Nhịp đập Thị trường 23/02: Tăng ồ ạt, thanh khoản vượt 1,500 tỷ đồng
Dòng tiền mới liên tục được đẩy vào thị trường càng làm cho sự hưng phấn của nhà đầu tư tăng lên cực độ. Ngay cả khối ngoại cũng “xoắn” khi cổ phiếu trên thị trường cứ hùn hụt tăng giá.
Thanh khoản thị trường lập kỷ lục mới với hơn 144 triệu chứng khoán được chuyển nhượng, trị giá trên 1,587 tỷ đồng. Trong đó, riêng HOSE đã chiếm gần 961 tỷ đồng.
Liên tục nhiều phiên, thị trường dễ dàng vượt qua những đợt điều chỉnh cho thấy mặt bằng giá mới đã được thiết lập và dòng tiền mới có tác dụng hỗ trợ cho thị trường chống chọi với mọi áp lực bán ra.
Một nhà đầu tư đã thốt lên rằng: “Thời của đội lái và các tin đồn đã trở lại” khi chứng kiến sự trở lại của nhóm cổ phiếu hạng ruồi và những mã có thị giá nhỏ.
Có thể dễ dàng nhận ra điều này khi KSA, NVT, HLA, BGM… tại HOSE cùng KSD, IDJ… đồng loạt tăng trần trong nhiều phiên, thu hút dòng tiền tập trung ngày càng nhiều, tương tự như những “anh tài” của năm 2010 như AAA, LTC, VE9, HTV…
Thống kê thị trường trong phiên này có đến 440 mã tăng giá, tức chiếm khoảng 2/3 số mã niêm yết của hai sàn. Trong đó 226 mã tăng kịch trần. Còn lại chỉ có 104 mã giảm giá, và khoảng 160 mã đứng yên.
VN-Index phiên này chỉ tăng 5.48 điểm, tương ứng 1.31% lên 423.89 điểm, tuy nhiên đây là mức tăng cao nhất phiên nhờ lực đỡ các mã trụ cột gồm BVH, MSN, VIC VNM, CTG, EIB… xuất hiện vào cuối phiên.
Chỉ số HNX-Index cũng đóng cửa ở mức cao nhất phiên khi tăng 1.08 điểm, tức 1.64% lên 66.78 điểm, tiến sát ngưỡng kháng cự mới là 67 điểm.
Về mặt thanh khoản, HOSE có 67.38 triệu đơn vị, tương đương 961 tỷ đồng và HNX có 76.73 triệu cổ phiếu được giao dịch, trị giá 627.54 tỷ đồng, mức cao nhất trong nhiều tháng trở lại đây.
Khối ngoại gia tăng lượng mua vào lên gần 9 triệu đơn vị tại HOSE với các mã tiêu biểu gồm MBB, IJC, VCB, HPG, OGC, HAG, STB, DPM, ITA… Ở sàn HNX, họ cũng mua ròng nhưng giá trị khá thấp, chỉ hơn 5 tỷ đồng.
Trước các thông tin về vụ giành quyền kiểm soát Sacombank, cổ phiếu STB của ngân hàng này đi ngược xu hướng thị trường khi giảm 300 đồng xuống 18,700 đồng/cp. Trong khi các mã khác vẫn xanh điểm, đặc biệt MBB với lực cầu của khối ngoại lẫn nhà đầu tư trong nước giúp mã này tăng trần và thanh khoản lên mức cao, với gần 5.8 triệu đơn vị. VCB, CTG, EIB đều tăng lần lượt 400 đồng (+1.46%), 200 (+0.8%), EIB (+0.6%).
Cổ phiếu ngân hàng trên HNX cũng tích cực, đặc biệt là HBB tiếp tục đột biến với 13.32 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng, đồng thời tăng giá kịch trần. ACB và SHB cũng lần lượt tăng giá 1.75% và 5.19%, thanh khoản cũng hết sức khả quan với 769,300 đơn vị và hơn 4.4 triệu đơn vị. Trái lại, mã NVB giảm 1.25% và thanh khoản ảm đạm với vỏn vẹn 13,300 đơn vị chuyển nhượng.
Chỉ số giá của nhóm ngân hàng phiên này chỉ tăng 0.79% đứng trong những ngành có cổ phiếu tăng giá thấp nhất.
Trái lại, hầu hết cổ phiếu chứng khoán ở cả hai sàn đều tăng kịch trần, tiêu biểu là SSI, HCM, BSI, ARG ở HOSE cùng VND, BVS, KLS, WSS… đã khiến chỉ số giá của nhóm này tăng đến 5.04%, dẫn đầu trong các ngành. Đây cũng là nhóm cổ phiếu có lượng giao dịch đứng hàng đầu trên thị trường.
10h30: Khối ngoại cũng không thể ngồi yên
Với tốc độ tăng ồ ạt của dòng tiền, thanh khoản vượt xa mốc 100 triệu đơn vị và 1,000 tỷ đồng. Ngay cả khối ngoại cũng không thể ngồi yên trước diễn biến thị trường, họ tăng khối lượng mua khá lớn so với các phiên trước.
Khép lại đợt khớp lệnh liên tục, VN-Index tăng 4.41 điểm, tương ứng 1.05% lên 422.82 điểm. Giao dịch đạt gần 60 triệu đơn vị, trị giá 882.63 tỷ đồng.
Toàn sàn có 185 mã tăng giá, với khoảng 80 mã tăng kịch trần.
Việc BVH bật xanh trở lại và SSI tăng kịch trần là điểm tích cực cho VN-Index về cuối phiên. Trong khi đó, VIC, STB vẫn giảm và EIB, VNM ở mức tham chiếu tạo nên lực cản đối với chỉ số.
Khối ngoại tăng lượng mua vào lên gần 8 triệu đơn vị, trong đó MBB được gom nhiều nhất với gần 3 triệu đơn vị, cùng các mã IJC, VCB, HPG, OGC, HAG, STB…
Ở HNX, chỉ số bứt phá 0.82 điểm, tương ứng 1.25% lên 66.52 điểm. Giao dịch vẫn tiếp tục tăng lên 65 triệu đơn vị, trị giá gần 520 tỷ đồng.
|
Các trụ đỡ đã tách khỏi nhóm "cầm đèn đỏ" |
10h00: Tiền chảy ào ạt, thanh khoản vượt 100 triệu cổ phiếu
Đà tăng ào ạt của thị trường khiến nhà đầu tư khó lòng “kiềm chế”. Kết quả là dòng tiền chảy vào thị trường như nước lũ. Chưa đến 10h00 nhưng giá trị giao dịch đã vượt qua mức 1,000 tỷ đồng.
VN-Index vượt qua ngưỡng kháng cực 420 điểm khiến lực cầu ngày càng mạnh, tuy nhiên dòng tiền chủ yếu đổ vào các mã vốn hóa vừa và nhỏ, cùng một số bluechips có thị giá thấp.
Diễn biến tương tự cũng xảy ra ở HNX, nhưng tốc độ và cường độ giao dịch mạnh hơn nhiều.
Sức ì của các trụ đỡ BVH, MSN, VIC, VCB, STB, EIB, VNM… khiến VN-Index không thể bứt phá mạnh hơn dù trên sàn cổ phiếu tăng trần hàng loạt.
Lúc 10h00, VN-Index tăng gần 4 điểm, tương ứng 0.95% lên 422.4 điểm.
Toàn sàn có hơn 160 mã tăng giá, với gần 80 mã tăng kịch trần. Còn lại gồm 49 mã giảm và 82 mã đứng yên.
NVT có lượng đặt mua giá trần hơn 1.55 triệu đơn vị nhưng không có lệnh bán nào được đưa ra. Tương tự, LCG cũng có lệnh mua giá trần hơn 764 ngàn đơn vị.
Hàng loạt mã khác có dư bán trắng hoàn toàn, như BGM, MCG, PVF, MBB, ITC, SBS, KSS… lệnh nào đưa ra đều được gom sạch… Các mã như MBB đạt gần 5 triệu đơn vị, IJC, SSI, OGC, ITA, REE, EIB, SBS, SAM… đều có hàng triệu đơn vị chuyển nhượng mỗi mã.
Toàn sàn có 47 triệu chứng khoán được giao dịch, trị giá hơn 634 tỷ đồng.
Ở sàn HNX, lượng giao dịch đạt hơn 55 triệu đơn vị, tương ứng 433 tỷ đồng. Lúc này, toàn sàn có hơn 200 mã tăng giá, và số mã tăng trần chiếm hơn 1/2.
Do tiết cung nên HBB vẫn giữ ở mức hơn 11.6 triệu đơn vị khớp lệnh, trong khi VND có gần 5 triệu đơn vị.
Thống kê theo Market Cap, nhóm Large Cap chỉ tăng 0.38%, trong khi Mid Cap bật mạnh đến 2.42%, hai nhóm còn lại cũng tăng vọt 1.61% và 1.68%.
9h30: Các chỉ số bật dậy, thanh khoản tăng chóng mặt
Dấu hiệu bứt phá đã trở lại khi các mã chủ chốt của HNX bắt đầu tăng trần, và của HOSE bật tăng nhẹ. Hai chỉ số chuyển sang sắc xanh lúc 9h25, kèm theo khối lượng “cực khủng”.
Sức bật của MSN, VCB, SSI và vài mã vốn hóa lớn khác giúp VN-Index tăng 1.26 điểm lúc 9h30, tương ứng 0.3% lên 419.67 điểm mặc dù BVH, VIC, STB, VNM, EIB… vẫn duy trì sắc đỏ và tham chiếu.
Trong khi đó, các mã vốn hóa vừa và nhỏ đều tăng giá mạnh.
Giao dịch toàn sàn đã lên xấp xỉ 30 triệu đơn vị, trị giá 368 tỷ đồng. Toàn sàn có 122 mã tăng, với 44 mã kịch trần.
Sàn HNX cũng có đến 41 triệu cổ phiếu chuyển nhượng, tương đương 307 tỷ đồng. Riêng HBB đã chiếm 11.2 triệu đơn vị, giao dịch của mã này chậm lại do bên bán đã giữ chặt hàng. Trong khi đó đến lượt PVX, KLS, VND, VCG, WSS, SHN lần lượt bứt phá với lượng giao dịch đạt hơn 1 triệu đơn vị mỗi mã.
Chỉ số HNX-Index lúc này bật tăng 0.41 điểm, tức 0.62% lên 66.11 điểm.
Toàn sàn có 158 mã tăng giá, với hơn 66 mã tăng kịch trần.
9h05: Bluechips đồng loạt giảm giá, các chỉ số cùng đi xuống
Sự yếu ớt của các mã vốn hóa lớn khiến các chỉ số đảo chiều giảm điểm, sau hơn 30 phút mở cửa. Mặc dù vậy, số lượng cổ phiếu tăng giá ở hai sàn vẫn chiếm áp đảo và giao dịch tăng lên “chóng mặt”.
HNX-Index giảm điểm chỉ vài phút sau 9h00 do tác động từ việc ACB, PLC, NTP, BCC, TVD… lần lượt đảo chiều đi xuống và các mã cổ phiếu chủ chốt không tăng giá đủ mạnh để hỗ trợ cho chỉ số. Việc gặp ngưỡng cản 66 điểm cũng là một khó khăn với thị trường.
Tuy nhiên, sự sôi động của HBB với hơn 10.5 triệu cổ phiếu chuyển nhượng khiến thanh khoản toàn thị trường tăng lên gần 23 triệu cổ phiếu, tương ứng 153 tỷ đồng.
Toàn sàn vẫn có 145 mã tăng, chỉ có 31 mã giảm và 221 mã đứng yên.
|
Biến động của thị trường lúc 9h05 |
Tương tự, VN-Index gặp khó khăn trước ngưỡng 420 điểm, đồng thời lực cầu chủ yếu đổ vào các mã vốn hóa vừa và nhỏ như BGM, VNE, SBS, VHG, NVT, KSA… khiến các mã vốn hóa lớn bị bỏ trống.
Khi đó, BVH, VIC, VNM, VCB, STB lần lượt giảm giá, trong khi MSN, EIB đứng yên. Chỉ một vài bluechips tăng mạnh như PVF, ITA, SSI, HAG, IJC… khiến chỉ số khó lòng bật mạnh.
VN-Index rớt 0.04 điểm lúc 9h05, và VN30 cũng giảm 0.75 điểm, tức 0.16% xuống 470.21 điểm.
Giao dịch toàn sàn đạt gần 13 triệu đơn vị, trị giá gần 147 tỷ đồng. SBS bất ngờ tăng hết biên độ lên 3,200 đồng và giao dịch đứng đầu toàn sàn với hơn 887 ngàn đơn vị, mặc dù SBS vừa công bố lỗ hợp nhất trên 620 tỷ đồng năm 2011.
Mở cửa: Cổ phiếu nhỏ bứt phá mạnh, HBB tăng kịch trần
Khá nhiều cổ phiếu hạng vừa và nhỏ tăng giá mạnh mẽ trong những phút mở cửa, trái lại một vài bluechips giảm điểm khiến các chỉ số ghi nhận mức tăng nhẹ. Tuy nhiên, thanh khoản vẫn ở mức khủng, đặc biệt tại sàn HNX.
Trong 15 phút giao dịch, HNX có gần 11.5 triệu đơn vị chuyển nhượng, tương ứng 75 tỷ đồng.
HBB lại tạo lên tiếng vang khi phiên này mở cửa tăng kịch trần, lệnh bán giá trần hàng triệu đơn vị đều được vét sạch, khác với áp lực bán giá thấp ở các phiên trước. Hiện mã này đã tăng vọt lên 4,900 đồng/cp và giao dịch đạt hơn 5 triệu đơn vị.
Giao dịch sôi động tiếp theo thuộc về VND, BVS, HUT, PVX… Tuy nhiên, hầu hết mã vốn hóa lớn đều chưa tăng trần.
Một số mã thuộc họ chứng khoán tăng giá kịch trần như SHS, BVS, VIG… với lực cầu áp đảo.
Những cổ phiếu hạng ruồi với thị giá thấp như KSD, IDJ tiếp tục thu hút lực cầu ngày càng mạnh với hàng triệu lệnh mua chất đống ở mức giá trần, trong khi bên bán vẫn kiềm chặt hàng.
SHN đang lưỡng lực ở mức đỉnh cũ 5,600 đồng/cp và chưa thể bứt phá mạnh.
Với sự dẫn dắt của HBB, cộng thêm PVS, PVX, ACB, VCG, KLS, BVS, SHB… giúp HNX-Index tăng 0.27 điểm, tức 0.41% lên 65.97 điểm, thấp hơn ít phút trước đó.
Sàn HOSE, do thiếu sự hỗ trợ của các mã cổ phiếu lớn nên VN-Index chỉ tăng 1.08 điểm, tức 0.26% trong đợt khớp lệnh thứ nhất, đạt 419.49 điểm. Ngưỡng 420 điểm được xem là ngưỡng kháng cự khá mạnh của chỉ số này. Do vậy, giao dịch nhìn chung vẫn còn khá lưỡng lự.
Lúc này, chỉ có BVH và SSI tăng nhẹ 1.67%, và 0.58%, các mã khác như VIC, VNM, VCB, STB… đều giảm. MSN và EIB đứng giá.
Giao dịch toàn sàn đạt gần 3.8 triệu đơn vị, trị giá 37 tỷ đồng. Tuy vậy, toàn sàn vẫn có đến 87 mã tăng, có 29 mã giảm và 48 mã đứng yên.
Viết Vinh (Vietstock)
Finfonet
|