Thứ Ba, 13/03/2012 11:21

An toàn tài sản khi giao dịch chứng khoán

Năm 2011 vừa qua chứng kiến nhiều trường hợp CTCK lạm dụng tiền của NĐT. Một số còn bị mất thanh khoản, gây thất thoát tài sản của NĐT khi tham gia giao dịch. Tất cả những tồn tại này đang làm xói mòn niềm tin của NĐT nói riêng và gây nên những xáo trộn trên TTCK nói chung.

Đã đến lúc an toàn tài sản trong giao dịch chứng khoán cần phải được nghiêm túc xem xét. Trong đó, giải pháp quản lý tách biệt tài khoản giữa nhà đầu tư (NĐT) và công ty chứng khoán (CTCK) là một trong những ưu tiên hàng đầu.

Được biết, CTCP Chứng khoán Kim Eng Việt Nam (KEVS) là một trong những đơn vị quản lý tách bạch tài khoản ngay từ ngày đầu hoạt động. Chúng tôi đã có buổi trao đổi cùng ông Hoàng Công Nguyên Vũ – Giám đốc khối nghiệp vụ và IT KEVS để hiểu rõ hơn về vấn đề này.

Ông Hoàng Công Nguyên Vũ – Giám đốc khối nghiệp vụ và IT của KEVS

Xin ông cho biết sự khác biệt giữa 2 loại quản lý tài khoản tổng và tài khoản tách biệt?

Sự khác biệt cơ bản là: “Tiền của NĐT nằm tại đâu và do ai quản lý?”.

Với tài khoản tổng, NĐT không mở tài khoản tại ngân hàng (NH) mà sẽ dùng chính tài khoản NH của chính CTCK. Khi giao dịch, NĐT sẽ nộp và rút tiền trên tài khoản này. Do vậy, tiền của NĐT sẽ do CTCK quản lý.

Hiện TTCK đang có dấu hiệu phục hồi tốt. Đây là thời điểm NĐT nên tập trung cho việc chọn lựa đầu tư. Để tối đa hóa lợi nhuận, NĐT nên vứt bỏ những nỗi lo về việc thất thoát tài sản trên tài khoản của mình bằng cách chọn lựa các CTCK nào mà mình có thể yên tâm, đó là yếu tố tiên quyết hàng đầu.

Trong khi đó, với tài khoản tách biệt, khi NĐT mở tài khoản giao dịch chứng khoán, đồng thời sẽ mở tài khoản tại NH liên kết với CTCK. Khi đó, tiền của NĐT sẽ do NH quản lý.

Việc CTCK không tuân thủ tách bạch tài khoản và lạm dụng tiền gửi của NĐT thông qua tài khoản tổng khá phổ biến trong thời gian qua. Ông có thể cụ thể hơn về vấn đề này không?

Khi tiền của các NĐT nằm trên tài khoản tổng, CTCK thường ít khi để tiền nằm yên mà sẽ sử dụng nguồn tiền đó ở mức cao nhất. Đơn giản nhất, họ có thể đi gửi tiền với lãi suất cao hơn, lấy tiền để tự doanh hay dùng nguồn tiền đó cho những NĐT khác vay qua các hình thức margin hay hợp tác đầu tư.

Như vậy, khi khách hàng (KH) có nhu cầu cần rút tiền (đặc biệt là với giá trị lớn), CTCK sẽ cần thời gian để huy động tiền từ nhiều nguồn khác nhau. Nghiêm trọng hơn, việc đầu tư tự doanh có thể thua lỗ, còn việc cho vay margin cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro nợ xấu khi thị trường diễn biến xấu, những yếu tố đó có thể dẫn đến thất thoát đối với tài sản của KH. Một khi việc thất thoát gia tăng đến mức không thể xoay sở nổi sẽ gây ra hiện tượng mất thanh khoản.

Như vậy, tài khoản tách biệt sẽ có nhiều lợi thế cho NĐT hơn là tài khoản tổng?

Đúng vậy, nếu sử dụng tài khoản tách biệt, bất cứ lúc nào NĐT cũng có thể kiểm soát số dư của mình thông qua sao kê NH hay các tiện ích như E-banking, Mobile-banking. Hơn nữa, CTCK chỉ có thể tác động đến số dư tài khoản của NĐT thông qua các nội dung đã được ủy quyền như thanh toán tiền mua chứng khoán, trả phí... chứ không thể tự động cắt tiền trong tài khoản của KH.

Ngoài ra, nếu dùng tài khoản tách biệt thì NĐT còn có thể tận dụng mạng lưới chi nhánh rộng khắp của các NH và có thể gửi/ rút tiền trong ngày Thứ Bảy.

Một vấn đề quan trọng khác, với tài khoản tách biệt, việc nộp tiền của KH tại NH sẽ được cập nhật sang hệ thống giao dịch của CTCK tức thời và chính xác thông qua phần mềm kết nối giữa CTCK và NH. Còn đối với tài khoản tổng, KH nộp tiền xong sẽ phải đợi bộ phận nghiệp vụ của CTCK hạch toán vào hệ thống giao dịch thì mới đặt lệnh được, chưa kể việc này có thể có sai sót, ảnh hưởng đến số dư của KH.

Nhưng tại sao với nhiều ưu điểm như trên, việc tách biệt tài khoản vẫn ít phổ biến khi có đến 90% CTCK quản lý tiền gửi của NĐT qua tài khoản tổng?

Theo tôi, các CTCK ít dùng tài khoản tách biệt vì họ không thể sử dụng tiền của NĐT theo ý của mình nên sẽ gặp bất lợi về nguồn vốn.

Ngoài ra, để quản lý tài khoản tách biệt đòi hỏi CTCK phải đầu tư công nghệ, phần mềm, quy trình, nhân sự và phải tìm kiếm các NH hỗ trợ tốt cho giải pháp này. Đó là những khó khăn chính mà nhiều CTCK vẫn quyết định chọn tài khoản tổng.

Với nhiều khó khăn nhưng Kim Eng vẫn lựa chọn con đường quản lý tách biệt. Ông có thể cho biết lý do?

Ngay khi thành lập, KEVS đã xác định đi theo con đường quản lý tách biệt tài khoản với mong muốn hướng đến sự minh bạch với KH của mình.

Theo chúng tôi, đây là biện pháp tốt nhất cho cả NĐT lẫn CTCK để tiến tới sự chuyên nghiệp và chuyên môn hoá. Khi đó, trách nhiệm quản lý tiền sẽ được chuyển về NH, CTCK sẽ được giảm tải để tập trung cung cấp các sản phẩm, dịch vụ khác tốt hơn, đồng thời cũng sẽ triệt tiêu mọi rủi ro thất thoát tài sản của KH.

Ông có thể chia sẻ những khó khăn khi Kim Eng triển khai quản lý tách biệt tài khoản?

Thực tế tại Kim Eng cho thấy, khi đi theo con đường này, chúng tôi cũng đã phải đối mặt với rất nhiều bất lợi. Rõ ràng nhất là chi phí vốn tăng cao hơn so với CTCK khác, ảnh hưởng đến lợi nhuận.

Tiếp theo, chúng tôi phải giải quyết bài toán giải pháp, quy trình và nhân sự. Có thể nói, KEVS triển khai thành công tách biệt tài khoản nhờ hai yếu tố. Thứ nhất, giải pháp “đồng bộ số dư” chúng tôi chọn lựa đã được chứng minh là thích hợp nhất với thị trường VN đến thời điểm này. Thứ hai, Kim Eng đã quyết tâm đi theo con đường đã chọn, cộng với một số thuận lợi như sự hỗ trợ tư vấn từ tập đoàn với 40 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính. KEVS cũng may mắn có được lực lượng nhân sự chủ chốt về IT, Nghiệp vụ năng động và giàu kinh nghiệm.

Ngoài các lý do nêu trên, về mặt kỹ thuật, việc quản lý tài khoản tách biệt sẽ gây ra một số khó khăn khi triển khai các sản phẩm khác. Do đó, chúng tôi luôn phải đầu tư nghiên cứu để cải tiến hệ thống, nâng cấp các sản phẩm dịch vụ để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của KH.

Giải pháp “đồng bộ số dư” mà ông đề cập ở trên cụ thể như thế nào, thưa ông?

Vào thời điểm chúng tôi bắt đầu triển khai tách biệt tài khoản, đã có một số NH cung cấp dịch vụ quản lý tiền cho NĐT, nhưng giải pháp KEVS chọn là “đồng bộ số dư” lúc đó lại chưa có NH nào thực hiện. Chúng tôi đã tìm được đối tác là NH Eximbank với quyết tâm cùng nhau nghiên cứu và triển khai thành công giải pháp này.

“Đồng bộ số dư” khác biệt so với giải pháp thông thường “truy vấn số dư”. “Truy vấn số dư” nói nôm na là “CTCK hỏi - NH đáp”. Khi NĐT đặt lệnh, CTCK sẽ kết nối với NH để kiểm tra số dư trong tài khoản KH. Trong khi đó, “đồng bộ số dư” là NH chủ động cập nhật cho CTCK biết NĐT đang có bao nhiêu tiền.

Với đồng bộ số dư, công ty có một số thuận lợi như giảm tải cho việc kết nối, giảm thời gian chờ đợi trả lời từ NH nên tốc độ đặt lệnh rất nhanh.

Ngoài ra, đồng bộ số dư còn có một ưu điểm quan trọng khác. Đó là trong trường hợp xảy ra đứt kết nối với NH thì giao dịch của KH cũng không bị gián đoạn bởi số dư đã được lưu ở KEVS và công ty hoàn toàn có thể tự xử lý trong quá trình chờ đợi khắc phục sự cố.

Đồng bộ số dư còn giúp cho mọi giao dịch rút tiền của KH tại NH được cập nhật tức thời đến hệ thống giao dịch của CTCK.

Chủ tịch UBCKNN vừa khẳng định sẽ triển khai triệt để việc tách bạch tài khoản tiền của NĐT với CTCK. Ông đánh giá như thế nào về động thái này?

Theo tôi, đó là việc cần làm ngay và phải làm thật quyết liệt. Bởi vì hiện nay quan trọng nhất là lấy lại niềm tin cho NĐT: niềm tin về sự phát triển bền vững của thị trường và niềm tin về sự an toàn, minh bạch đối với tài sản của mình.

Nếu quy định này được áp dụng một cách đồng bộ thì NĐT sẽ không còn vướng bận nỗi lo mất mát tài sản của mình. Ngoài ra sẽ tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng hơn giữa các CTCK, tạo tiền đề cho thị trường tiến tới sự chuyên nghiệp.

Xin cám ơn ông đã tham gia buổi trao đổi!

Bội Mẫn thực hiện (Vietstock)

Finfonet

Các tin tức khác

>   Góc nhìn 13/03: Sẽ sớm tìm được điểm cân bằng (12/03/2012)

>   Chứng khoán Việt Nam: Kỳ vọng đường dài (12/03/2012)

>   Muốn chiến thắng, NĐT phải đam mê chứng khoán (12/03/2012)

>   Góc nhìn tuần 12 – 16/03: Tuyệt đối không bắt dao rơi (11/03/2012)

>   Khuyến nghị mua HBC, FPT; hạ giá mục tiêu của IJC (11/03/2012)

>   “Cần trao thêm quyền cho UBCK” (09/03/2012)

>   Góc nhìn 09/03: Nên bán hay giữ? (08/03/2012)

>   Giá xăng tăng khó làm thay đổi xu hướng đi lên của TTCK (07/03/2012)

>   Góc nhìn 08/03: Dừng bán và án binh bất động (07/03/2012)

>   “Tránh nhầm lẫn giữa hành vi vi phạm với thủ thuật kinh doanh” (07/03/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật