PVI bán tiếp cổ phần cho đối tác ngoại
Trong năm 2012, PVI Holdings (PVI-HNX) sẽ tiếp tục bán thêm cổ phần cho đối tác chiến lược nước ngoài và thông qua mạng lưới của đối tác ngoại để tiến ra thị trường quốc tế.
Hiện tại, mức giá cụ thể và số lượng cổ phần sẽ phát hành thêm cho đối tác nước ngoài chưa được PVI thông tin chính thức, nhưng theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT PVI Holdings, hai đối tác chiến lược hiện tại là Tập đoàn Talanx (Đức) và Quỹ Đầu tư Oman sẽ là những ưu tiên số một để tới đây, PVI bán cổ phần.
Tập đoàn Talanx là đối tác chiến lược nước ngoài vừa mua cổ phần của PVI ngay sau khi công ty này thực hiện tái cơ cấu chuyển đổi mô hình từ Công ty cổ phần Bảo hiểm Dầu khí sang mô hình công ty mẹ - con (PVI Holdings). Giá cổ phần PVI bán cho Talanx là 36.000 đồng/cổ phần, trong khi thị giá PVI thời điểm đó là khoảng 18.000 đồng/cổ phần. Ông Jens Wohlthat, đại diện ban lãnh đạo HDI - Gerling thuộc Talanx Group cho biết, Talanx sẽ chuyển giao kỹ thuật, kinh nghiệm về bảo hiểm và hỗ trợ PVI mở rộng phạm vi hoạt động ra ngoài lãnh thổ Việt Nam.
Sau khi bán cổ phần cho Talanx vào cuối năm 2011, PVI đã cùng Talanx triển khai một số chương trình hợp tác cụ thể, theo đó, 2 bên đã ký các hợp tác liên quan đến hỗ trợ đào tạo, PVI đã cử cán bộ sang CHLB Đức để đào tạo về kỹ thuật và kinh doanh.
Cùng với việc bán thêm cổ phần cho các đối tác chiến lược nước ngoài, trong thời gian tới PVI sẽ triển khai mở rộng hoạt động ra thị trường quốc tế. Trong đó, mục tiêu hướng đến của PVI là các thị trường mà hiện Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) đang hoạt động đầu tư. Hiện tại, các thị trường đó sẽ là Nga và các nước châu Mỹ La-tinh. Trong tương lai, sẽ tiếp tục nhắm tới các thị trường khác, như Nhật Bản, Hàn Quốc, Myanmar và khu vực Trung Đông.
Riêng tại thị trường Trung Đông, thông tin từ PVI cho biết, Ủy viên HĐQT Quỹ đầu tư Oma đang là Tổng giám đốc Công ty Bảo hiểm Oma tại Dubai và năm nay, PVI cũng đã bắt đầu nhận các hợp đồng tái bảo hiểm từ thị trường Trung Đông.
Theo đại diện của PVI, mặc dù có chiến lược vươn ra thị trường quốc tế, nhưng PVI sẽ chưa có ý định thành lập các công ty, chi nhánh của PVI ở nước ngoài, mà khai thác mạng lưới hiện có của cổ đông chiến lược nước ngoài.
Cụ thể, trong thời gian tới, những dịch vụ mà PVN hoạt động ở nước ngoài, các công ty con của Tập đoàn Talanx sẽ đứng ra làm đại diện ký các hợp đồng bảo hiểm và sau đó ký lại các hợp đồng bảo hiểm về Việt Nam cho PVI. Ngược lại, những dịch vụ bảo hiểm của Tập đoàn Talanx khi thực hiện ở Việt Nam và các nước Đông Nam Á cũng sẽ được PVI đứng ra làm đại diện, vì thế, Talanx cũng không cần có sự hiện diện trực tiếp tại Việt Nam.
Ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết, thị phần bảo hiểm phi nhân thọ trong nước của PVI đã đạt 23%, trong khi quy mô toàn thị trường Việt Nam hiện chỉ khoảng 1 tỷ USD, nên dư địa tăng trưởng tại thị trường trong nước sẽ không còn nhiều, bởi vậy, nếu vẫn muốn duy trì tốc độ tăng trưởng cao, tăng cường khai thác thị trường bảo hiểm nước ngoài là xu hướng PVI phải lựa chọn.
“Cho dù PVI có chiếm hết thị trường trong nước, thì cũng vẫn chỉ bằng doanh số một công ty bảo hiểm trung bình ở nước ngoài, nên để duy trì được tăng trưởng bền vững, cần phải mở rộng hệ thống kinh doanh, nhằm tạo thêm nguồn thu mới”, ông Tuấn lý giải.
Chí Tín
đầu tư
|