Thứ Ba, 14/02/2012 15:48

Kinh tế Nhật Bản giảm mạnh hơn so với dự đoán

Theo số liệu vừa công bố của Chính phủ Nhật Bản, kinh tế nước này quý IV/2011 đã giảm 2,3% so với cùng kỳ năm 2010, tồi tệ hơn mức dự báo giảm 1,4% của các nhà kinh tế, do xuất khẩu giảm sút vì chịu ảnh hưởng của trận lụt nghiêm trọng ở Thái Lan, triển vọng ảm đạm của nền kinh tế thế giới và cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu.

Kinh tế Nhật Bản giảm. (Nguồn: Internet)

Số liệu kinh tế quý IV/2011 cũng cho thấy sự chật vật của Chính phủ Nhật Bản trong việc khôi phục nền kinh tế lớn thứ ba thế giới sau trận động đất-sóng thần hồi tháng 3/2011, trong bối cảnh nước này đối mặt với sức ép của đồng yên tăng giá, mặc dù Tokyo đã nhấn mạnh sự sụt giảm này chỉ là tạm thời và động lực tăng trưởng của nền kinh tế vẫn còn.

Báo cáo sơ bộ trên được đưa ra giữa lúc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) bắt đầu cuộc họp 2 ngày để thảo luận chính sách tiền tệ. Giới phân tích cho rằng BOJ có thể chịu sức ép từ các chính trị gia đòi nới lỏng hơn nữa chính sách tiền tệ. Trong cả năm 2011, kinh tế Nhật Bản đã giảm 0,9% so với năm 2010, năm giảm đầu tiên trong 2 năm qua.

Nhà kinh tế trưởng Masaaki Kanno của JPMorgan Securities Japan Co., nhận xét sự suy giảm GDP do lũ lụt ở Thái Lan, vốn gây thiệt hại nặng nề cho các nhà sản xuất Nhật Bản, hầu như đã được dự đoán trước.

Tuy nhiên, ông Kanno cho rằng bất ngờ chủ yếu đến từ sự giảm chi tiêu của chính phủ và sự chậm chễ trong tái thiết khu vực Đông Bắc bị động đất-sóng thần đã trút gánh nặng lên GDP. Ông cảnh báo thời gian phục hồi của kinh tế Nhật Bản có thể bị chậm lại nếu ngân sách tái thiết không được thực hiện theo kế hoạch.

Xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của Nhật Bản giảm 3,1%, với kim ngạch xuất sang châu Âu và châu Á giảm đáng kể. Xuất khẩu ôtô và linh kiện điện tử, trong đó có linh kiện bán dẫn, giảm mạnh nhất. Theo các quan chức Nhật Bản, trận lũ lụt ở Thái Lan đã gây thiệt hại đáng kể cho các nhà sản xuất ôtô và công ty công nghệ cao của Nhật Bản hoạt động tại nước này.

Cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu đã tác động tiêu cực tới kinh doanh và tiêu dùng ở khu vực này. Nhật Bản thường xuất khẩu các linh kiện chủ chốt sang các nền kinh tế khác như vùng lãnh thổ Đài Loan, Hàn Quốc và Singapore… và những nền kinh tế này tạo ra các sản phẩm hoàn chỉnh để tiêu thụ ở châu Âu.

Ngoài ra, việc đồng yên tăng giá lên mức kỷ lục 75,32 yên/1 USD vào ngày 31/10/2011 đã “phủ bóng đen” lên lợi nhuận của các nhà xuất khẩu Nhật Bản và buộc chính phủ nước này phải can thiệp vào thị trường tiền tệ để giảm bớt đà tăng giá của đồng yên. Các dữ liệu được công bố trước đó cho thấy Nhật Bản năm 2011 đã chịu thâm hụt thương mại lần đầu tiên trong vòng 31 năm qua.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích nhận định kinh tế Nhật Bản sẽ tăng trưởng trở lại trong quý I/2012, nhờ xuất khẩu phục hồi và chính phủ tăng chi tiêu cho tái thiết.

Minh Sơn

Vietnam+

Các tin tức khác

>   Google thâu tóm Motorola Mobility (14/02/2012)

>   BOJ bất ngờ tăng chương trình mua tài sản thêm 128 tỷ USD (14/02/2012)

>   Mỹ: Dự thảo ngân sách bị chỉ trích gay gắt (14/02/2012)

>   Moody’s hạ bậc tín nhiệm Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Ý (14/02/2012)

>   "Vở kịch" Hy Lạp - điềm báo trước cho Bồ Đào Nha (13/02/2012)

>   Đồng Nhân dân tệ từng bước tăng giá so với USD (13/02/2012)

>   Mỹ tìm cách giảm 4.000 tỷ USD thâm hụt ngân sách (13/02/2012)

>   Nhật Bản cảnh báo can thiệp thị trường ngoại hối (13/02/2012)

>   Các đồng tiền châu Á thi nhau mất giá (13/02/2012)

>   Hy Lạp đã thoát “cửa tử”? (13/02/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật