Thứ Hai, 12/03/2012 14:40

Chứng khoán Việt Nam: Kỳ vọng đường dài

TTCK đã đón nhận Chỉ thị Chỉ thị số 08/CT-TTg như một luồng gió mới đầy hứng khởi. Xung quanh câu chuyện này, DĐDN đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hoàng Hải - Tổng thư ký Hiệp hội các Nhà đầu tư Tài chính VN (VAFI).

- Ở góc độ tổ chức đại diện cho các nhà đầu tư (NĐT) tài chính VN, ông nhìn nhận như thế nào về sức tác động của Chỉ thị 08 đối với TTCK trong thời gian ngắn vừa qua, và cả giai đoạn hiện nay, thưa ông?

Trước hết, có thể khẳng định Chỉ thị số 08 CT-TTg đã trực tiếp thể hiện sự quan tâm của Thủ tướng Chính phủ đối với TTCK, trong đó có cả việc đánh giá cao vai trò của TTCK đối với nền kinh tế quốc gia. Đây là một yếu tố vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của thị trường trong hôm nay và cả ngày mai.

Tuy nhiên, nếu nhìn nhận cụ thể hơn, thì phải nói rằng Chỉ thị mới là chủ trương. Chủ trương đã có, nhưng việc thực hiện chủ trương như thế nào, còn tùy thuộc vào các giải pháp mà các bộ, ban ngành đã, đang và sẽ triển khai. Sự đôn đốc bước đầu của Chính phủ thể hiện qua chỉ thị này, sẽ còn cần phải có thời gian để kiểm nghiệm hiệu ứng thực tiễn từ các giải pháp cụ thể nhất, được đưa ra từ các tổ chức đã được Thủ tướng đích thân “gọi tên” và phân công nhiệm vụ.

Trong ngắn hạn, TTCK đã phản ứng, đón nhận thông tin về Chỉ thị 08 hết sức tích cực. Hơn thế, việc công bố ba văn bản của Thủ tướng Chính phủ về TTCK, của Bộ Tài chính, cũng cho thấy cơ quan quản lý cao nhất của TTCK, đang rất quan tâm đến thị trường. Đó là cơ sở để các NĐT có quyền kỳ vọng nhiều hơn vào bước chuyển mình của thị trường trong thời gian tới.

- Theo ông, đâu là những giải pháp cụ thể mà các cơ quan bộ, ngành quản lý thị trường đã, đang và sẽ tiếp tục triển khai ngay trong thời gian tới để thực hiện Chỉ thị 08, thúc đẩy hoạt động và công tác quản lý, giám sát trên TTCK?

Tôi cho rằng sẽ có một số giải pháp được ban hành, triển khai tới đây, trong đó có cả những giải pháp cũ, nhưng cần được thực hiện nghiêm túc, cần được điều chỉnh phù hợp với diễn biến mới và thực tiễn hiện nay của thị trường. Đó cũng là những giải pháp đã được nêu rõ trong Chỉ thị số 08, như: Thực hiện tách bạch tiền gửi của NĐT, Rà soát lại các vướng mắc về thuế, Sử dụng công cụ thuế, điều chỉnh hạn mức để ưu đãi cho các NĐT tổ chức nhằm tăng cường sức hút từ nguồn vốn đầu tư nước ngoài... Nhưng cũng phải nói rằng, để thực hiện được “vế” thứ hai của yêu cầu trong Chỉ thị 08, là tăng cường công tác quản lý, giám sát trên TTCK, thì các cơ quan bộ, ngành sẽ còn có rất nhiều việc phải làm.

- Và một trong những việc phải làm đầu tiên, để việc tăng cường quản lý, giám sát trên TTCK có kết quả, hiệu ứng tức thời và dài hạn?

Rất nhiều việc phải triển khai đồng bộ, cùng lúc. Khó có thể có một giải pháp nào mang đến cú hích mạnh cho sự thay đổi chất lượng quản lý, giám sát trên TTCKVN. Nhưng tôi cũng cho rằng nếu có một giải pháp nào đó cần phải thực thi trước tiên, thì đó chính là việc nâng cao chất lượng quản trị của các cơ quan quản lý. Chẳng hạn, cổ phần hóa các Sở giao dịch chứng khoán để tăng cường tính đại chúng, hội nhập, cũng như gia tăng tính giám sát từ đại chúng đối với chính các lãnh đạo, đại diện cơ quan quản lý, đó cũng là một giải pháp quan trọng. Nếu nói một cách thẳng thắn hơn thì để đạt được định hướng giám sát, quản lý thị trường có hiệu quả ổn định, bền vững trong lâu dài, phải nâng cao tính chuyên nghiệp của ban quản lý “chợ”, những người có quyền thực thi giám sát. Quản lý một cái “chợ trời” chắc chắn sẽ có một trình độ khác với quản lý một “đại siêu thị”. Ban quản lý “chợ” chứng khoán phải tính đến việc làm sao cho trình độ quản trị, giám sát của mình tương xứng với quy mô của “đại siêu thị” chứng khoán trong tương lai. Hơn thế, cũng cần phải phát triển xã hội hóa giám sát, xây dựng cơ chế thưởng – phạt cho người dân, NĐT khi thực thi giám sát thị trường.

- Xã hội hóa giám sát TTCK liệu có thể là một giải pháp khả thi, khi đây là một thị trường có những đặc tính khá chuyên biệt, được gọi là “thị trường vốn bậc cao” và không phải đối tượng nào cũng có thể tham gia, am hiểu, giám sát được?

Hiện nay, đã có nhiều cổ đông, NĐT tham gia thực thi giám sát DN. Thực tiễn thời gian qua cũng cho thấy có nhiều sự vụ vi phạm trên TTCK, được phát hiện không phải do các thanh tra, cơ quan quản lý thị trường mà do chính nội bộ DN, do NĐT. Tôi cho rằng những dấu hiệu vi phạm trên TTCK là rất dễ nhận biết. Trong trường hợp các nhà hữu trách tính được chuyện phát triển các nhóm bảo vệ quyền lợi cổ đông, có quy định về thù lao, tưởng thưởng, tin rằng đây cũng là một giải pháp căn cơ để thực thi một số yêu cầu trọng điểm trong Chỉ thị 08.

- Ông nhận xét như thế nào về yêu cầu tăng cường thu hút, giám sát, quản và xây dựng các giải pháp ứng phó với biến động của luồng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài để đảm bảo an toàn hệ thống? Với cơ chế hiện nay, chúng ta có thể thực thi được điều này?

Tôi có quan điểm khác. Lâu nay, chúng ta luôn ở trong tâm lý của… Mỵ Nương, lúc nào cũng thấy sau lưng mình là “giặc” (cười). Trên thực tế theo thống kê của tôi, yếu tố tích cực, nếu so với tác động tiêu cực từ luồng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài qua thị trường tài chính những năm qua, có tỉ lệ 50:1. Tức là chúng ta không cần, hoặc chưa cần tính tới chuyện phải lo các NĐT nước ngoài rút vốn ào ạt qua TTCK, trong khi chúng ta còn có bao nhiều điều phải lo khác, có thể tác động rất mạnh tới TTCK ở chiều tiêu cực như lạm phát, tỉ giá, thiếu minh bạch… là những vấn đề nội tại của chính chúng ta, và cũng đang rất cần được xử lý triệt để.

Dĩ nhiên, nhìn ở vĩ mô và dài hạn, bảo đảm cho hệ thống tài chính luôn hoạt động lành mạnh và ổn định là trọng trách lớn của các nhà hữu trách đang trực tiếp và gián tiếp liên quan đến quản lý, xây dựng TTCK. Ở góc độ này thì chúng ta có thể học tập kinh nghiệm quản lý, giám sát vốn đầu tư gián tiếp từ các thị trường tiên tiến, thông qua công cụ thuế, quản lý ngoại hối.  Một khi tiền đồng vẫn chưa được chuyển đổi tự do trên thị trường quốc tế và TTCKVN vẫn chưa phát triển đến mức có đa dạng các loại hàng hóa, sản phẩm phái sinh thông dụng như các thị trường tiên tiến, tôi cho rằng chúng ta vẫn chưa phải e ngại quá mức về vấn đề này. Điều quan trọng và mấu chốt để TTCK phát triển ổn định lúc này, vẫn là phải làm sao để gia tăng thu hút vốn đầu tư.

- Vậy ngắn gọn thì các NĐT tài chính kỳ vọng ra sao về việc triển khai Chỉ thị 08, thưa ông?

Chúng tôi kỳ vọng đây không chỉ là sự quan tâm, định hướng, yêu cầu, và các Bộ, ban ngành có liên quan, đã được giao nhiệm vụ cụ thể trong Chỉ thị sẽ không… nói suông. Rõ ràng là rất nhiều vấn đề chưa thể ngay lập tức giải quyết, nhưng không có vấn đề nào không giải quyết được. Sự phát triển ổn định và bền vững của TTCKVN sẽ phụ thuộc rất lớn vào số lượng giải pháp nhiều hay ít, lẻ tẻ hay đồng bộ, tốc độ triển khai các giải pháp nhanh, hay chậm.

- Trong khi chờ đợi việc ban hành, triển khai các giải pháp, NĐT cần lưu ý gì khi tham gia thị trường, ít nhất là trong 6 tháng tới đây?

Chúng ta đang đón nhận những tín hiệu tích cực từ nền kinh tế vĩ mô, với sự cải thiện của lạm phát, ổn định của thị trường vàng, của tỉ giá, lãi suất tín dụng đang có xu hướng giảm. Nhưng TTCK vẫn chưa thể khẳng định được một xu thế tăng ổn định và bền vững. Do đó, tôi cho rằng bên cạnh việc lựa chọn đầu tư giá trị vào những cổ phiếu cơ bản còn rẻ, NĐT nên lưu ý khi giải ngân vào những cổ phiếu của các DN có kết quả kinh doanh thua lỗ, tỉ suất sinh lời/ vốn chủ sở hữu thấp, tránh sử dụng đòn bẩy tài chính lớn. Nói ngắn gọn là các NĐT cần tỉnh táo!

- Xin cảm ơn ông!

Lê Mỹ thực hiện

diễn đàn doanh nghiệp

Các tin tức khác

>   Muốn chiến thắng, NĐT phải đam mê chứng khoán (12/03/2012)

>   Góc nhìn tuần 12 – 16/03: Tuyệt đối không bắt dao rơi (11/03/2012)

>   Khuyến nghị mua HBC, FPT; hạ giá mục tiêu của IJC (11/03/2012)

>   “Cần trao thêm quyền cho UBCK” (09/03/2012)

>   Góc nhìn 09/03: Nên bán hay giữ? (08/03/2012)

>   Giá xăng tăng khó làm thay đổi xu hướng đi lên của TTCK (07/03/2012)

>   Góc nhìn 08/03: Dừng bán và án binh bất động (07/03/2012)

>   “Tránh nhầm lẫn giữa hành vi vi phạm với thủ thuật kinh doanh” (07/03/2012)

>   Góc nhìn 07/03: Chưa đến mức bi quan (06/03/2012)

>   “Cần trao cho UBCK quyền phân định lỗi vi phạm chứng khoán” (06/03/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật