Thứ Sáu, 17/02/2012 18:10

11 ngày quyết định số phận châu Âu và Hy Lạp

(Vietstock) – Dù Hy Lạp vẫn đang quay cuồng trong khủng hoảng nợ nhưng các thị trường chứng khoán thế giới tiếp tục phục hồi. Do vậy, việc theo dõi các sự kiện tại châu Âu nghe có vẻ thừa. Tuy nhiên, mọi người đều cho rằng Eurozone vẫn là một thảm họa lớn sắp xảy ra.

Điều này được thể hiện rõ qua kế hoạch ngân sách của Tổng thống Barack Obama, trong đó cho biết thảm họa châu Âu là một trong những rủi ro lớn nhất đối với nền kinh tế Mỹ tại thời điểm hiện nay.

Dường như châu Âu đang tiến gần đến một thời điểm hết sức quan trọng với nguy cơ vỡ nợ của Hy Lạp đã lên đến đỉnh điểm và các nhà lãnh đạo châu Âu tỏ ra khá thờ ơ với việc giải quyết các khó khăn tại quốc gia này. Sau đây là 11 sự kiện quan trọng của khu vực mà nhà đầu tư cần quan tâm trong 2 tháng tới.

1. Thứ Sáu (17/02)

Tại Rome, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Ý Mario Monti sẽ có cuộc đối thoại toàn diện về vấn đề làm thế nào để Hy Lạp có thể nhận được gói giải cứu thứ hai. Ông Monti bày tỏ lo ngại rằng cách giải quyết tình hình của Hy Lạp có thể ảnh hưởng đến nước này.

2. Thứ Hai (20/02)

Các bộ trưởng tài chính Eurozone sẽ nhóm họp lần nữa tại Brussels. Nếu cần thiết, các bộ trưởng sẽ tiếp tục thảo luận về điều khoản của gói giải cứu Hy Lạp. Bên cạnh đó, các cuộc thảo luận về sự tham gia của lĩnh vực tư nhân trong gói giải cứu và sự đóng góp của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng sẽ nóng lên.

3. Thứ Ba (21/02)

Các bộ trưởng tài chính Liên minh châu Âu (EU) sẽ nhóm họp tại Bỉ và có thể tiếp tục thảo luận về gói giải cứu Hy Lạp cũng như hiệp ước tài chính mà các nhà lãnh đạo EU công bố vào tháng 12 năm ngoái. Ngoài ra, các bộ trưởng cũng sẽ thảo luận về ngân sách của EU trong năm tới.

Điều đáng chú ý ở đây là sự khác biệt trong quan điểm của các đại điện thuộc Eurozone và ngoài Eurozone. Được biết, sự khác biệt này ngày càng gia tăng trong thời gian gần đây.

4. Thứ Bảy (25/02)

Bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương các nước G20 sẽ nhóm họp tại thành phố Mexico. Phụ thuộc vào tiến triển của gói giải cứu Hy Lạp, các biện pháp nhằm ngăn chặn tác động của việc Hy Lạp vỡ nợ có thể là chủ đề chính của cuộc họp.

Bên cạnh đó là nỗ lực gia tăng nguồn vốn của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) để tạo ra bức tường lửa nhằm ngăn chặn sự lây lan tại châu Âu. Giám đốc điều hành IMF, Christine Lagarde, cho biết bà có thể huy động thêm tiền từ các thành viên đóng góp vào quỹ nếu các quốc gia Eurozone gia tăng khoản đóng góp của mình. Tuy nhiên, điều này khó có thể xảy ra và sẽ không đem lại kết quả như mong muốn.

5. Thứ Hai (27/02)

Hạ viện Đức (Bundestag) sẽ bỏ phiếu về gói giải cứu mới dành cho Hy Lạp. Có thể đây không phải là quốc gia duy nhất bỏ phiếu cho kế hoạch này nhưng 27/02 là một trong số ít ngày đã được xác nhận.

Nếu Bundestag không thể phê chuẩn thỏa thuận trên, khi đó Hy Lạp hầu như phải dựa vào chính mình. Các quan chức Đức tỏ ra lo lắng về việc chi tiền ra nhưng không thể nhận lại trong khi bất kỳ quyết định nào từ Thủ tướng Merkel cũng có khả năng được thông qua.

6. Thứ Ba (28/02)

Trong một động thái được trông chờ rất nhiều, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ tổ chức hoạt động tái cấp vốn lần thứ hai với các khoản vay kỳ hạn 3 năm.

Trong đợt cấp vốn đầu tiên diễn ra vào tháng 12/2011, các ngân hàng đã vay 489 tỷ EUR (tương đương 643 tỷ USD) với lãi suất siêu thấp. Các chuyên gia phân tích kỳ vọng quy mô của đợt cấp vốn thứ hai sẽ bằng hoặc lớn hơn đợt một. Vào tháng trước, Chủ tịch ECB Mario Draghi dự báo lượng vốn phân bổ trong đợt cấp vốn thứ hai sẽ nhỏ hơn đợt trước.

Hoạt động này cũng bao gồm một số quy định mới cho phép ngân hàng trung ương các nước Pháp, Síp, Tây Ban Nha, Ý, Ireland, Áo và Bồ Đào Nha nới lỏng quy định về khoản thế chấp mà các ngân hàng trong nước sẽ phải cam kết để nhận được tiền.

Cũng vào ngày 28/02, Bộ trưởng Tư pháp Ireland sẽ phải quyết định liệu có tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về hiệp ước mới trong hiệp định tài chính của EU.

7. Thứ Năm (01/03) – Thứ Sáu (02/03)

Giới lãnh đạo EU sẽ tổ chức cuộc họp thượng đỉnh tiếp theo tại Brussels với mục đích đưa ra các kịch bản về những gì sẽ diễn ra với Hy Lạp trong tháng khi các khoản nợ đáo hạn và nước này không có khả năng chi trả. Các kịch bản mà EU có thể đưa ra là Hy Lạp sẽ được nhận tiền giải cứu, hoặc vỡ nợ, hoặc rút lui khỏi Eurozone.

8. Thứ Ba (06/03)

Hy Lạp dự kiến hoàn thành việc hoán đổi trái phiếu với lĩnh vực tư nhân vào ngày 06/03. Tuy nhiên, có rất nhiều giả định xung quanh vấn đề này, chẳng hạn như:

+ Các quan chức Hy Lạp và các chủ nợ tư nhân không thể đạt được thỏa thuận về hoán đổi nợ

+ Hy Lạp chỉ đạt được thỏa thuận với một số chủ nợ

+ Không có bất kỳ trở ngại nào đối với thỏa thuận trên

Không chỉ cho rằng việc hoán đổi nợ sẽ không thể diễn ra vào ngày này mà các nhà đầu tư còn tin rằng giới lãnh đạo EU không thể tránh được một cuộc khủng hoảng tín dụng, ít nhất là cũng không thể không gây thiệt hại nào đối với thị trường của các hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng (CDS) tại châu Âu.

9. Thứ Năm (08/03)

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) công bố quyết định lãi suất tháng 3. Nhà đầu tư sẽ chú ý hơn đến dự báo của ECB về triển vọng kinh tế Eurozone và chắc chắn kỳ vọng vào các biện pháp tích cực hơn, chẳng hạn như giảm lãi suất, áp dụng chương trình nới lỏng định lượng (QE), chấp nhận thua lỗ trên số trái phiếu Hy Lạp đang nắm giữ và có lẽ là cam kết đảm bảo nợ của các quốc gia để tránh lây lan.

10. Thứ Hai (12/03)

Các Bộ trưởng tài chính Eurozone sẽ nhóm họp lần nữa vào ngày 12/03 và dường như còn quá sớm để có thể xác định mối lo lắng hàng đầu của các quan chức trên vào thời điểm này. Nhiều khả năng, các bộ trưởng sẽ tập trung vào Hy Lạp khi chỉ còn vài ngày nữa là nước này có thể rơi vào tình trạng vỡ nợ nếu không nhận được tiền cứu trợ đúng lúc.

11. Thứ Ba (20/03)

Đây là một ngày đặc biệt quan trọng đối với Hy Lạp.

14.4 tỷ EUR (tương đương 18.9 tỷ USD) trái phiếu Chính phủ sẽ đáo hạn và Hy Lạp sẽ không có tiền để thanh toán khoản nợ này nếu không nhận được khoản giải cứu tiếp theo. Dù trên thực tế Hy Lạp có thời gian gia hạn là một tuần (tức ngày vỡ nợ có thể là 27/03), nhưng chắc chắn vào ngày này chúng ta sẽ biết được liệu Hy Lạp có thể tránh được thảm kịch vỡ nợ hay không.

Phước Phạm (Theo Business Insider)

Các tin tức khác

>   S&P: Tăng trưởng kinh tế Nga chậm lại ở mức 3,5% (17/02/2012)

>   Kinh tế Eurozone tiếp tục khó khăn năm 2012-2013 (17/02/2012)

>   Hy Lạp có kế hoạch cắt giảm bổ sung 325 triệu euro (17/02/2012)

>   Brazil kêu gọi giảm ảnh hưởng của Mỹ tại WB (17/02/2012)

>   Philippines đạt kiều hối hơn 20 tỷ USD năm 2011 (16/02/2012)

>   Kinh tế Anh có thể tránh được nguy cơ suy thoái (16/02/2012)

>   Hy Lạp sắp đến “bước đường cùng”? (16/02/2012)

>   "2012 sẽ là năm bất ổn đối với nền kinh tế thế giới" (16/02/2012)

>   Moody’s cảnh báo hạ tín nhiệm 17 tổ chức tài chính toàn cầu (16/02/2012)

>   Canada cần điều chỉnh kế hoạch "thắt lưng buộc bụng" (16/02/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật