Niên vụ cà phê 2010/2011 và dự báo năm 2012
Niên vụ 2010/2011 đã kết thúc, theo số liệu Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu cà phê đạt 1,2 triệu tấn, trị giá 2,7 tỷ USD, tăng 3,2% về lượng và 48,7% về kim ngạch so với niên vụ 2009/2010. Đạt kết quả cao nhất từ trước đến nay của ngành cà phê.
Năm 2011, Việt Nam đã xuất khẩu cà phê sang 28 thị trường trên thị trường. Các thị trường chính nhập khẩu cà phê của Việt Nam là Hoa Kỳ, Đức, Bỉ, Italia, Tây Ban Nha….đứng đầu về lượng cà phê xuất nhiều nhất là thị trường Hoa Kỳ với 138,6 nghìn tấn, chiếm 11% thị phần, với kim ngạch 341 triệu USD. Đứng thứ hai là Đức 135,8 nghìn tấn, trị giá 296,6 triệu USD.
Đắk Lăk là một tỉnh trồng nhiều cà phê. Theo báo cáo của UBND tỉnh Đak Lak, số lượng cà phê nhân xuất khẩu của tỉnh trong niên vụ 2010-2011 đạt 311.096 tấn, giảm 12,8% so với niên vụ trước và chiếm 26,58% tổng sản lượng cà phê xuất khẩu của cả nước. Tuy nhiên, giá trị cà phê xuất khẩu lại tăng lên mức 651 triệu USD, tăng 29,4% về kim ngạch so với niên vụ trước và chiếm 26,32% tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê của cả nước.
Điều đáng mừng khác là cà phê nhân chất lượng cao của niên vụ 2010-2011 tăng đáng kể so với niên vụ trước, đạt 39.025 tấn chiếm 12,54% tổng số lượng cà phê xuất khẩu. Trong đó, cà phê loại 1 (R1) là 125.140 tấn chiếm 40,22%, cà phê nhân loại 2 (R2) là 146.931 tấn, chiếm tỷ lệ 47,23% số lượng cà phê xuất khẩu của tỉnh.
Theo nguồn tin từ VICOFA, niên vụ 2012/13 sản lượng cà phê Việt Nam sẽ giảm đáng kể. Đến thời điểm này, người dân trồng cà phê ở Tây Nguyên đã bước vào giai đoạn cuối vụ thu hoạch cà phê (khoảng trên 80% sản lượng cả vụ) và chỉ còn khoảng nửa tháng nữa là kết thúc. Tuy nhiên, người dân đang lo lắng năng suất và sản lượng sẽ giảm bởi cà phê đang ồ ạt bung hoa sớm. Nguyên nhân chủ yếu là do ảnh hưởng của các đợt áp thấp nhiệt đới, cơn bão số 7 và gió mùa đông bắc vừa qua tràn vào gây cho khu vực Tây Nguyên có mưa phùn.
Thông thường, sau khi kết thúc thu hoạch, vườn cà phê phải trải qua khoảng 1 tháng mùa nắng nữa để dưỡng chất dồn lên những búp hoa, khi đó gặp nước hoa cà phê mới nở đều và cho trái chín đúng mùa vụ. Năm nay do thời tiết thay đổi bất thường, cà phê đang trong giai đoạn thu hoạch đã ra hoa. Hiện tượng này sẽ tác động làm giảm năng suất và sản lượng niên vụ 2012/13. Thêm vào đó là diện tích cây cà phê già cỗi ngày càng tăng lên. Đến nay đã lên đến gần 30%. Năng suất những vườn cà phê già chỉ bằng ½ so với năng suất các vườn cà phê trẻ. Do đó sản lượng niên vụ cà phê 2012/13 tới sẽ giảm đáng kể.
Theo số liệu dự báo của ICO, niên vụ 2011/2012, sản lượng đạt 129,5 triệu bao so với 133,6 triệu bao niên vụ 2010/2011 giảm 3,1%. (Brasil giảm 10,3%, Indonesia giảm 27%). Việt Nam sản lượng sẽ đạt 18 – 18,5 triệu bao chiếm khoảng 15% sản lượng toàn cầu; xuất khẩu dự kiến trên 1,1 triệu tấn.
Căn cứ vào khả năng xuất khẩu yêu cầu vốn của các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề nghị với các Ngân hàng cân đối nguồn vốn từ 16 – 20.000 tỷ đồng để thu mua cà phê niên vụ 2011/2012 và tiếp tục có kế hoạch tạm trữ cà phê đáp ứng thị trường. Tuy nhiên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đề nghị các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê phải có kế hoạch vay vốn của Ngân hàng và đồng thời cũng khuyến cáo các doanh nghiệp không nên áp dụng phương thức kinh doanh xuất khẩu cà phê trừ lùi để hạn chế rủi ro khi thị trường cà phê biến động.
VINANET
|