Đại hội đồng cổ đông thường niên 2012
Những vấn đề cổ đông cần lưu ý trước mùa Đại hội
Để có một mùa đại hội thành công, bên cạnh công tác chuẩn bị của HĐQT, có lẽ đã đến lúc cổ đông cần lấy lại vị thế của mình là người chủ của công ty hơn là để ban lãnh đạo lèo lái.
* DNNY và những chuẩn bị trước mùa Đại hội cổ đông
* Đại hội trực tuyến có khả thi?
Giành lại vị thế người chủ của doanh nghiệp
Là người đã từng “đi qua” nhiều mùa ĐHĐCĐ, TS Lê Đạt Chí, Trưởng Bộ môn Đầu tư Tài chính Trường ĐH Kinh tế TPHCM cho rằng đã đến lúc phải thay đổi. Ông Chí cho hay những mùa đại hội trước, người quản lý đã lái cổ đông vào một hướng mà cổ đông không hề hay biết. Do vậy, đại hội năm nay cổ đông cần xem xét lại công việc chính của mình, phải lấy lại vị thế là người chủ của công ty, hơn là để ban lãnh đạo lèo lái như bấy lâu.
Có một nghịch lý là những nội dung được thảo luận tại Đại hội, theo ông Chí chưa thể hiện đúng vai trò của cổ đông. Trong luật Doanh nghiệp 2005, kế hoạch kinh doanh không phải là nhiệm vụ của ĐHĐCĐ mà là của HĐQT. Do đó, vấn đề cổ đông nên chất vấn đó là hiệu quả đầu tư các dự án, vay nợ, lãi suất, rủi ro của công ty, chiến lược sắp tới…chứ không nên sa đà quá nhiều vào việc thông qua kết quả kinh doanh.
Một điểm cần làm rõ trong mùa đại hội nữa là quy chế quản lý tài chính của công ty ra sao, HĐQT đã làm được những gì cho công ty, lương thưởng có tương xứng với hiệu quả công việc không?. Ông Chí nhấn mạnh đừng để xảy ra tình trạng cổ đông là người rót vốn vào nhưng cuối cùng HĐQT lại là người ngồi mát ăn bát vàng.
Cũng theo ông, hoạt động giám sát phong cách điều hành của HĐQT cũng cần được đề cao. Bởi lẽ, trong hoạt động kinh doanh, đối mặt với vấn đề rủi ro là điều đương nhiên. Rủi ro trong nền kinh tế suy thoái thì hàng tồn kho tăng cao. Rủi ro trong biến động chính sách tiền tệ, biến động lãi suất bất lợi cho doanh nghiệp, tình hình siết chặt tín dụng và cung tiền, khả năng tiếp cận thị trường vốn thấp thì chắc chắn lãi suất đi vay phải cao. Rủi ro về lãi suất là thường xuyên gặp phải ở Việt Nam. Do vậy, ĐHĐCĐ phải chú ý đến vấn đề chất vấn cách quản trị rủi ro, phải đặt ra câu hỏi là nhà quản trị, ban giám đốc có biện pháp gì để kiểm soát rủi ro hay không? Hay thành quả phải chi trả hết cho các chủ nợ, cuối cùng cổ đông là người chịu thiệt.
Dự báo về phương án huy động vốn trong năm nay, ông Chí cho rằng có cơ hội huy động vốn là tốt. Vấn đề là cổ đông phải bình tĩnh xem xét hiệu quả của các dự án. Khi công ty rơi vào khánh kiệt về tài chính ở mức cao thì các nhà quản lý thường yêu cầu cổ đông góp vốn và vẽ ra các dự án tốt. Nhưng thực ra họ lấy vốn đó để duy trì hoạt động đang gặp khó khăn. Trong khi đó, cơ quan quản lý không giám sát được vốn huy động để đầu tư dự án.
Trong phương án phát hành có phương án sử dụng vốn phải báo cáo với UBCKNN 6 tháng một lần. Tuy nhiên, có bao nhiêu DNNY làm đúng luật? Việc giám sát đầu tư vốn từ nhà quản lý đến cổ đông đều không được chú trọng. Ông Chí kỳ vọng công tác này của ĐHĐCĐ năm nay sẽ được đề cao.
Ông Chí nhận định năm nay nền kinh tế chưa có gì sáng sủa hơn để các doanh nghiệp phát hành chào bán cổ phiếu, ngoại trừ phát hành cho cổ đông hiện hữu dưới hình thức chia cổ tức để hài hòa các chính sách. “Triển vọng đầu tư chưa có gì hấp dẫn nên năm nay các hình thức phát hành thêm chưa có gì suôn sẻ và nhộn nhịp” – Ông Chí kết luận..
Dự báo vấn đề “hot” nhất mùa đại hội
Ông Phạm Quốc Việt, Phó giám đốc thường trực Trung tâm Tư vấn và chuyển giao công nghệ quản lý, Trường Cán bộ quản lý Nông nghiệp và PTNT II (CMARD2), cho rằng mùa ĐHĐCĐ năm nay nổi cộm lên hai vấn đề quan trọng: Đó là huy động vốn và khả năng tiêu thụ hàng (hàng tồn kho).
BCTC cho thấy tồn kho cuối kỳ tăng quá cao, vấn đề này dễ xảy ra nguy cơ lạm phát đình đốn. Nếu hàng không bán được, doanh nghiệp chắc chắn phải thu hẹp hoạt động thì kết quả kinh doanh sẽ bị ảnh hưởng. Ông Việt cho biết hàng tồn kho chủ yếu tập trung vào ngành bất động sản, vật liệu xây dựng (điển hình như xi măng và thép). Nếu ngành vật liệu xây dựng có nguy cơ như vậy sẽ tác động rất lớn đến nền kinh tế.
Ngoài ra, những ngành hàng tiêu dùng như ngành nhựa cũng có hàng tồn kho tương đối cao, còn ngành dệt may và da giày đơn hàng không nhiều như năm trước. Tình hình là khó khăn chung, dĩ nhiên vẫn có những ngành như dược, thực phẩm chế biến khả quan vì sản phẩm là nhu cầu thiết yếu của con người.
Ông Việt cho biết hầu hết doanh nghiệp đang tắc vốn. Nếu như họ không giải tỏa được lãi suất thì có khả năng sẽ xuất hiện thêm nhiều chiêu thức huy động lạ. Ví dụ như trước đây có cách huy động vốn từ phát hành trái phiếu kèm chứng quyền của Hòa Phát (HOSE: HPG), hoặc dự kiến có thể phát hành cổ phiếu dưới mệnh giá. Tuy nhiên, ông Việt lưu ý rằng trong đợt phát hành đó, nhiều nhà đầu tư không nắm rõ gây nên nhầm lẫn đây là hình thức trái phiếu chuyển đổi.
Trong số các chiêu thức huy động vốn mới lạ, phương án khả thi nhất theo ông Việt là phát hành trái phiếu. Bởi vì khi phát hành trái phiếu kèm theo một số điều kiện như chuyển đổi, kèm chứng quyền, kèm quà tặng, quay xổ số.. sẽ tạo cho người mua kỳ vọng vào lợi ích trong tương lai.
Nếu phát hành trái phiếu kèm chứng quyền, cổ đông cần lưu ý là hiện quy định về loại hình này cũng chưa được giải thích rõ. Bởi vì theo ông Việt, hiện đã có Nghị định về phát hành trái phiếu nhưng chưa có Thông tư hướng dẫn. Như vậy câu hỏi đặt ra là đối với vấn đề trái phiếu chuyển đổi và trái phiếu kèm chứng quyền, số cổ phiếu lấy từ đâu ra để chuyển đổi và hạch toán như thế nào. Chỉ riêng trái phiếu kèm chứng quyền cũng đã có đến hai loại.
Theo quy định của Luật chứng khoán, chứng quyền hoàn toàn giống với chứng quyền của nước ngoài, tức là quyền mua hoặc bán một số lượng cổ phần cụ thể với giá cụ thể trong một khoảng thời gian cụ thể trong tương lai. Nói nôm na nó giống với quyền chọn của Mỹ. Còn trong quy định về phát hành trái phiếu riêng lẻ, chứng quyền là được quyền mua một số cổ phần nhất định theo các điều kiện đã xác định, nhưng các điều kiện đó không ghi rõ giống như Luật chứng khoán. Như vậy, cổ đông phải lưu ý rằng chứng quyền này phải ghi rõ là quyền đổi một trái phiếu thành bao nhiêu cổ phiếu với giá nào. Tức là tỷ lệ chuyển đổi và giá chuyển đổi na ná giống với trái phiếu chuyển đổi, nhưng trái phiếu chuyển đổi chỉ được chuyển đổi ở một thời điểm nào đó, còn chứng quyền cho phép chuyển đổi trong một khoảng thời gian nào đó.
Vì vậy, trong phương án phát hành trình đại hội, cổ đông nên làm rõ tỷ lệ chuyển đổi, giá chuyển đổi và do đó là quyền lựa chọn nên không được bắt buộc người ta chuyển đổi. Ngoài ra, nếu trong quá trình lưu hành trái phiếu chuyển đổi và trái phiếu kèm chứng quyền, vấn đề pha loãng cổ phiếu phải được tính đến. Vì pha loãng này sẽ gây ra thiệt hại rất lớn đến nhà đầu tư.
Bội Mẫn (Vietstock)
Finfonet
|