Quỹ bảo hiểm cho ngành cà phê: Thiếu công bằng, DN tỵ nhau
Từ ngày 1/10/2012, Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (VICOFA) sẽ tiến hành thu phí Quỹ Bảo hiểm xuất khẩu ngành hàng cà phê. Tuy nhiên, việc thu phí sẽ không khả thi nếu theo cơ chế hiện nay.
Theo thông báo của VICOFA, từ ngày 1/10/2012, VICOFA sẽ tiến hành thu phí Quỹ Bảo hiểm cà phê với mức 2 USD/tấn, đối tượng phải nộp là các doanh nghiệp (DN) thành viên Hiệp hội. Tuy nhiên, cơ chế thu phí này khiến nhiều DN không phục. Ông Phan Hùng Anh, Phó giám đốc Công ty TNHH Anh Minh cho rằng, DN ngoài Hiệp hội, DN có vốn đầu tư nước ngoài, thì không phải nộp phí này là bất bình đẳng.
Nhiều DN xuất khẩu cà phê khác cũng cho hay, chỉ chịu nộp phí nếu quy định tất cả DN phải nộp, bất kể là thành viên hay không phải thành viên VICOFA. Trước phản ứng của DN, VICOFA đang lên phương án kiến nghị Chính phủ thay đổi cơ chế và tên gọi của Quỹ Bảo hiểm xuất khẩu ngành hàng cà phê. Trên thực tế, theo phương án sử dụng, Quỹ không hẳn chỉ bảo hiểm cho xuất khẩu cà phê, mà sử dụng tới 50% cho việc tái canh cây cà phê.
“Chúng tôi kiến nghị, Chính phủ cho phép thay đổi tên gọi của Quỹ và cho Quỹ cơ chế hoạt động. Theo đó, Quỹ sẽ đổi tên thành Quỹ Bảo hiểm cho ngành hàng cà phê, hoạt động không dựa vào tiền ngân sách, mà phải từ đóng góp của doanh nghiệp. Theo đó, tất cả DN tham gia xuất khẩu cà phê phải đóng phí vào Quỹ (không chỉ DN hội viên VICOFA). Mặc dù hơn 90% lượng cà phê xuất khẩu hiện nay thuộc các hội viên của VICOFA, nhưng vẫn còn một số DN xuất khẩu không thuộc VICOFA, nếu chỉ thu phí thành viên của Hiệp hội, sẽ gây tâm lý tỵ nạnh. Tôi cho rằng, khi đã yêu cầu tất cả DN phải nộp phí, thì sẽ thu được”, ông Lương Văn Tự, Chủ tịch VICOFA cho biết.
Về lý do đổi tên Quỹ, ông Lương Văn Tự cho rằng, Quỹ không chỉ bảo hiểm cho xuất khẩu, mà còn dùng cho tái canh cây cà phê. “Hiệp hội đã thỏa thuận và thống nhất dành 60% quỹ cho tái canh cây cà phê, 30% hỗ trợ lãi suất tạm ttrữ, 10% còn lại hỗ trợ xúc tiến thương mại và nâng cao chất lượng. Vừa qua, VICOFA cũng đã đầu tư 2 tỷ đồng cây và hạt giống miễn phí cho 5 tỉnh để tái canh cà phê. Nếu không thu phí để đầu tư cà phê, thì 10 năm nữaViệt Nam sẽ mất vị trí thứ hai thế giới về cà phê.
Ngoài đầu tư tái canh cà phê và hỗ trợ tạm trữ, một nội dung nữa mà Quỹ Bảo hiểm xuất khẩu cà phê dự định tiến hành là xây dựng tiêu chuẩn chung về cà phê để nâng cao giá trị cà phê xuất khẩu.
Theo VICOFA, đang tồn tại 2 tiêu chuẩn về cà phê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và của Bộ Khoa học và Công nghệ. Tuy nhiên, thực tế, cả 2 tiêu chuẩn này đều không đi vào cuộc sống, đa số doanh nghiệp không áp dụng. Hậu quả là, cà phê Việt Nam đứng nhất, nhì thế giới về lượng, nhưng lại được đánh giá hạng bét về độ đồng đều, ổn định của chất lượng sản phẩm, luôn bị giới đầu cơ các nước lợi dụng để kéo giá xuống.
“Nhiều đối tác nước ngoài cho biết, sẵn sàng mua cà phê của Việt Nam với giá tăng thêm trên 100 USD/tấn nữa với điều kiện chất lượng đồng đều, ổn định theo tiêu chuẩn nhất định. Nhiều DN nước ngoài phàn nàn mua cà phê Việt Nam mỗi ngày một chất lượng khác nhau, không ổn định, buộc phải chế biến lại trước khi xuất khẩu sang nước khác”, ông Tự nói.
Nguyên nhân của tình trạng loạn chất lượng trên, theo VICOFA, là do có quá nhiều DN tham gia xuất khẩu, bất chấp số lượng. Thứ hai, người dân có thói quen hái cà phê xanh, dẫn tới chất lượng kém. Thứ ba, khâu đầu tư chế biến sâu của Việt Nam trong ngành cà phê còn yếu.
Theo định hướng của VICOFA, tiêu chuẩn mới của cà phê Việt Nam sẽ phải phù hợp với tiêu chuẩn chất lượng cà phê thế giới và khả năng sản xuất, chế biến của Việt Nam. Văn bản này cũng sẽ được thể hiện ở dạng “quy chuẩn”, có tính bắt buộc thực hiện, chứ không phải dạng tiêu chuẩn như hiện nay. VICOFA hy vọng, sau khi xây dựng xong “chuẩn” về cà phê, giá cà phê xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng ít nhất 50 USD /tấn, thu về cho đất nước thêm 50 triệu USD/năm.
Thùy Liên
đầu tư
|