Thứ Tư, 15/02/2012 06:44

Hy Lạp quyết tránh vỡ nợ

Các nhà lãnh đạo Hy Lạp đang nỗ lực thuyết phục người dân chấp nhận các biện pháp thắt lưng buộc bụng trong khi các chuyên gia nhận định sẽ còn diễn ra thêm nhiều cuộc phản đối bạo lực

Các nhà lãnh đạo chính trị Hy Lạp tuyên bố nước này phải chấp nhận sự thắt lưng buộc bụng khắc khổ hơn nữa hoặc đối mặt với tình trạng xã hội bùng nổ cơn giận. Thủ tướng Lucas Papademos vẫn lặp đi lặp lại với người dân nước này rằng việc cắt giảm ngân sách theo yêu cầu của các nhà tín dụng quốc tế gây tổn thương nhiều nhưng nếu có chọn lựa khác, tình hình sẽ tồi tệ hơn.

Nguy cơ ra khỏi eurozone

Thủ tướng Papademos quả quyết Hy Lạp phải tránh bị vỡ nợ với bất cứ giá nào vào tháng tới, thời điểm nước này phải thanh toán khoản nợ 14,5 tỉ euro. Theo ông, cách duy nhất để đạt được điều đó là chấp nhận các điều khoản cứng rắn của gói cứu trợ mà Liên hiệp châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) yêu cầu. Ông phát biểu trước quốc hội: “Sự vỡ nợ sẽ đặt đất nước này vào một cuộc phiêu lưu bất hạnh, sẽ tạo ra tình trạng hỗn loạn kinh tế không thể kiểm soát được và sự bùng nổ cơn giận trong xã hội”.

Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Luxembourg Luc Frieden hôm 13-2 tuyên bố rằng nếu như Hy Lạp không đáp ứng được tất cả mọi điều kiện do châu Âu và IMF đưa ra để nhận được gói cứu trợ tài chính mới, nước này có thể sẽ phải ra khỏi khu vực đồng euro (eurozone). Ông Frieden nhấn mạnh: “Tôi vẫn cho rằng chúng ta cần phải nỗ lực hết sức mình để mọi thành viên ở lại trong eurozone.

Nhân viên cứu hỏa dập tắt đám cháy do bạo động tại một rạp chiếu phim cổ nhất ở Athens hôm 13-2. Ảnh: AP

Thế nhưng, chìa khóa bây giờ đang nằm trong tay Hy Lạp. Vì vậy, nếu nhân dân Hy Lạp và các nhà lãnh đạo chính trị nước này không đáp ứng mọi điều kiện, tôi nghĩ họ tự loại mình ra khỏi eurozone và khi ấy, ảnh hưởng đối với các nước khác sẽ ít quan trọng hơn cách đây một năm”.

Đồng thời, ông Frieden cho rằng Hy Lạp có thể quyết định rằng rời khỏi eurozone tốt hơn là thực hiện việc cắt giảm ngân sách khắt khe như vậy. Ông nói: “Có thể điều đó sẽ cho phép Hy Lạp có một sự khởi đầu mới để tạo dựng một nền kinh tế tạo ra việc làm”.

Người dân nổi giận

Thế nhưng, sau một đêm bạo lực và đập phá ở Athens, có người lo ngại rằng sự bùng nổ cơn giận đề cập ở trên có thể đã xảy ra rồi. Nhà chức trách cho biết 93 tòa nhà đã bị tàn phá hoặc hư hại nặng nề. Các công nhân đã thu dọn được 40 tấn đá vỡ vụn trên các đường phố và vỉa hè. Theo hãng tin Reuters, bạo động ở Athens đã gia tăng mạnh để phản đối chương trình thắt lưng buộc bụng, trong đó có việc cắt giảm 22% mức lương tối thiểu, trong khi tỉ lệ thất nghiệp ở giới trẻ nước này hiện trên 50%.

Ông Ilias Iliopoulos, tổng thư ký nghiệp đoàn khu vực công ADEDY, cho rằng chính phủ phải lắng nghe nhân dân. Ông nhấn mạnh: “Nhân dân đã gửi thông điệp: Đủ rồi! Họ không thể chịu đựng thêm được nữa”. Bên cạnh đó, ông Vassilis Korkidis, người đứng đầu Liên minh Thương mại Hy Lạp, nhận định: “Rất nhiều khả năng các cuộc phản đối bạo lực sẽ lại diễn ra bởi vì người dân rất phẫn nộ”.

Giáo sư Mary Bossis, Trường Đại học Piraeus, xác nhận: “Đây mới chỉ là sự bắt đầu. Chúng ta sẽ chứng kiến nhiều bạo lực hơn nữa. Điều làm tôi khiếp sợ là kiểu phản đối có tổ chức này có thể dẫn đến chết người. Nó không khiến tôi ngạc nhiên mà chỉ làm tôi sợ hãi”.

Hạ bậc tín nhiệm nợ 6 nước châu Âu

Theo website CNNMoney hôm 13-2, cơ quan xếp hạng tín nhiệm Moody’s đã hạ bậc tín nhiệm nợ đối với 6 nước Ý, Malta, Bồ Đào Nha, Slovakia, Slovenia và Tây Ban Nha trong lúc mối lo lắng về khủng hoảng nợ ở châu lục này đang tiếp diễn. Ngoài ra, Moody’s cảnh báo 3 nước khác là Áo, Pháp và Anh có nguy cơ bị đánh tụt bậc tín nhiệm nếu các điều kiện kinh tế tiếp tục xấu đi.

Lục San

NGƯỜI LAO ĐỘNG

Các tin tức khác

>   Châu Á tích cực tìm giải pháp chống suy thoái (15/02/2012)

>   Các ngân hàng lớn Nhật Bản thăng hạng cao hơn (15/02/2012)

>   Kinh tế Nhật Bản giảm mạnh hơn so với dự đoán (14/02/2012)

>   Google thâu tóm Motorola Mobility (14/02/2012)

>   BOJ bất ngờ tăng chương trình mua tài sản thêm 128 tỷ USD (14/02/2012)

>   Mỹ: Dự thảo ngân sách bị chỉ trích gay gắt (14/02/2012)

>   Moody’s hạ bậc tín nhiệm Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Ý (14/02/2012)

>   "Vở kịch" Hy Lạp - điềm báo trước cho Bồ Đào Nha (13/02/2012)

>   Đồng Nhân dân tệ từng bước tăng giá so với USD (13/02/2012)

>   Mỹ tìm cách giảm 4.000 tỷ USD thâm hụt ngân sách (13/02/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật