Thứ Tư, 01/02/2012 09:28

Thị trường đã lập đáy?

(Vietstock) - Hiện tại, vẫn còn khá sớm để bàn đến việc thị trường sẽ phục hồi bao nhiêu phần trăm và phục hồi như thế nào, nhưng việc thị trường đã lập điểm đáy với VNI tại 336 điểm, HNX tại 55 điểm là một khả năng không chỉ mang tính giả thuyết.

Bao nhiêu phần trăm cho hoài nghi?

Tất nhiên không thể dựa vào đợt tăng điểm nhẹ trước Tết Nguyên đán hay vài ba phiên bốc đồng sau Tết để “phán” là TTCK sẽ có cơ may thoát khỏi cơn bạo bệnh mà đã khiến nó phải thở bằng oxy trong hơn một năm qua.

Trong cái nhìn hoàn toàn thực chất, những phiên được xem là hồi phục trước và sau Tết lại chẳng nói lên được điều gì có ý nghĩa. Đơn giản là vũ điệu nhảy múa của các cổ phiếu có vốn hóa siêu lớn như BVH, MSN, VIC vẫn tiếp diễn đà say sưa quay cuồng của nó. Nếu sau ngày 6/2 - khi Ủy ban chứng khoán nhà nước chính thức đưa vào áp dụng bộ chỉ số mới VN30 - mà những vũ công này vẫn tiếp tục diễn xuất thì có thể coi là sự khởi đầu cho một thảm họa mới đối với thị trường trong năm 2012.

Và cũng chưa có gì để lạc quan nếu nhìn vào biểu đồ khối lượng và giá trị giao dịch. Một số nhà phân tích vẫn thường lấy tâm lý nghỉ ngơi trước và sau Tết như một lý do để bao biện cho trạng thái sụt giảm giao dịch. Nhưng cũng như thời gian Tết năm 2010 và đặc biệt năm 2011, không thể phủ nhận tinh thần cảnh giác mới là yếu tố được đề cao trên hết của nhà đầu tư nhỏ lẻ.

Tinh thần co cụm của nhà đầu tư sẽ không phải là thừa thãi, nếu khoảng thời gian sau Tết được minh chứng bởi một cú bổ nhào của cả hai chỉ số. Với cách tăng hoàn toàn thiếu thực chất trước Tết, nguy cơ này đã hiện hữu, được dồn nén và dần tiến đến điểm bùng nổ của nó.

Nếu chỉ chiêm ngưỡng tương quan về hình ảnh giữa hai chỉ số VNI và HNX trước Tết, sẽ không có gì ngạc nhiên nếu mốc 50 điểm của chỉ số HNX lọt vào tầm ngắm của nhóm chi phối thị trường. Tức một khả năng rất dễ xảy ra là trong ngắn hạn, HNX phải mất ít ra 10% nữa so với đáy gần nhất 55 điểm của nó.

Khi đó, cũng sẽ chẳng ngạc nhiên nếu tiếng than khóc của các nhà đầu tư nhỏ lẻ lại một lần nữa vang dội trên các diễn đàn. Cũng như điều đã từng xảy ra vào tháng 5 và tháng 8 năm ngoái…

Cần nhắc lại, vào phiên giao dịch ngay sau Tết dương lịch năm 2012, sắc đỏ đã ngự trị cả hai sàn giao dịch. Thật giống với tháng 12/2008, tín hiệu đó đồng nghĩa với chỉ dấu quá bi quan, thậm chí cho nguyên năm 2012.

Dĩ nhiên, thực tế đã chứng minh rằng việc lấy giai đoạn cuối khủng hoảng 2008 để so sánh với thị trường trong thời gian qua đã trở nên khiên cưỡng đến thế nào. Từ đầu năm 2011, lối so sánh khiên cưỡng này đã bắt đầu và nhanh chóng trở nên vô nghĩa. Cho đến giữa năm, khi người ta không thể nghĩ là thị trường còn giảm hơn nữa, không khí cuối 2008 lại được cố tái hiện. Song cũng một lần nữa sự thất vọng lại làm tròn bổn phận của nó.

Tia sao băng mỏng manh

Vậy còn điều gì để các nhà đầu tư hy vọng cho quý 1 năm nay, khi đến giờ này lãi suất vẫn chưa chịu hạ?

Mọi chuyện chỉ có thể bớt tồi tệ nếu có sự xuất hiện của một động thái mới. Động thái này từ đâu sinh ra? Và có thể mang đến cho thị trường một nguồn lực nào mới?

Với một tia sao băng mỏng manh, đêm đen thị trường đã manh nha ánh sáng chính sách.

Điều đáng nói là tia sao băng này đã phát lộ trong bối cảnh bầu không khí thị trường phảng phất một cái gì đó giống như giai đoạn cuối của cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008.

Tuy nhiên, năm được xem là “Rồng bay vút” đã không có bóng dáng một gói kích cầu 8 tỷ USD nào như đầu năm 2009, mà thay vào đó là âm thanh của… tiếng cồng.

Lần đầu tiên kể từ khi nhậm chức từ tháng 8/2011, Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ đã làm một cử chỉ tương tự như Timothy Geithner - Bộ trưởng Tài chính Mỹ với sàn giao dịch chứng khoán Hoa Kỳ, khi tự tay đánh cồng khai trương năm mới cho sàn giao dịch chứng khoán Việt Nam.

Cử chỉ trên, nếu chỉ được xem xét đơn thuần về tính hành động, thậm chí còn mang một ý nghĩa của sự phô trương hơn là thực chất.

Song nếu nhìn lại những gì mà người đứng đầu ngành tài chính Việt Nam đã xúc tiến từ đầu tháng 12/2011 cho đến nay, hẳn người ta nhận ra một mối liên hệ có tính nhân quả về diễn tiến của yếu tố chính sách.

Cho đến lúc này, với tất cả những gì quá cùng cực mà TTCK đã tự thân biểu hiện, ai cũng hiểu rằng thị trường này chỉ có thể được hồi sinh bởi yếu tố chính sách chứ chẳng thể là cái gì khác.

Chỉ có chính sách tài chính, cùng với tính liên đới của nó với chính sách của ngành ngân hàng, mới có thể tạo ra động lực thực sự, tức một nguồn tiền mạnh mẽ, giúp cho TTCK sống lại.

Trong tháng cuối của năm ngoái, mối liên đới này đã được biểu hiện khá cụ thể, bằng một “hiệp ước” ký kết giữa Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước, trong đó có nội dung liên quan đến tín dụng cho TTCK.

Bởi vậy, việc so sánh không khí hiện nay với thời kỳ chứng khoán tạo vùng đáy vào cuối năm 2008, đầu năm 2009 đang có cơ sở để bớt tính phiến diện.

Điểm đáy: không chỉ là giả thuyết

Trong thực tế, chỉ số HNX đang bứt xa dần đáy gần nhất 55 điểm của nó, đồng thời có dấu hiệu bắt đầu tăng tốc, đặc biệt tăng tốc về tỷ lệ phục hồi so với chỉ số VNI.

Một tín hiệu khác nổi lên cùng lúc là tình cảnh “bị bỏ rơi” của nhóm cổ phiếu siêu lớn trong một vài phiên mà dòng tiền thực chất đổ vào sàn giao dịch Hà Nội. Khi chỉ còn ít ngày nữa là đến 6/2, thời điểm bộ chỉ số VN30 chính thức được áp dụng, hiện tượng “ngủ” của cổ phiếu làm giá khiến cho nhà đầu tư bắt đầu có cái nhìn hy vọng hơn vào sự công tâm của thị trường trong ngắn hạn.

Trong những bài bình luận gần đây, người viết bài này đã thận trọng đề cập đến khả năng thị trường đang “rất gần vùng đáy”. Sự thận trọng đó, cũng như thái độ cảnh giác của nhà đầu tư , là hoàn toàn không thừa nếu dựa vào những đặc điểm của con sóng tăng nhẹ trước Tết, mà từ đó hai chỉ số vẫn có nguy cơ bị đánh mạnh xuống một lần nữa. Thậm chí, HNX còn có thể bị dìm dưới mốc 50 điểm.

Nhưng với những tín hiệu xuất hiện sau Tết, có lẽ nguy cơ lao dốc đã được kéo giảm khá nhiều về xác suất.

Hiện tại, vẫn còn khá sớm để bàn đến việc thị trường sẽ phục hồi bao nhiêu phần trăm và phục hồi như thế nào, nhưng việc thị trường đã lập điểm đáy với VNI tại 336 điểm, HNX tại 55 điểm là một khả năng không chỉ mang tính giả thuyết.

Mùa báo cáo tài chính năm 2011 cũng như Đại hội đồng cổ đông thường niên của các doanh nghiệp đại chúng đã đến, Vietstock kính mời các nhà đầu tư và bạn đọc tham gia viết bài chia sẻ cùng cộng đồng về các đề tài sau:

-         Những vấn đề nổi cộm, những con số đáng lưu ý trong kết quả kinh doanh trước và sau kiểm toán 2011 của doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp hay theo ngành

-         Những bất cập, trăn trở của cổ đông, những vấn đề nóng hay góc khuất, câu chuyện vui buồn trong mùa Đại hội, về kết quả kinh doanh hay kế hoạch của doanh nghiệp

-         Những khoảnh khắc hay gương lãnh đạo doanh nghiệp gây ấn tượng trong mùa Đại hội

Khuyến khích bài viết gửi kèm hình ảnh minh hoạ.

Những bài viết được đăng trên Vietstock.vn sẽ được trả nhuận bút.

Bài viết gửi về cho Ban Biên tập theo địa chỉ email sau: info@vietstock.vn.

Vui lòng gửi kèm thêm Họ tên – Địa chỉ - Số điện thoại – Email để chúng tôi tiện liên lạc và trao đổi.

Hạ Xuyên

Các tin tức khác

>   Chứng khoán: Thời điểm lấy lại vị thế (01/02/2012)

>   Cú hích từ cổ phiếu đại gia (01/02/2012)

>   01/02: Bản tin 20 giờ qua (01/02/2012)

>   Tôi vẫn chọn chứng khoán (31/01/2012)

>   Việt Nam: Đừng lỡ nhịp phục hồi của kinh tế thế giới (31/01/2012)

>   Chứng khoán: Trào lưu mới với VN30 (31/01/2012)

>   Chiến lược giao dịch ngày 31/01/2012 (31/01/2012)

>   31/01: Bản tin 20 giờ qua (31/01/2012)

>   UPCoM-Index chỉ tăng nhẹ sau Tết (30/01/2012)

>   Chứng khoán khai Xuân, quẻ Dịch nói gì? (30/01/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật