Nông dân Dăk Lăk điêu đứng vì khoai mì giảm giá
Những năm qua, do giá khoai mì trên thị trường tăng cao, đã thu hút nhiều người dân ở khu vực Tây Nguyên, nhất là tại tỉnh Dăk Lăk đổ xô trồng khoai mì, bất chấp sự khuyến cáo của cơ quan chức năng. Hiện nay, người dân tỉnh Dăk Lăk đang thu hoạch khoai mì niên vụ 2011 – 2012. Tuy nhiên, so với những năm trước, giá khoai mì đang giảm mạnh, gây khó khăn cho người trồng khoai mì và doanh nghiệp chế biến khoai mì xuất khẩu trên địa bàn.
Ông Nguyễn Văn Sinh, phó giám đốc sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Dăk Lăk, cho biết, ngành nông nghiệp tỉnh đang vận động người dân không tăng thêm diện tích trồng khoai mì. Theo sở này, tỉnh hiện có trên 35.000ha khoai mì, tăng 30% so với năm 2010. Đối với mỗi hecta khoai mì, chi phí đầu tư ban đầu khoảng từ 15 – 20 triệu đồng, năng suất đạt từ 35 – 40 tấn khoai mì khô.
Theo ông Y Sanh Niê, người trồng khoai mì ở xã Ea Lê, huyện Ea Súp, niên vụ năm 2009 – 2010, ông chỉ trồng 5ha, nhưng do thấy lãi lớn, nên ông đã vay thêm vốn để đầu tư mở rộng đến 60ha khoai mì. Những năm trước đây, giá khoai mì bán ra khá cao (5.500 đồng/kg khoai mì khô) nhưng nay chỉ còn 3.000 đồng/kg, nên người trồng khoai mì không có lãi. Hơn nữa, việc bán khoai mì hiện cũng gặp khó. Chị Lê Thị Hương, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn than: “Hộ nào có khoai mì gần với đường giao thông thì mới dễ bán, còn ở vùng sâu thì họ phải tự vận chuyển ra ngoài mới bán được. Đã vậy, tư thương lại thu mua với giá thấp, khiến người dân bán cũng dở mà để lại cũng không xong”.
Giá khoai mì giảm, thiệt hại không chỉ đối với người trồng khoai mì, mà ngay cả những đại lý thu mua khoai mì cung cấp cho các công ty chế biến xuất khẩu cũng gặp nhiều trở ngại. Anh Lê Đức Lương, chủ đại lý thu mua khoai mì tại xã Ea Tu, thành phố Buôn Ma Thuột cho biết, trước đây, việc cung cấp khoai mì cho các công ty mẹ rất thuận lợi, nhưng hiện nay, các công ty mẹ chọn lựa, phân loại khoai mì rất kỹ, thậm chí họ còn không muốn mua nữa.
Tương tự, đối với các công ty chế biến khoai mì trên địa bàn tỉnh, hiện cũng gặp nhiều khó khăn. Ông Đặng Thái, giám đốc công ty TNHH MTV chế biến tinh bột khoai mì Chim Cánh Cụt (xã Ea Hleo, huyện Ea H’leo) cho biết, hiện nay, thị trường đầu ra của các đơn vị sản xuất tinh bột khoai mì trên địa bàn tỉnh đang bị thu hẹp, làm cho công suất của các nhà máy chế biến khoai mì giảm mạnh. Riêng công ty của ông Thái, từ chỗ công suất hoạt động 3,5 – 4 tấn/ngày, đến nay đã giảm hơn một nửa. Nguyên nhân, theo ông Thái, là do thị trường tiêu thụ khoai mì tinh chế phần lớn từ Trung Quốc, hiện phía Trung Quốc giảm nhập khẩu mặt hàng này.
Lê Thành
Sài Gòn Tiếp thị
|