. Giới đầu tư chứng khoán hẳn không thể nào quên việc một số đại gia đã tự nguyện rời bỏ thị trường cổ phiếu trong tâm thế hoảng sợ đến thế nào, để từ đó "dông" tuốt về miền Tây buôn... gạo. Còn nay, trong khi lớp đại gia cũ đã chạy mất dép thì lại hiện ra một lớp "nông dân cổ trắng", đang có vẻ sẵn sàng dùng tiền nhàn rỗi để đầu tư vào một thị trường mà trong con mắt của họ, sự hấp dẫn lớn nhất chỉ đơn giản là giá hàng hóa đã trở nên quá rẻ.
Chu kỳ "thay máu" ngắn lại
Những nhà đầu tư bám trụ với TTCK trong 5 năm qua đã có dịp để trải nghiệm về hiện tượng trên với thời kỳ cuối năm 2008, đầu năm 2009. Khi đó, sự thể cũng diễn ra gần giống như giai đoạn hiện nay, cũng bắt đầu từ chuyện các nhà đầu tư chứng khoán xoay sở đủ các nghề khác nhau trừ nghề chính, còn sau đó những người chân ướt chân ráo lại có cơ hội vớ bẫm.
Quy luật đào thải và tái tạo của thị trường là như vậy. Trên thế giới, quy luật xã hội học này thường kéo dài với chu kỳ 15-20 năm. Ở những thị trường được xem là "mới nổi", chu kỳ đó rút ngắn hơn, chỉ khoảng 5-7 năm. Còn với TTCK Việt Nam, nơi mà mọi thứ đều chuyển dịch nhanh chóng theo hai chiều lên và xuống, tính chu kỳ đang dần rút ngắn đến tối thiểu: 2-3 năm.
Nếu lấy đỉnh con sóng phục hồi chứng khoán vào tháng 10/2009 như một cái mốc của quy luật đào thải xã hội học, đến nay thời gian đã trôi đi được hơn 2 năm. Khoảng thời gian này chưa đủ dài, chưa đủ để "thanh trừng" phần lớn các đệ tử trung thành của thị trường, nhưng cũng không quá ngắn để níu kéo lòng trung thành vĩnh viễn, nhất là khi lòng trung thành lại không được đặc trưng bởi triết lý của ông bà "có thực mới vực được đạo".
Một chu kỳ "thay máu" mới lại bắt đầu. Nhưng lần này quá trình thay máu xảy ra với nồng độ "máu lạ" như thế nào? Cần phải thừa nhận rằng công tác điều tra xã hội học chứng khoán vẫn là một điểm yếu cố hữu ở Việt Nam, vì cũng như những lần trước, cho tới nay vẫn không một địa chỉ nào có thể cung cấp tỷ lệ của lớp nhà đầu tư mới thay thế cho lớp nhà đầu tư cũ.
Tuy thế, vẫn có những điểm rất đặc trưng giữa hai chu kỳ năm 2008 và 2011 để suy ra một cái gì đó đáng giá. Nếu như năm 2008, TTCK lao dốc cùng với cuộc khủng hoảng tài chính thế giới như một sự đồng cảm không thể trách cứ được, thì năm 2011 đã chẳng có sự đồng điệu nào giữa Việt Nam và thế giới, nhưng TTCK lại lao dốc thê thảm hơn cả năm 2008. Vào năm 2008, nếu cả hai chỉ số VNI và HNX đều đồng pha với nhau trong trạng thái suy giảm, thì năm 2011 lại đặc trưng bởi hiện tượng "xanh vỏ đỏ lòng", trong đó HNX chính là một nạn nhân đau đớn nhất.
HNX trong năm 2011 cũng phải chịu độ giảm sút khủng khiếp hơn so với năm 2008: 88% so với 83% (chiếu theo mức đỉnh tháng 10/2007). Năm 2011, mặc dù chẳng có sự bùng vỡ tài chính toàn cầu nào, nhưng cái cách mà TTCK Việt Nam bị đánh xuống đã làm cho ít nhất 80% tài khoản của nhà đầu tư nằm trong trạng thái "chết". Phải chăng đó cũng là tỷ lệ ảnh hưởng đến số nhà đầu tư "một đi không trở lại"?
Bài học nào cho "ma mới"?
Thực tế, vẫn có không ít nhà đầu tư trở về với TTCK vào sau Tết 2012, khi thị trường này tăng trưởng trở lại. Động thái này còn được quyết định bởi việc nhà đầu tư hầu như không còn khả năng chọn lựa nào khác, khi toàn bộ các thị trường đầu cơ khác vẫn hoàn toàn bất động.
Nhưng "quay lại" và "xuống tiền" lại là hai động tác khác biệt lớn về bản chất. Từ trước Tết 2012, khối công ty chứng khoán đã ghi nhận một số nhà đầu tư mới tham gia thị trường, trong đó có nhà đầu tư chuyển từ kênh vàng qua. Trong khi đó, phần lớn nhà đầu tư cũ vẫn nằm im, cơn hãi hùng về bài học năm ngoái chưa thoát khỏi tâm não họ. Trong số đó, có nhiều nhà đầu tư đã trở thành "ma mới" trong con sóng phục hồi năm 2009; nhưng sau đó, họ lại biến thành "ma cũ" khi lâm vào tình thế "của thiên trả địa", thậm chí tiêu tán cả gia sản của mình.
Còn lúc này, những nhà đầu tư thuộc tầng lớp "nông dân cổ trắng" ở Long Xuyên hay những huyện lỵ miệt vườn nào đó ở miền tây Nam bộ đang bắt đầu chu kỳ biến thành "ma mới". Không am hiểu nhiều về chứng khoán, thậm chí có người cách đây không lâu đã chưa từng biết chứng khoán là cái gì, nhưng với quan niệm mua cổ phiếu như mua đất để dành, ít nhất họ cũng đã thành công trong nửa đầu năm 2012 này, bất chấp sóng chứng khoán phập phù lên xuống.
Thành công đó sẽ khiến niềm hãnh tiến trong con người họ trở nên khó kềm chế. Với đặc tính hồn nhiên của người nông dân, sự khó kềm chế ấy còn có thể trở thành những cú xé rào bất chấp mọi bài học của dĩ vãng.
Hegel định nghĩa: "Bài học lớn nhất của lịch sử là con người đã không rút ra được bài học nào của lịch sử". Còn với TTCK, một khi đã lâm vào vòng thua lỗ và trắng tay, các nhà đầu tư chỉ còn biết chăm bẳm than vãn về một triết lý "Thị trường luôn đúng".
Hẳn nhiên, thị trường luôn đúng và luôn cầm dao đằng chuôi, chứ không phải dành cho những kẻ chân ướt chân ráo rắp tâm nhảy vào bắt dao rơi. Có lên thì ắt có xuống, đó cũng là một tHứ quy luật vĩnh hằng trong một thị trường mà tiền chỉ chuyển từ túi người này sang túi người khác.
Với những thị dân huyện lỵ và nông dân miệt vườn, số phận họ sẽ ra sao vào năm 2013, hay sớm hơn là vào cuối năm 2012, khi TTCK lại rơi vào một chu kỳ suy giảm và biến "ma mới" thành "ma cũ"?
Vào những năm 2008 và 2011, rất nhiều "ma cũ" đã "hóa ma", lớp phải nằm tĩnh dưỡng dài hạn ở bệnh viện, lớp đi thẳng vào Viện tâm thần trung ương. Còn một số khác, tất nhiên không được thống kê, đã chọn cho mình cái kết quyên sinh để giải thoát khỏi gánh nợ đời...
Những câu chuyện tang thương ấy, lớp "nông dân cổ trắng" nào có biết được. Một bài học mà họ cũng chưa bao giờ thấm thía là cổ phiếu thật vô cùng khó để xem là kênh đầu tư dài hạn. Nếu không lĩnh hội kịp thời bài học ấy, đồng tiền chân lấm tay bùn từ ruộng đồng sẽ tập tễnh vào sàn chứng khoán rồi chẳng mấy chốc biến đi trong ngắn hạn, để lại khuôn mặt ngờ nghệch đến thất thần trước sự sụp đổ quá đỗi chóng vánh...
Trường Sơn
Tuần Việt Nam
|