Thứ Sáu, 03/02/2012 15:29

Mua bán trầm lắng

Thanh khoản kiệt quệ - sự kiệt quệ có vấn đề - và niềm tin mong manh là những ngôn từ chuẩn xác để nhận dạng chứng khoán hiện nay. Nó khiến giới đầu tư thờ ơ với cổ phiếu, doanh nghiệp không còn muốn niêm yết và không thể hỗ trợ quá trình cải cách doanh nghiệp nhà nước. Phải xử lý thanh khoản nếu thực sự muốn chứng khoán trở thành kênh huy động vốn cho nền kinh tế.

Dù thanh khoản của thị trường đang giảm mạnh, nhưng một trong những giải pháp khôi phục thanh khoản nhanh nhất là T + 2 lại chưa thể thực hiện. Ảnh: Thanh Tao.

Thanh khoản chưa đầy 0,14% vốn hóa thị trường

“Tôi kiên quyết không mua cổ phiếu của bất kỳ công ty chứng khoán nào hiện nay. Cái thời giao dịch 5.000-8.000 tỉ đồng/ngày trên cả hai sàn còn lâu mới trở lại, làm sao các công ty chứng khoán sống?” - một nhà đầu tư gắn bó lâu năm với cổ phiếu nói. Thua lỗ vì tự doanh, điều đó không tránh khỏi khi thị trường suy thoái triền miên, nhưng không công ty môi giới nào có thể ngờ thanh khoản đến mức khoảng 200 tỉ đồng giao dịch/ngày trên Hose và 100 tỉ đồng/ngày trên Hnx. Với doanh số ấy, tất cả các công ty môi giới đều đang lỗ vì lợi nhuận không đủ bù đắp chi phí. Số công ty chứng khoán có lãi ít ỏi đều từ nguồn vốn chủ sở hữu gửi ngân hàng lấy lời.

Nhìn từ số liệu thống kê của Công ty HSC, thanh khoản so với mức vốn hóa thị trường đã và đang sụt giảm chưa từng thấy. Thực tế năm năm qua, mức vốn hóa thị trường “bốc hơi” không ít, nhưng nó được bù đắp bằng những công ty mới niêm yết. Riêng thanh khoản thì không có gì bù đắp nổi. Từ năm 2007 đến nay giao dịch bình quân hàng ngày bằng 0,27% vốn hóa thị trường. Năm 2009 giao dịch bình quân tăng lên do cổ phiếu phục hồi nhờ gói kích cầu, bằng 0,47% vốn hóa thị trường. Năm ngoái, vào tháng 12, doanh số giao dịch trung bình của hai sàn rơi tự do, chỉ còn chưa đầy 0,14% vốn hóa thị trường. Nhà đầu tư cả nội lẫn ngoại lắc đầu ngao ngán!

T+2 không thể thực hiện?

Trong đề án tái cơ cấu thị trường chứng khoán của Bộ Tài chính trình Chính phủ có nhiều quan tâm được đề cập như cải tổ các công ty chứng khoán; sáp nhập hai sở giao dịch; đẩy nhanh cổ phần hóa, IPO doanh nghiệp tầm cỡ… song sự chú ý là giao dịch cổ phiếu T+2 (tức được bán cổ phiếu hai ngày sau khi mua thay vì bốn ngày như hiện tại) lại bị bỏ qua hoàn toàn. Sở dĩ không thể chối bỏ tầm quan trọng của T+2 vì đây là giải pháp nhanh nhất khôi phục thanh khoản. T+2 là đòi hỏi của cả thị trường 11 năm qua trong khi thị trường chứng khoán Lào mới thành lập năm ngoái đã áp dụng ngay từ đầu.

Hai năm trước, đầu năm 2010, đích thân Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) phát biểu sẽ áp dụng T+2 trong quí 1 năm đó. Tuy nhiên sau đấy là sự trì hoãn không giới hạn, được giải thích bằng sự chưa sẵn sàng về công nghệ từ phía công ty chứng khoán. Những cuộc họp về T+2 giữa cơ quan quản lý và các công ty chứng khoán không đưa ra được giải pháp cho dù quy trình T+2 đã được thảo luận nhiều lần. Gần đây nhất, nguồn tin đáng tin cậy của TBKTSG khẳng định một cách thất vọng T+2 không thể thực hiện và UBCKNN vẫn chưa thể có công bố chính thức cuối cùng về giải pháp này.

Khi T+2 có khả năng “gãy”, nổi lên câu chuyện về trách nhiệm của các công ty kiểm toán tại những đơn vị niêm yết phá sản như Dược Viễn Đông (DVD), nhưng không thấy Bộ Tài chính, cơ quan cấp giấy phép hoạt động cho doanh nghiệp kiểm toán, lên tiếng. Thanh tra UBCKNN phát hiện một số trường hợp “hợp tác” giữa kiểm toán và công ty niêm yết, tạo một bức tranh khác bức tranh thực về tình hình tài chính một số doanh nghiệp, nhưng cũng không được xử lý. Vấn đề nhạy cảm này đã gián tiếp tác động tới thanh khoản thị trường

“Ngàn cân treo sợi tóc”

Giá cổ phiếu đang rất rẻ so với giá trị thực, nhưng người ta vẫn không muốn quan tâm đến nó. Ở các nước, đó được coi là thời điểm mua vào đối với nhà đầu tư trung, dài hạn. Điều này có diễn ra tại Việt Nam? Hãy xem những gì đang chờ đợi phía trước đối với thanh khoản.

Thứ nhất, năm 2012 tiếp tục là năm thoái vốn đầu tư ngoài ngành của doanh nghiệp nhà nước. Những tổng công ty, tập đoàn đã trót đầu tư tài chính 3-5 năm trước, phải thu hồi vốn để tập trung cho chức năng kinh doanh chính. Con số đầu tư ngoài ngành lên tới hàng chục ngàn tỉ đồng đang chờ cơ hội thị trường phục hồi để thoát ra.

Thứ hai, rất nhiều công ty niêm yết mua cổ phiếu quỹ trong năm qua khi giá cổ phiếu xuống thấp và nay đang bị lỗ vì thị giá còn thấp hơn. Tính toán sơ bộ, hiện các công ty niêm yết có lượng cổ phiếu quỹ khoảng 135 triệu đơn vị, chưa kể 100 triệu cổ phiếu quỹ của STB. Lãi suất vẫn cao, vay vốn ngân hàng vẫn khó, chắc chắn sẽ có nhiều đơn vị phải “giải phóng” cổ phiếu quỹ để lấy vốn lưu động.

Thứ ba, các quỹ đầu tư nội và ngoại tiếp tục chịu sức ép thoái vốn một khi nhà đầu tư không gia hạn thời gian hoạt động. Các quỹ do Dragon Capital quản lý năm nay đối mặt với đại hội đồng cổ đông diễn ra hai năm/lần. Còn nhớ năm 2010 đại hội đồng cổ đông của Dragon Capital đã từng tranh cãi quyết liệt về thoái vốn và việc giữ lại vốn chỉ được biểu quyết vào phút chót. Các quỹ của Dragon Capital hiện là tổ chức nắm giữ tài sản cổ phiếu lớn nhất thị trường.

Ngay cả trong trường hợp một số quỹ thuyết phục được nhà đầu tư chưa vội đóng quỹ khi đến hạn, thì họ vẫn có ý chờ một thời điểm khả quan hơn của VN-Index để thoái vốn. Sự chực chờ này là áp lực không thể phủ định.

Rõ ràng, ngay cả khi cho vay ký quỹ được các công ty chứng khoán đưa về mức an toàn, hoạt động giải chấp bớt đi, chứng khoán dường như vẫn chưa có một cơ hội tăng trưởng bền vững nếu chưa hấp thụ hết ba nguồn cung nói trên.

Khi nguồn cung hiện tại và tiềm năng lấn át, sức cầu trông đợi chủ yếu vào hầu bao nhà đầu tư nội địa. Chừng nào giá vàng thế giới vẫn cao, lãi suất tiền đồng vẫn hấp dẫn, không nhiều người mạo hiểm bỏ tiền vào cổ phiếu.

Lưu Hảo

TBKTSG Online

Các tin tức khác

>   Vẫn mơ hồ với Đề án tái cấu trúc CTCK (03/02/2012)

>   Chứng khoán tháng 1: Tích lũy và khởi động! (03/02/2012)

>   03/02: Bản tin 20 giờ qua (03/02/2012)

>   Thị trường đã lập đáy! (03/02/2012)

>   Cơ hội từ chứng khoán, địa ốc (02/02/2012)

>   TTCK: Cơ hội vẫn có nhưng khó hơn (02/02/2012)

>   Cổ phiếu “son” (02/02/2012)

>   20 NĐT nước ngoài được cấp mã giao dịch trong tháng 1 (02/02/2012)

>   T+2 không thể thực hiện? (02/02/2012)

>   VN-30 và những ngộ nhận (02/02/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật