Thứ Năm, 23/02/2012 14:21

Ngân hàng tăng vốn: Áp lực phát triển quy mô

Chịu mức áp tăng trưởng tín dụng không quá 15-17%, nhiều NHTM hiện nay không chỉ đứng trước thách thức trong việc đưa ra kế hoạch lợi nhuận phù hợp để cổ đông chấp nhận, mà còn phải tính đến kế hoạch tăng vốn điều lệ trong năm nhằm đảm bảo phát triển quy mô NH.

Tăng chủ yếu bằng chia cổ tức

Năm 2011, khoảng 25 NH trong nước tiến hành tăng vốn điều lệ. Kết thúc năm, vẫn còn 3 NH chưa đảm bảo vốn điều lệ trên 3.000 tỷ đồng. Năm 2012, dự kiến những NH chưa hoàn thành kế hoạch tăng vốn năm 2011 sẽ tiếp tục thực hiện chỉ tiêu này: ACB tăng mục tiêu lên 11.252 tỷ đồng, MBB 10.000 tỷ đồng, Maritime Bank (MSB) 8.000 tỷ đồng, HDBank 5.450 tỷ đồng, DongABank 6.000 tỷ đồng...

Có thể thấy, NH tăng vốn nhằm tăng tính an toàn trong hoạt động kinh doanh và nâng cao vị thế, khả năng cạnh tranh. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố việc tăng vốn năm nay đối với nhiều NHTM không đơn giản. Hầu như các NHTM lớn tăng vốn chủ yếu từ việc chia cổ tức.

Như Sacombank (STB) dự kiến tăng 17% vốn điều lệ bằng chia cổ tức cho cổ đông và bán thêm 2% cổ phần cho cán bộ cốt cán. VPBank cho biết nếu có tăng vốn cũng sẽ tiến hành qua chia cổ tức...

Theo một lãnh đạo NHTM, những NH trong nhóm 4, nhóm “đèn đỏ” sẽ không còn áp lực tăng vốn, bởi họ chẳng còn vốn để góp. Trong khi các NHTM lớn phải cân nhắc kỹ, tính toán hiệu quả việc tăng vốn trong bối cảnh tín dụng thắt chặt. “Vốn cổ đông là vốn có chi phí đắt nhất nên phải tính toán kỹ lưỡng.

Các cổ đông luôn mong muốn có cổ tức cao nhưng nó phải sau thuế và sau các quỹ. Do vậy, huy động vốn từ cổ đông thời điểm này không dễ và gây áp lực lợi nhuận cho NH rất lớn” - vị lãnh đạo này nói.

Theo chuyên gia Đinh Thế Hiển, các NHTM tăng vốn thời điểm này phải đảm bảo hiệu quả khi sử dụng vốn của cổ đông, hiệu quả vốn thấp không cần nhất thiết phải tăng vốn. Nếu tăng vốn thì từ thặng dư và chia cổ tức. Tăng vốn từ phát hành cổ phiếu cổ đông thời điểm này khó do chi phí vốn huy động lẫn cho vay vẫn còn cao.

Cửa khó tăng quy mô

Năm 2011 thị trường tiền tệ chứng kiến một số thương vụ tăng vốn lớn của các NH, trong đó đối tác góp vốn chính là các cổ đông nước ngoài. Thí dụ, Công ty Tài chính quốc tế (IFC) đầu tư khoảng 182 triệu USD để nắm giữ 10% cổ phần của VietinBank.

Khoản đầu tư này giúp VietinBank (CTG) tăng vốn điều lệ lên 16.858 tỷ đồng. Hay Vietcombank chào bán thành công 15% vốn (hơn 347,6 triệu cổ phiếu) cho NH Mizuho (Nhật Bản), tổng giá trị 567,3 triệu USD. Trong quý I-2012 việc chào bán cổ phần này mới hoàn tất, nên mức vốn điều lệ mới 23.174 tỷ đồng được ghi nhận cho năm 2012.

Ngoài ra, một số NH khác cũng đã tiến hành chào bán cổ phần cho cổ đông chiến lược nước ngoài như VIB chào bán thêm 5% vốn cho Commonwealth Bank of Australia, OCB nâng 20% vốn cho BNP Paribas...

Khách hàng giao dịch tại DongABank. 

Tuy nhiên, năm 2011 thị trường cũng ghi nhận sự thoái vốn từ các cổ đông lớn của NH như ANZ, REE thoái vốn khỏi Sacombank. Sắp tới, dự kiến Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ chuyển nhượng  5,3% tỷ lệ vốn sở hữu cổ phần của EVN tại ABBank cho HDBank.

Theo các chuyên gia, lĩnh vực NH năm 2012 vẫn là tiềm năng của giới đầu tư, nhất là nhà đầu tư nước ngoài. Không loại trừ trong lộ trình tái cơ cấu hệ thống NHTM sẽ có nhiều thương vụ mua bán hoặc tăng vốn điều lệ từ góp vốn của các NHTM nội địa khác, hoặc nhà đầu tư ngoại.

Thực tế hiện nay nhiều NHTM nhỏ trong nhóm 4 đang đi tìm cổ đông chiến lược theo kiểu “mang thân đi bán” và tất yếu sẽ có sự “thay ngôi đổi chủ” ở một số NH, bên cạnh thay đổi mức vốn điều lệ.

Tuy nhiên, khó khăn cho các NHTM trong kế hoạch tăng vốn là tới đây nguồn vốn điều lệ sẽ liên đới nhiều với các chỉ tiêu an toàn do NHNN quy định. Theo một quan chức NHNN, sắp tới NHNN sẽ nâng chuẩn hoạt động của các NHTM. Để đạt được chuẩn này, các NHTM phải nâng vốn điều lệ.

Theo đó, tỷ lệ an toàn vốn được tính trên vốn điều lệ, các trạng thái ngoại tệ cũng tính trên vốn điều lệ... Nguồn tin riêng của ĐTTC cho biết hiện tại NHNN đang ngưng cấp phép mở rộng mạng lưới hoạt động các NHTM và chuẩn bị đưa ra các hướng dẫn về điều kiện mở rộng mạng lưới.

Trong đó vốn là một trong  những điều kiện tiên quyết. Với các NHTM bậc trung và vừa đang trong giai đoạn cần mở rộng quy mô hoạt động để gia tăng thị phần, chắc chắn sẽ chịu áp lực lớn với kế hoạch tăng vốn và hiệu quả sử dụng vốn của cổ đông.

Dịu Ngân

SÀI GÒN ĐẦU TƯ TÀI CHÍNH

Các tin tức khác

>   M&A bất động sản khó đủ bề (23/02/2012)

>   Thâu tóm hay cơ hội thay đổi quản trị? (23/02/2012)

>   Saigonbank: Phát hành cổ phiếu tăng vốn lên 3,500 tỷ đồng (22/02/2012)

>   M&A doanh nghiệp: Sôi động ngành hàng tiêu dùng (22/02/2012)

>   SFI hủy lấy ý kiến về phương án phát hành cổ phiếu (21/02/2012)

>   PVC còn 4.46 tỷ đồng từ đợt phát hành cổ phiếu năm 2010 (21/02/2012)

>   Mua bán doanh nghiệp và những sắc thuế cần lưu tâm (21/02/2012)

>   STB - Ẩn số cuộc đổi chủ ngân hàng (20/02/2012)

>   CMS: Tăng vốn thành công từ 25 tỷ đồng lên 50 tỷ đồng (20/02/2012)

>   NTW chào bán 2 triệu cp với giá 10,500 đồng/cp (17/02/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật