Kéo dài thời gian giao dịch: Những cảm nhận khác biệt
Thông tin về việc sàn HOSE sẽ kéo dài thời gian giao dịch chứng khoán sang buổi chiều, dù đã được HOSE khẳng định là không bắt đầu từ 20/2, đang được các thành viên thị trường bàn thảo, với nhiều cảm nhận khác biệt. Ghi nhận của nhóm phóng viên ĐTCK.
“Khó xử lý kịp thời công việc”
Ông Trần Hữu Chung, Giám đốc Môi giới chứng khoán CTCK Sài Gòn - Hà Nội (SHS)
SHS có đủ khả năng đáp ứng về điều kiện kỹ thuật, nhân sự… để triển khai kéo dài thời gian giao dịch. Tuy nhiên, do tình hình thị trường hiện tại chưa thực sự khởi sắc, tâm lý NĐT còn bất ổn, nên việc thu hút thêm NĐT mới, cũng như kéo dài thêm thời gian giao dịch sẽ chưa tạo được hiệu quả cao.
Về phía NĐT, đa phần NĐT cá nhân là dạng bán chuyên nghiệp, chủ yếu tham gia giao dịch buổi sáng, còn buổi chiều thì lo thực hiện các thủ tục như chuyền tiền, nộp tiền…, nên sẽ khó khăn trong việc theo dõi và thực hiện đầu tư vào buổi chiều.
Sau 15h, các ngân hàng không thực hiện nhận chuyển tiền liên ngân hàng nên rất khó khăn trong việc đảm bảo nghĩa vụ tài chính. Thời gian giao dịch kéo dài có thể gây tâm lý mệt mỏi trong bối cảnh thị trường ảm đạm.
Còn với nhân viên môi giới, hầu hết thời gian còn lại của buổi chiều chỉ để hoàn tất các thủ tục giao dịch. Nếu giao dịch thêm buổi chiều, họ sẽ khó xử lý kịp thời công việc, nên dễ phát sinh sai sót. CTCK thì phát sinh thêm chi phí (điện, nước, nhân sự…), trong khi thị trường vẫn còn khó khăn.
Chúng tôi cho rằng, nên xem xét kéo dài thời gian giao dịch khi thị trường khởi sắc hoặc sau ngày 30/6/2012.
“Mang lại lợi ích thiết thực”
Ông Trần Thiên Hà, Tổng giám đốc CTCK An Phát (APG)
Có ý kiến cho rằng, tăng thời gian giao dịch sẽ gây tốn kém cho các bên tham gia thị trường. Tôi cho rằng không phải như vậy, thậm chí việc chỉ giao dịch vào buổi sáng đang gây lãng phí, nhất là đối với các CTCK. Với thời gian giao dịch như hiện tại, phần lớn nhân viên CTCK chỉ cần làm việc buổi sáng là đã cơ bản hoàn tất công việc, trong khi CTCK phải trả lương cho họ cả ngày. Hệ thống thiết bị, công nghệ gần như “bỏ không” cả buổi chiều…
Tăng thêm thời gian giao dịch sang buổi chiều là điều mà thị trường mong đợi từ nhiều năm nay, bởi nó sẽ mang lại lợi ích cả cho Sở GDCK, CTCK và NĐT. Với đặc thù NĐT nhỏ lẻ chiếm phần lớn trên thị trường, nên có một thực tế là họ thường tranh thủ lúc rảnh rỗi để mua bán, chứ giờ giao dịch không phải lúc nào cũng có điều kiện “cứng” như NĐT lớn chuyên nghiệp. Bởi vậy, tăng thời gian giao dịch đồng nghĩa với tạo thêm cơ hội cho NĐT tham gia giao dịch nhiều hơn. Các CTCK có cơ hội gia tăng doanh thu phí môi giới.
"Chưa thuận lợi để triển khai"
Ông Nhữ Đình Hòa, Tổng Giám đốc CTCK Bảo Việt (BVS)
BVS đã chuẩn bị sẵn sàng cho việc triển khai kéo dài thời gian giao dịch sang buổi chiều. Tuy nhiên, theo BVS, Sở GDCK chưa nên áp dụng ngay, bởi vì quy mô của TTCK còn nhỏ, nếu kéo dài thời gian giao dịch sẽ tốn thêm chi phí của các CTCK.
Ngoài ra, TTCK hiện nay không được nhiều NĐT quan tâm, nên việc kéo dài thời gian giao dịch vào thời điểm này là không thuận lợi.
"Góp phần cải thiện thanh khoản"
Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc CTCK Tân Việt (TVSI)
Cùng với nhiều CTCK khác, kiến nghị kéo dài thời gian giao dịch sang buổi chiều đã được TVSI đề xuất tới cơ quan quản lý từ năm 2009. Mong mỏi kéo dài thời gian giao dịch của các CTCK là nhu cầu khách quan trong nhiều năm qua.
Tăng thời gian giao dịch sẽ góp phần tăng thanh khoản cho thị trường, tuy rằng mức độ cải thiện có thể chưa đáng kể trong bối cảnh khó khăn hiện tại. Khi kinh tế vĩ mô ổn định trở lại, sức khỏe của các doanh nghiệp tốt lên, thị trường giao dịch sôi động, thì sự góp sức của việc kéo dài thời gian giao dịch vào cải thiện thanh khoản sẽ trở nên rõ nét. Tăng thời gian giao dịch sang buổi chiều còn phần nào khắc phục bất lợi do chênh lệch múi giờ giữa Việt Nam và nhiều nước, qua đó tạo thuận lợi cho NĐT theo dõi và tham gia giao dịch thuận tiện hơn.
Cùng với kéo dài thời gian giao dịch, có nhiều biện pháp khác để góp phần cải thiện thanh khoản cho thị trường. Trong bối cảnh hiện tại, việc sớm triển khai giao dịch T+2 như kế hoạch của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) sẽ là giải pháp thiết thực góp phần tăng thanh khoản cho thị trường.
ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN
|