SHN và chuyện giám sát sử dụng vốn trên TTCK
Phía sau khoản nợ 340 tỷ đồng của CTCP Đầu tư Tổng hợp Hà Nội (Hanic, mã SHN) là trách nhiệm giám sát sử dụng vốn huy động từ TTCK.
* SHN có nguy cơ phá sản: Lỗ hổng cơ chế?
Trong Báo cáo tình hình sử dụng vốn của đợt chào bán chứng khoán ra công chúng (tăng vốn điều lệ lên 324 tỷ đồng) đề ngày 3/3/2011, gửi ngày 10/3/2011 của Hanic ghi toàn bộ số tiền thu về đã được giải ngân vào 5 mục đích (xem bảng). “Sau khi phát hành, do tính khả thi của một số dự án và tình hình biến động của thị trường tài chính. Để đảm bảo nguồn vốn đầu tư của Công ty mang lại hiệu quả cho doanh nghiệp và đảm bảo lợi ích của cổ đông, HĐQT Công ty đã quyết định điều chuyển vốn giữa các hạng mục đầu tư cho phù hợp”, báo cáo viết.
Không một dòng nào trong báo cáo này đề cập đến việc Hanic đem tiền huy động vốn để đầu tư thứ cấp dự án Thanh Hà Cienco 5.
Trong khi đó, báo cáo tài chính cuối năm 2010 của Công ty mẹ Hanic cho thấy, vốn chủ sở hữu của Hanic cuối năm 2010 đạt 364 tỷ đồng, tăng 268 tỷ đồng so với cuối năm 2009, chủ yếu do nguồn tăng thêm từ phát hành huy động vốn (năm 2010 Hanic lãi 34 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế).
Nếu Hanic giải ngân nghiêm túc đợt phát hành vào các mục đích huy động vốn nói trên, thì Công ty lấy đâu ra 238 tỷ đồng để chuyển cho Công ty Beta BQP? Bởi vì, cuối năm 2010, tổng tài sản của Hanic chỉ đạt 590 tỷ đồng, trong khi các hoạt động kinh doanh khác vẫn diễn ra bình thường?
Tại sao Ban lãnh đạo Hanic công bố huy động vốn vào một mục đích, nhưng lại tự ý giải ngân vào một mục đích khác mà cơ quan quản lý không giám sát? Đồng thời, theo công văn Hanic gửi lên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng “kêu cứu”, thì số tiền mà Hanic ký cho Công ty Beta vay là... 379,4 tỷ đồng (thực tế mới giải ngân được 238 tỷ đồng). Một khoản đầu tư lớn hơn vốn điều lệ, bằng 64,3% tổng tài sản của Công ty mà không được thông tin tới cổ đông, không xin ý kiến cổ đông?
Uyên Phạm
đầu tư chứng khoán
|