Thứ Sáu, 24/02/2012 22:25

Hàng không lại tăng độc quyền

Thủ tục chuyển đổi người đại diện quyền sở hữu vốn Nhà nước tại Công ty Cổ phần Hàng không giá rẻ (Jetstar Pacific - JPA) đã được hoàn tất, đồng nghĩa với việc thay đổi cơ bản cục diện thị trường hàng không nội địa.

Từ đối thủ thành đối tác

Ghi nhận từ bộ phận thương mại của JPA cho thấy kể từ khi thị trường xuất hiện thông tin JPA “về một nhà” với Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines - VNA) cho đến khi một số thành viên trong ban quản trị và ban điều hành cũ - mới đang rục rịch làm thủ tục bàn giao như mấy ngày qua, trong nội bộ JPA cũng như hành khách mua vé dường như không có gì biến động. Điều này khác với trạng thái của JPA trong đợt thay tên đổi chủ đầu tiên diễn ra năm 2006 là niềm tin của cán bộ nhân viên sa sút, chuyến bay vắng khách, chủ nợ thúc ép đòi tiền…

Từ góc độ nhà quản lý, Cục Hàng không Việt Nam đánh giá: Về cơ bản, JPA vẫn được coi là hãng hàng không độc lập với VNA. Vì quyền và nghĩa vụ của cổ đông Nhà nước tại JPA được chuyển giao nguyên trạng từ Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) sang VNA.

Một cơ sở nữa để khẳng định tính độc lập này chính là sự khác nhau về đối tượng khách hàng, mô hình và phương thức hoạt động giữa VNA và JPA. Hơn nữa, JPA là hãng hàng không có vốn nước ngoài, nhà đầu tư Qantas nắm 27% cổ phần (sắp tới tăng lên 30%) có quyền phủ quyết ở mức độ nhất định nên sẽ khó xảy ra tình trạng JPA là một “VNA con”.

Đối với VNA, việc nắm giữ cổ phần chi phối tại JPA cũng có thể xem là bước chuẩn bị để xây dựng hãng hàng không quốc gia thành một tập đoàn kinh tế mạnh, khai thác cả hai mô hình hàng không truyền thống và hàng không giá rẻ.

Còn về phía JPA sẽ có điều kiện tiếp cận các cơ sở hạ tầng kỹ thuật, bảo dưỡng máy bay, đào tạo nhân lực, chia sẻ hệ thống thương mại và cơ sở khách hàng của VNA. Điều này sẽ giúp JPA cắt giảm đáng kể chi phí hoạt động, tăng doanh thu. Cục Hàng không Việt Nam nhấn mạnh rằng với việc chuyển giao này, JPA sẽ có cơ hội lành mạnh hóa tình hình tài chính, không còn trong tình trạng bấp bênh, làm ăn thua lỗ để định hướng phát triển lâu dài.

Hết đối thủ, VNA chiếm thị trường?

Nhưng ở góc độ chuyên môn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung cho rằng: Việc sắp xếp  theo hướng này sẽ đặt JPA vào vị thế không còn là đối thủ của VNA. Tính cạnh tranh giữa hai hãng hàng không giảm mạnh. VNA trở thành người chi phối, các quyết định của JPA sẽ phải phụ thuộc vào VNA.

Theo các chuyên gia kinh tế, khi JPA chuyển từ vị thế đối thủ sang vị thế đối tác của VNA sẽ kéo theo rất nhiều thay đổi trên thị trường hàng không nội địa và ngay trong công tác hoạch định chính sách của cơ quan quản lý. Đơn cử như việc trước đây, JPA rất kiên trì mục tiêu đòi hỏi tạo dựng hành lang pháp lý thông thoáng và các khuyến khích cần thiết cho các hãng hàng không “sinh sau đẻ muộn” phát triển.

Cụ thể là tiên phong lên tiếng đề nghị tách khâu cung cấp xăng dầu khỏi VNA, tạo điều kiện để các hãng hàng không mới được tự cung cấp một số dịch vụ liên quan… Và cũng chỉ JPA mới “đủ tầm” lên tiếng trước hiện tượng VNA khuyến mãi khủng đẩy các hãng hàng không khác vào cảnh không giảm theo thì vắng khách nhưng “đua” giảm giá thì không đủ tiềm lực tài chính.

Người tiêu dùng cũng được hưởng lợi khi chính sách vé rẻ cùng với tần suất khai thác cao của JPA đã tạo ra những đợt khuyến mãi sôi động. Cả VNA và JPA đều phải “canh” giá qua các đại lý để kịp thời tung ra loại vé  cạnh tranh hơn với mục đích lấp đầy ghế trên các chuyến bay của những tuyến cả hai hãng cùng khai thác.

Một chuyên gia trong ngành hàng không cho rằng: VNA và JPA không còn là đối thủ của nhau nhưng với các hãng hàng không còn lại đang tham gia thị trường là VietJet Air và Air Mekong, cạnh tranh sẽ khốc liệt hơn. Bởi đối thủ của họ không chỉ là VNA, là JPA như trước đây mà sẽ là “người khổng lồ” được hợp sức bởi hai hãng hàng không lớn nhất VNA và JPA.

Theo một chuyên gia kinh tế, dự báo sắp tới, Cục Quản lý cạnh tranh sẽ có rất nhiều việc phải làm ở một thị trường hàng không vừa được tăng tính độc quyền.

Tô Hà

người lao động

Các tin tức khác

>   Nielsen: Doanh nghiệp cho rằng kinh doanh sẽ khó khăn hơn (24/02/2012)

>   Trái chiều số phận hai siêu dự án tại Hà Tĩnh (24/02/2012)

>   TKV đang làm thủ tục thoái vốn 217 tỷ đồng (24/02/2012)

>   Ngành than muốn mua mỏ ở nước ngoài (24/02/2012)

>   Cần tìm hiểu tập quán để xâm nhập thị trường Nhật (23/02/2012)

>   Năm 2015, xuất khẩu than sẽ giảm còn 5 triệu tấn (23/02/2012)

>   Các doanh nghiệp FDI ít lạc quan, dù doanh số tăng (23/02/2012)

>   'Hoa mắt' với phí xuất khẩu thủy sản (23/02/2012)

>   Quản lý giá và "quả bóng" trách nhiệm (23/02/2012)

>   Cuộc đua 3G có ngã rẽ mới (23/02/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật