> >
Thứ Ba, 20/03/2012 10:09

Chứng khoán: Thời cơ trong... thí điểm

Hơn 1 tuần thực hiện giao dịch chứng khoán 2 phiên sáng chiều, nhà đầu tư (NĐT) và Cty chứng khoán (CTCK) trên TTCK VN đang thích nghi, trải nghiệm với sự thay đổi ra sao ?

Theo một chuyên gia, giao dịch chứng khoán kéo dài sang chiều là một quyết định được đưa vào thí điểm đúng thời kỳ hai sàn đang “phi mã” thanh khoản, NĐT còn rất lạc quan và “vồ vập” với cổ phiếu sau một thời gian dài “đói khát”.

Cơ hội của thanh khoản

Đó sẽ là hiệu ứng hỗ trợ cho đà tăng trưởng của thị trường trong trước mắt. Ông này phân tích, dù chưa quen với thời gian giao dịch mới và những quy định kèm theo, nhưng nhiều NĐT sẽ khó “đứng ngoài” cuộc chơi, bởi chứng khoán đang trong cao trào sôi động mà giá điện, gas hay giá xăng có tăng cũng khó bề dập tắt ngọn lửa nóng. Có thể nói ngắn gọn, quyết định kéo dài thời gian giao dịch thí điểm của 2 Sở Giao dịch Chứng khoán (SGDCK) đang được hưởng “vận may” thời điểm, lúc chứng khoán đã khởi sắc lạc quan sau tháng Tết và dòng tiền cũng dồi dào hơn. Trong tháng 2, dòng tiền đã ào ạt chảy vào chỗ trũng chứng khoán, đẩy giá nhiều cổ phiếu và khối lượng giao dịch tăng vọt. Kết thúc tháng 2, VN-Index đạt 423,64 điểm, tăng 9,2% so với tháng trước, với tổng thanh khoản tăng gần gấp đôi so với tháng 1 do NĐT lạc quan hơn về thị trường. Trung bình thanh khoản mỗi ngày tăng 40% so với tháng 1, đạt 39,1 triệu USD và là mức cao thứ hai trong năm vừa qua. Riêng tuần giao dịch từ ngày 5-9/3, cũng là tuần đầu thực hiện kéo dài thời gian giao dịch thí điểm, hai sàn chứng khoán đã có mức điều chỉnh nhẹ lần lượt 1,7% và 0,22% cho VN-Index và HNX-Index. Tuy nhiên, tuần giao dịch 10 phiên đầy cảm xúc bất chấp khối lượng dư cung khổng lồ áp đảo thị trường do lượng mua chứng khoán từ những ngày trước đó về đến tài khoản, đã cho thấy với đà tăng ngoạn mục trong thời gian rất ngắn 2 tháng đầu năm cũng chưa thể lấp đầy “vùng trũng” chứng khoán.

Dù lạc quan, nhưng không ít NĐT vẫn cẩn trọng khi nhận xét về việc thí điểm kéo dài thời gian giao dịch. Anh Duy Cương, một chuyên viên môi giới cho rằng: “Với NĐT tổ chức, thay đổi thời gian giao dịch có lẽ không hề hấn gì. Nhất là với các tổ chức đầu tư nước ngoài, đẩy thời gian giao dịch muộn hơn và kéo dài sang chiều, là một sự điều chỉnh rất phù hợp với giờ giấc làm việc của họ. Nhưng với các NĐT cá nhân trong nước, tiếng là đã rất chuyên nghiệp, thì thực tế vẫn chỉ có 1 số rất ít NĐT “sống” hoàn toàn bằng nghề chứng khoán. Phần đông còn lại là NĐT “tay trái”, là dân văn phòng, công sở, người đi làm, buôn bán… tham gia chơi chứng khoán nửa buổi trong ngày, buổi còn lại tập trung làm việc khác. Hoặc thậm chí trong lúc đang làm việc, họ tranh thủ chơi chứng khoán. Nếu chỉ một buổi thì có thể “tranh thủ” được, nhưng giao dịch sang hai buổi thì xử lý các công việc như thế nào là cả một vấn đề”. Trên nhiều diễn đàn, gần như “phụ họa” cho ý kiến này, nhiều NĐT cho rằng các SGDCK đã “khôn” khi quy định “Các lệnh khớp một phần hoặc chưa khớp và chưa bị hủy trong phiên giao dịch buổi sáng sẽ được chuyển qua phiên giao dịch buổi chiều và tiếp tục tham gia khớp lệnh; biên độ dao động giá được áp dụng cho cả ngày giao dịch; cách xác định giá tham chiếu và việc sửa, hủy lệnh giao dịch được thực hiện theo Quy chế giao dịch hiện hành”. Theo đó, NĐT đã đặt lệnh giao dịch mà chưa được khớp và hoàn tất giao dịch trong phiên sáng, sẽ không thể “bỏ cuộc” nửa chừng nếu muốn tiếp tục theo dõi kết quả lệnh đặt của mình, đồng thời theo dõi giá chốt cổ phiếu vào phiên chót để có cơ sở tham chiếu cho quyết định mua bán của ngày hôm sau.

Cty chứng khoán: Cạnh tranh  khuấy động “chợ chiều”

Với các CTCK, giao dịch sang chiều là một “gợi mở” có ý nghĩa lớn. Đại diện một số CTCK chẳng cần giấu diếm: Không kéo dài thời gian giao dịch sang chiều, các CTCK vẫn phải mất từng đó chi phí cho các văn phòng hội sở, chi nhánh, đại lý giao dịch, mất từng đó chi phí để đầu tư và vận hành hệ thống hạ tầng công nghệ, và vẫn phải trả lương cho từng đó nhân viên, mà cơ hội để tăng thêm lợi nhuận từ thu phí giao dịch, từ hoạt động tự doanh của chính Cty… thì ngắn ngủn chỉ trong mấy tiếng đồng hồ buổi sáng. Nay, được kéo sang chiều, thời gian tăng thêm, cơ hội dài hơn. Dẫu chi phí có tăng thêm, nếu CTCK muốn hoạt động cho “bài bản” thì việc đầu tư cho tương lai cũng là đáng “đồng tiền bát gạo”.

Bởi vậy mà trong số 98/102 CTCK sẵn sàng cho giao dịch sang chiều trên cả 3 sàn HoSe, HNX và UpCom (nguồn: HNX), có không ít các CTCK đã đón đầu sự kiện này từ cả năm về trước bằng cách tuyển dụng nguồn nhân sự chất lượng cao bị “trôi dạt” từ các Tổ chức tài chính, các CTCK khác khi thị trường lao dốc. Điển hình như sự “khác người” của Chứng khoán Kim Eng VN (KEVS). Năm 2011, KEVS đã mở  thêm 3 chi nhánh và nhận giấy phép họat động chi nhánh An Giang vào đúng ngày cuối cùng của năm, gia tăng thêm hơn 100 nhân viên, trong đó có nhiều vị trí cấp cao kể cả nhân sự “nhập ngoại”, trong khi phần lớn các CTCK khác đều sử dụng “chiêu” nộp hồ sơ xin đóng cửa chi nhánh, đại lý giao dịch để giảm tải chi phí. Trưởng phòng Giao dịch Trực tuyến CTCK KEVS, ông Nguyễn Tiến Lâm, cho biết: “Nếu không tính chi phí tuyển dụng nhân sự, bao gồm nhân sự nghiệp vụ, công nghệ (IT) thì năm 2011, chỉ riêng nâng cấp hệ thống công nghệ để gia tăng tiện ích giao dịch trực tuyến KEVS - KE Trade cho các NĐT và chuẩn bị cho kế hoạch phát triển sắp tới, đã “ngốn” của KEVS hơn 200.000 USD. Ngoài những tính năng trực tuyến cơ bản  như bán cổ phiếu lô lẻ, thực hiện quyền, ứng trước, chuyển tiền  linh hoạt, bảng giá Intraday, bản tin Breaking news, sao kê lịch sử giao dịch, sao kê tiền, chứng khoán, quản lý danh mục tài sản, phiên bản công nghệ mới còn hỗ trợ giao dịch đa tài khoản (tài khoản ủy quyền, tài khoản thường, tài khoản Margin), theo dõi và cảnh báo diễn biến thị trường theo yêu cầu của khách hàng...

Theo thống kê của KEVS cho thấy, trong tuần đầu của giao dịch phiên chiều, hầu hết NĐT mở tài khoản tại KEVS chỉ lên sàn vào phiên sáng như thông lệ, vào buổi chiều sàn chỉ lác đác có một vài NĐT nhưng số lượng tài khoản tham gia giao dịch phiên chiều vẫn không hề sút giảm.

Trên cơ sở đó, KEVS đưa ra dự đoán: Giao dịch trực tuyến đã và sẽ tiếp tục là một xu hướng mà nhiều NĐT lựa chọn, nhất khi thị trường kéo dài thời gian giao dịch chính thức. Thống kê của tổ chức này cho thấy năm 2009, giao dịch trực tuyến chỉ chiếm 9% lệnh toàn Cty, năm 2010, tỉ lệ này đạt 30%, và năm 2011 đến đầu năm 2012, giao dịch trực tuyến đã chiếm trên 65% lệnh.

Một thống kê khác từ HSC (CTCK TP Hồ Chí Minh) cũng cho tỉ lệ lệnh giao dịch trực tuyến gia tăng lên từng năm. Cụ thể, năm 2009 là 35%, năm 2010 là 50% và tới nay là 58%. HSC cũng đã đưa ra nhiều tiện ích online mới, như áp dụng chức năng mới “chia lệnh tại sàn HSX” để giúp NĐT có thể tiết kiệm thời gian và tăng tốc độ đặt lệnh trong quá trình giao dịch. Tuy nhiên, ngay trong ngày đầu tiên thực hiện kéo dài thời gian giao dịch, một sự cố đáng tiếc đã xảy ra với hệ thống đặt lệnh giao dịch qua internet (Vi-Trade) và mobile phone (M-Trade) của HSC. Ông Trịnh Hoài Giang - Phó TGĐ HSC đã giải trình về sự cố này và chính thức gửi lời xin lỗi từ HSC tới các NĐT. Theo ông Giang, sau khi thử nghiệm hoàn tất với kết quả tốt, vào cuối tuần trước ngày 5/3, HSC tiến hành nâng cấp phần mềm và nhân viên IT đã gặp sơ sót trong thao tác thay đổi các tham số hoạt động của hệ thống. Cuối ngày 05/3, HSC đã khắc phục được sai sót này và trong 2 phiên hôm sau, hệ thống đặt lệnh của HSC đã hoạt động ổn định, nhận và chuyển thành công gần 14.000 lệnh trong đó có khoảng 10.000 lệnh qua internet với giá trị giao dịch hơn 10% của cả thị trường. Dù vậy, HSC vẫn ngưng đặt lệnh nhận lệnh qua điện thoại di động thêm 1 tuần kể từ ngày 6/3 để hoàn thiện thêm hệ thống giao dịch.

Tốt hơn mong đợi

Có thể thấy là, dù việc kéo dài thời gian giao dịch mới chỉ đi vào thí điểm được vài phiên, nhưng nhìn chung sự khởi động của TTCK đã có các tín hiệu tốt hơn mong đợi. Tuy nhiên, vẫn còn quá sớm để nói rằng việc thí điểm giao dịch sang chiều đã mỹ mãn thành công. Bởi ba tháng, trong trung hạn tới đây, chứng khoán còn tăng cao hay lại giảm sâu, dòng tiền vào chứng khoán vẫn dồi dào hay nhỏ giọt, và thị trường có lại rơi vào cám cảnh «chợ chiều» ngay cả ở các phiên giao dịch sáng hay không, vẫn là điều không ai dám chắc. Một thực thể bất kỳ, một thị trường nào để phát triển hoàn bị, luôn cần có thời gian, cần hội đủ mọi điều kiện chứ không dễ dàng «đi tắt đón đầu» mà trưởng thành ngay được. TTCK cũng vậy. Nhưng nếu không có những đổi thay bắt đầu từ hôm nay, thì chưa biết tới bao giờ mới chứng khoán VN mới có thể thoát khỏi hình thù «niên thiếu».

Vì vậy, dù kết quả sau thời gian thí điểm ba tháng có ra sao, khi tất cả các thành viên thị trường cùng nỗ lực cho những cải tiến thực tiễn trên thị trường, tin rằng, điều đó còn có ý nghĩa nhiều hơn một thời hạn thí điểm!

Lê Mỹ

diễn đàn doanh nghiệp


>   SHN và chuyện giám sát sử dụng vốn trên TTCK (20/03/2012)

>   Mùa đại hội sôi động (20/03/2012)

>   Sự kỳ quặc của chứng khoán Việt Nam (20/03/2012)

>   Chiến lược giao dịch ngày 20/03/2012 (20/03/2012)

>   20/03: Bản tin 20 giờ qua (20/03/2012)

>   YBC: Cổ phiếu bị đưa vào diện cảnh báo từ 20/03 (19/03/2012)

>   SAM vào diện cảnh báo kể từ ngày 21/03 (19/03/2012)

>   Nhà đầu tư Nhật Bản đợi chính sách về quỹ mở (19/03/2012)

>   MCV bị tạm ngừng giao dịch từ 21/03 (19/03/2012)

>   Cận cảnh việc quản lý tiền của nhà đầu tư (19/03/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật