Hy Lạp sắp đến “bước đường cùng”?
Dù Quốc hội Hy Lạp đã thông qua kế hoạch cắt giảm 3,2 tỷ EUR như yêu cầu, các lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) vẫn chưa hài lòng. Hôm 14-2, các bộ trưởng tài chính khu vực EUR đã hủy một cuộc họp dự kiến để thông qua gói ứng cứu thứ 2 cho Hy Lạp, đồng thời yêu cầu Athens phải cắt giảm thêm 325 triệu EUR.
Thủ tướng Luxembourg Jean-Claude Juncker, chủ tịch nhóm các bộ trưởng tài chính Eurozone, cho biết dù đã thông qua kế hoạch khắc khổ mới hôm 12-2, các nhà chính trị Hy Lạp vẫn chưa có cam kết bằng giấy trắng mực đen rằng các biện pháp khắc khổ sẽ được thực thi, ngay cả khi chính phủ lâm thời hiện nay bị thay thế.
Hy Lạp đang rất cần gói ứng cứu thứ 2, gồm khoản vay 130 tỷ EUR và việc hủy nợ 100 tỷ EUR, để giúp trả 14,5 tỷ EUR nợ trái phiếu đáo hạn vào ngày 20-3.
Một quan chức chính quyền Athens cho biết lãnh đạo của 2 đảng lớn nhất Hy Lạp là Antonis Samaras của đảng Dân chủ mới và George Papandreou của Pasok sẽ họp để viết văn bản cam kết như yêu cầu.
|
Một quả bom xăng nổ tại cuộc biểu tình ở Athens ngày 12-2. |
Tuy nhiên, Athens dường như đang bối rối với yêu cầu của EU và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) buộc Hy Lạp cắt giảm thêm 325 triệu EUR ngoài các kế hoạch cắt giảm 3,2 tỷ EUR đã được thông qua. Các lãnh đạo châu Âu muốn bảo đảm rằng nợ công của Hy Lạp phải giảm dần, từ 160% GDP hiện nay xuống còn 120% năm 2020.
Vấn đề là nền kinh tế Hy Lạp hiện nay có vẻ đã quá suy kiệt. Kế hoạch khắc khổ 3,2 tỷ EUR vừa được thông qua hôm 12-2 đã là kế hoạch khắc khổ thứ 6 mà người Hy Lạp phải gánh chịu kể từ tháng 5-2010. Những kế hoạch khắc khổ liên tiếp khiến nền kinh tế Hy Lạp ngày càng nguy kịch. 2011 là năm thứ tư liên tiếp Hy Lạp bị suy thoái và năm 2012 chắc chắn sẽ là năm suy thoái thứ 5 liên tiếp. Trong quý IV-2011, Hy Lạp đã suy thoái 7% so với năm trước.
Lâu nay nhiều nhà chuyên môn tin rằng giảm nợ công bằng các biện pháp khắc khổ liên tiếp sẽ phản tác dụng. Bằng chứng là trong tháng 1, khi các nhà hoạch định chính sách chờ đợi tiền thu thuế của Hy Lạp sẽ tăng 9% so với tháng 12-2011, thực tế thuế thu vào công quỹ của Athens lại giảm 7%.
Không chỉ vậy, thuế giá trị gia tăng trong tháng 1 cũng giảm 18%. Lý do chủ yếu vì tiêu thụ của người dân Hy Lạp đã giảm đi.
Đây là ghi chép của phóng viên RFI (Pháp) về Hy Lạp sau 5 kế hoạch khắc khổ: “Trên đường phố Athens, người ta trông thấy nhiều nông dân bán rau quả với giá gần như cho không, vì nhiều người dân thành phố không còn tiền để mua. Học sinh mặc nguyên lớp áo ấm dầy cộm vì trong lớp học không có lò sưởi do ngân sách giáo dục bị cắt giảm 55%, thuế xăng dầu lại tăng 30%.
1 triệu người trên tổng số 11 triệu dân không có việc làm. Chính phủ Hy Lạp trong kế hoạch khắc khổ mới đã quyết định sa thải thêm 15.000 nhân viên nhà nước và giảm 22% mức lương tối thiểu của người dân”.
Tất cả những khắc khổ người Hy Lạp phải chịu đựng nhằm đảm bảo điều kiện để được EU và IMF cho vay, mà hiện nay là gói vay 130 tỷ EUR. Tuy nhiên, hầu hết các khoản tiền mà người dân phải khắc khổ để Hy Lạp nhận được lại dùng để trả nợ cho những người giàu - các chủ nợ.
Chính vì vậy, những làn sóng phản đối đang bùng lên khắp Hy Lạp. Người dân đổ ra đường biểu tình, ném đá và thậm chí bom xăng vào cảnh sát chống bạo động. Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Luxembourg Luc Frieden tuyên bố thẳng thừng nếu Hy Lạp không đáp ứng được các điều kiện, nước này sẽ bị loại ra khỏi Eurozone.
“Nếu họ không làm được, họ tự loại mình ra khỏi Eurozone. Nguy cơ vỡ nợ không trình tự đang gia tăng. Thời gian đang cạn dần và không còn chỗ cho việc chần chừ”.
Vinh Trang
SÀI GÒN ĐẦU TƯ TÀI CHÍNH
|