TTCK: Cơ hội vẫn có nhưng khó hơn
TTCK năm 2012 được nhìn nhận còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng khó khăn chung của nền kinh tế, song theo nhận định của các cơ quan quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp, năm nay vẫn có nhiều điểm thuận lợi và cơ hội cho NĐT.
Cơ sở để nhận định TTCK năm 2012 có những yếu tố thuận lợi nhất định: Nghị quyết Trung ương 3 yêu cầu phải tái cấu trúc 3 trụ cột của nền kinh tế là đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng thương mại.
Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo quyết liệt, sát sao các bộ, ban, ngành khẩn trương xây dựng đề án tái cấu trúc và triển khai có hiệu quả. Điều này góp phần quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh chung và sự phát triển bền vững của nền kinh tế, phát huy vai trò của TTCK.
Để hỗ trợ TTCK và để thị trường này thực sự là kênh huy động vốn dài hạn cho sản xuất, kinh doanh, bên cạnh những hỗ trợ từ góc độ vĩ mô, Bộ Tài chính sẽ có giải pháp đẩy mạnh hơn nữa quá trình cổ phần hóa, hỗ trợ các doanh nghiệp để tăng hiệu quả sản xuất. Các lĩnh vực cụ thể mà Bộ Tài chính có thể trực tiếp hỗ trợ là tín dụng, thuế, phát triển trái phiếu doanh nghiệp. Cùng với đó sẽ thúc đẩy hoạt động của các cơ quan định hạng tín nhiệm doanh nghiệp, làm cơ sở để phát triển thị trường vốn trong nước và giúp huy động vốn từ NĐT nước ngoài cũng như phát triển TTCK trong tương lai. Kinh tế Việt Nam vẫn phát triển khá hơn trong ngắn hạn và trung hạn. Các NĐT yên tâm tin vào Chính phủ, vào các chính sách tái cấu trúc thì TTCK sẽ vượt qua khó khăn, tăng trưởng hơn so với năm 2011.
Ông VƯƠNG ĐÌNH HUỆ, Bộ trưởng Bộ Tài chính |
Mặt khác, các chính sách ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát đã dần phát huy tác dụng và đạt kết quả khả quan, chỉ số lạm phát đã có dấu hiệu giảm trong năm 2011 và tháng đầu tiên của năm 2012…
Do khả năng thế giới đối mặt với suy thoái lần 2 nên giá cả thế giới có giảm, điều này giúp giảm áp lực gây lạm phát. Việc điều hành chính sách tiền tệ cũng có sự cải thiện, linh hoạt hơn, góp phần giúp thanh khoản ngân hàng cải thiện. Ngoài ra, dự trữ ngoại tệ đã tăng giúp xử lý tỷ giá thuận lợi hơn.
Nhìn nhận những khó khăn lớn của kinh tế Việt Nam năm 2012 (phải kéo lạm phát trên 18% năm 2011 xuống dưới 10% vào năm 2012, chính sách tín dụng cũng đã siết mạnh…), ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT CTCK Sài Gòn, cho rằng trong khó khăn của kinh tế của Việt Nam năm 2011 có lẽ chứng khoán… gặp may, vì mọi thứ đều lên giá trừ chứng khoán.
Do vậy chứng khoán đã rẻ hơn. Chính điều này sẽ khiến chứng khoán trở nên cạnh tranh hơn với ngân hàng trong việc thu hút vốn. Nếu như lãi suất huy động về khoảng 10%/năm để giảm lãi suất cho vay, NĐT sẽ chuyển sang kênh đầu tư chứng khoán, bởi trên sàn chứng khoán cũng có nhiều công ty trả cổ tức hơn 10%.
Theo ông Hưng, TTCK không phải sinh ra để phục vụ cho những người mua chỉ nhằm lên giá bán lấy tiền ngay, bởi không thể có thị trường nào lên mãi. TTCK hiện nay có những cơ hội lớn với những NĐT chọn lọc những công ty kinh doanh tốt, chia cổ tức cao và có giá trị tài sản thanh lý không bị lạm phát chi phối.
Nếu năm nay NĐT có 1.000 tỷ đồng sẽ mua được lượng tài sản nhiều hơn so với 6.000 tỷ đồng cách đây vài năm. Mua được nhiều hơn, mua dễ hơn và khi mua dễ thì sẽ chọn được hàng.
Tuy nhiên, ông Hưng cũng thừa nhận, cái thiếu của TTCK Việt Nam hiện nay chính là kéo NĐT tham gia nhiều hơn vào thị trường, muốn vậy phải làm cho TTCK hấp dẫn hơn. Và để hấp dẫn hơn phải có định mức tín nhiệm quốc gia tốt, có các báo cáo nghiên cứu đánh giá về thị trường để hấp dẫn NĐT.
|
Ngày đầu tiên của năm mới, nhiều NĐT tranh thủ mua CP để kỳ vọng năm bứt phá Nhâm Thìn. |
Chia sẻ nhận định về thị trường năm 2012, ông Lại Văn Đạo, Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), cho biết một trong những định hướng đầu tư quan trọng của SCIC trong thời gian tới là các tập đoàn, tổng công ty phải thoái vốn khỏi lĩnh vực kinh doanh không phải là chính.
Trong bối cảnh TTCK suy giảm, việc thoái vốn khó khăn SCIC sẽ sẵn sàng hỗ trợ các tập đoàn, tổng công ty bằng việc mua lại phần vốn đó trên cơ sở danh mục được lựa chọn. Ở thời điểm hiện tại, thị trường đang có cơ hội khi nhiều ngân hàng lãi nhiều nhưng CP lại có giá dưới mệnh giá.
Theo ông Đạo, năm 2011 SCIC chưa mua CP nào nhưng đã định hướng cho năm 2012. Dù chưa thể khẳng định vì tùy thuộc vào diễn biến thị trường, nhưng SCIC sẽ sẵn sàng tham gia thị trường nếu có cơ hội mang lại lợi nhuận cho Nhà nước.
Điểm khác biệt của năm 2012 là SCIC có danh mục đầu tư dài hạn và đang xây dựng quy chế về đầu tư này. Hiện SCIC đã thành lập công ty đầu tư tài chính riêng của SCIC để nâng cao năng lực đầu tư, chuyên trực tiếp đầu tư vào CP, trái phiếu, các dự án.
Hà My
sài gòn đầu tư tài chính
|