Trung Quốc hạ dự trữ bắt buộc 0.5% lần thứ 2 trong 3 tháng
(Vietstock) – Đây là động thái mới nhất của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) nhằm thúc đẩy cho vay trong bối cảnh khủng hoảng nợ công châu Âu và sự hạ nhiệt của thị trường bất động sản đang đe dọa đến đà tăng trưởng của nền kinh tế.
Vào tối 18/02, PBoC hạ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng thương mại bớt 0.5% với hiệu lực kể từ thứ Sáu tuần tới (24/02). Theo đó, tỷ lệ dự trữ bắt buộc áp dụng đối với các ngân hàng lớn nhất nước giảm từ 21% xuống 20.5%, qua đó bơm khoảng 400 tỷ Nhân dân tệ (63.5 tỷ USD) vào hệ thống ngân hàng nhằm phục vụ hoạt động cho vay.
Đây là lần thứ 2 trong 3 tháng, PBoC cắt giảm dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng thương mại nhằm vực dậy nền kinh tế. PBoC tuyên bố hạ dự trữ bắt buộc lần đầu tiên trong 3 năm vào ngày 30/11/2011 từ mức kỷ lục 21.5%.
Trước đó, Trung Quốc đã dần nới lỏng một số quy định tín dụng đối với các tổ chức tài chính có quy mô nhỏ để hỗ trợ nền kinh tế.
Nhà đầu tư kỳ vọng PBoC sẽ tiến hành hạ dự trữ bắt buộc trước Tết Nguyên Đán nhưng điều này đã không xảy ra. Thay vào đó, PBoC chọn phương án cung cấp các khoản vay ngắn hạn cho các ngân hàng thông qua hoạt động thị trường mở.
Kết quả cuộc thăm dò được Reuters tổ chức trong tháng 1/2012 cho thấy PBoC có thể cắt giảm dự trữ bắt buộc tổng cộng 2% trong năm 2012 xuống 19%.
Hiện Chính phủ Trung Quốc tỏ ra lưỡng lự trong việc cho phép các ngân hàng tăng cường cho vay do rủi ro lạm phát vẫn còn tồn tại và quan trọng hơn các nhà làm chính sách quyết tâm hạ nhiệt thị trường bất động sản nhằm chặn đứng sự xuất hiện của bong bóng đầu cơ.
Không có nhà phân tích nào dự báo PBoC sẽ hạ lãi suất trong năm nay khi lạm phát vẫn còn cao hơn so với mức lãi suất huy động kỳ hạn một năm 3.5%.
Phước Phạm (Theo CNBC, Bloomberg)
|