Châu Âu: Ngân hàng ngần ngại, doanh nghiệp lao đao!
Sự tụt giảm lợi nhuận và doanh số khiến các doanh nghiệp ở châu Âu phải vật lộn với các hóa đơn. Bên cạnh đó, ngân hàng ngần ngại cho vay và viễn cảnh các công ty không thể vay tiền để duy trì hoạt động khiến nền kinh tế khu vực càng chịu nhiều sức ép.
Ông Jonathan Loynes, nhà kinh tế trưởng thường trú ở London của Công ty nghiên cứu Capital Economics, nhận xét: “Hoạt động cho vay dành cho các đối tượng tư nhân đang giảm mạnh và đây là một áp lực lớn đối với nền kinh tế”.
Áp lực ngày một gia tăng khi tình trạng vỡ nợ dự kiến sẽ tăng 12% trong năm nay tại khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), nhất là ở các quốc gia như Hy Lạp, Tây Ban Nha và Ý.
Năm 2012 là một năm tồi tệ cho “cựu lục địa” khi ngày 24/1 vừa qua, IMF dự báo tăng trưởng GDP của Eurozone trong năm nay sẽ đạt mức âm 0,5%.
Cuộc suy thoái kinh tế hiện tại sẽ gây ra những ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đến khu vực Nam Âu, khiến tăng trưởng kinh tế của Ý và Tây Ban Nha lần lượt sụt giảm 2,2% và 1,7% trong năm nay.
Cuộc khảo sát gần đây do Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) công bố cho thấy các tổ chức tài chính đã giảm số tiền cho vay dành cho các doanh nghiệp từ quý III/2011. Những nỗ lực của các chính phủ nhằm thúc đẩy hoạt động cho vay của các ngân hàng cũng chưa đem lại kết quả.
Tháng 12/2011 vừa qua, ECB đã rót 489 tỷ euro với lãi suất vay thấp (tương đương 639 tỷ USD) cho khu vực tài chính. Các nhà chức trách hy vọng số tiền này sẽ giảm tải áp lực tín dụng cho các ngân hàng châu Âu để họ có thể phục hồi hoạt động cho vay và góp phần giải cứu nền kinh tế.
Tuy nhiên, thay vì cung cấp khoản vay cho những công ty đang đói vốn, các tổ chức tài chính lại ưu tiên gửi tiền cho ECB để đảm bảo. Ngày 18/1, các quan chức châu Âu cho biết hiện số tiền gửi qua đêm của các ngân hàng châu Âu tại ECB đã đạt 700 tỷ USD, con số cao nhất kể từ khi thành lập đồng euro vào năm 1999.
Nền kinh tế ở châu Âu lâm vào suy thoái, nạn thất nghiệp tăng cao, niềm tin tiêu dùng giảm sút, các ngân hàng ngần ngại cho vay dẫn đến việc một số công ty phải tuyên bố vỡ nợ, phá sản, hay bán tài sản và giảm đầu tư để bảo toàn lượng tiền mặt ít ỏi hiện có.
Theo PricewaterhouseCoopers, đơn vị giám sát quá trình phát mại tài sản của Petrolus tại Anh, hiện có gần 40 tổ chức, bao gồm nhiều công ty năng lượng đa quốc gia và các quỹ đầu tư, đang nghiên cứu mua lại những tài sản này.
“Đây rõ ràng là một điềm xấu, bởi hiện nay, cứ 3 công ty của châu Âu tuyên bố vỡ nợ thì sẽ có 2 công ty trong số đó nộp đơn xin phá sản”, Ludovic Subran, nhà kinh tế trưởng của Euler Hermes, một công ty bảo hiểm tín dụng ở Paris, cho biết.
Cũng trong tháng 1, gã khổng lồ trong lĩnh vực bán lẻ của Anh là Tesco đã ban hành một cảnh báo về lợi nhuận lần đầu tiên trong suốt hơn 20 năm qua, nêu rõ rằng doanh thu trong năm 2012 sẽ thấp hơn khoảng 709 triệu USD so với mức kỳ vọng của các nhà phân tích.
Tháng 12/2011, Seat Pagine Gialle, nhà xuất bản các ấn phẩm “trang vàng” của Ý, tuyên bố không thể trả khoản nợ 72 triệu USD do đang trong quá trình tái cấu trúc tài chính.
Hiểm cảnh hiện tại có thể mở màn cho những thương vụ thôn tính trong tương lai. Những công ty đa quốc gia nhiều tiền của như Siemens của Đức hay Philips của Hà Lan đã và đang săn tìm các tài sản hấp dẫn từ những công ty đang khó khăn.
Các quỹ đầu tư cũng đang hoạt động rất tích cực. Cũng trong tháng 1, Quỹ đầu tư Sun European Partners đã mua lại Bonmarché, một bộ phận của chuỗi cửa hàng thời trang Peacocks tại Anh vốn đang trong tình trạng vỡ nợ. Được biết, Sun European Partners cũng đã sở hữu một số công ty bán lẻ khác trong lĩnh vực thời trang.
Hoàng Đăng
Doanh nhân Sài Gòn
|