Cần tìm hiểu tập quán để xâm nhập thị trường Nhật
Mặc dù Nhật Bản là thị trường tiềm năng đối với các mặt hàng trang trí nội thất, nhất là các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, nhưng nhiều doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam đã và đang tốn khá nhiều công sức vẫn chưa thể đặt chân được vào.
Đó là nhận định của các chuyên gia kinh tế tại hội thảo - tư vấn "Đẩy mạnh xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ có giá trị gia tăng cao của Việt Nam và Nhật Bản" do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp với Trung tâm Xúc tiến thương mại, Đầu tư và Du lịch ASEAN - Nhật Bản (AJC) tổ chức ngày 23/2 tại Hà Nội.
Đây là một trong những hoạt động thuộc Chương trình hỗ trợ của AJC dành cho 4 nước (Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam), nhằm mục đích hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm chất lượng cao sang thị trường Nhật Bản bởi trước đây sản phẩm được làm từ nguyên liệu như mây, tre, lá… rất khó bán.
Ngày nay người Nhật Bản ưa chuộng các sản phẩm thân thiện với môi trường và sản phẩm làm bằng nguyên liệu gỗ ép, gốm sứ kết hợp sơn mài, gỗ kết hợp kim loại… nên doanh nghiệp phải thường xuyên cập nhật sở thích và thị hiếu để xâm nhập vào thị trường khó tính này.
Theo Bộ Công Thương, hàng năm nhu cầu nhập khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Nhật Bản rất lớn (khoảng 2 tỷ USD/năm) vì người Nhật có thói quen tặng quà vào các dịp lễ.
Vì vậy, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ (gồm gỗ khảm, dát, sản phẩm làm từ rơm, cỏ giấy hoặc từ các loại vật liệu tết bện khác, dây tết bện và các sản phẩm bằng vật liệu tết bện, hàng mây tre, liễu gai, gốm sứ) của Việt Nam sang Nhật Bản đạt khoảng 54 triệu USD, chiếm 3% kim ngạch nhập khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Nhật Bản.
Không những thế, sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam nói chung có ưu thế là giá không cao do chi phí thấp, sản phẩm tương đối phong phú, đa dạng.
Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam sang thị trường Nhật Bản còn khá khiêm tốn bởi việc giữ chữ tín, am hiểu luật lệ và thủ tục nhập khẩu hạn chế cùng với sự nghèo nàn về kiểu dáng. Nhiều nghệ nhân Việt Nam chưa có ý thức làm thị trường.
Ông Shinichi Yamamura, chuyên gia tư vấn thiết kế Nhật Bản cho rằng người thợ chỉ biết làm sản phẩm theo cảm nhận, theo ý thích của mình mà chưa mạnh dạn khai thác thì khó đưa hàng ra nước ngoài.
Thị hiếu của người tiêu dùng Nhật Bản rất đa dạng nhưng cũng khá độc đáo. Do đó, muốn kinh doanh thành công ở thị trường Nhật Bản, các doanh nghiệp Việt Nam cần tìm hiểu tập quán tiêu dùng của người Nhật, nhu cầu thị trường và cách tiếp cận thị trường có hiệu quả.
Để chiếm lĩnh thị trường Nhật Bản doanh nghiệp cần tập trung sản xuất những sản phẩm có chất lượng tốt, hợp sở thích của người Nhật và phải có giá trị sử dụng cao trong cuộc sống hàng ngày.
Cục Xúc tiến Thương mại cũng khuyến cáo các doanh nghiệp Việt cần phải chứng minh rõ nguồn gốc hàng của mình từ nhãn mác, các quy trình sản xuất cũng như sản phẩm chủ yếu làm từ nguyên liệu nào.
Mặt khác do chu kỳ "sống" của sản phẩm thủ công mỹ nghệ ngắn nên người tiêu dùng đòi hỏi rất khắt khe về thời hạn giao hàng.
Các doanh nghiệp nếu ký được hợp đồng cần huy động nhân lực vào sản xuất để không làm lỡ thời hạn giao hàng.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam nên tận dụng triệt để các kênh phân phối để sản phẩm thủ công mỹ nghệ có thể đáp ứng nhu cầu của tầng lớp tiêu dùng khác nhau của thị trường Nhật Bản./.
Uyên Hương
vietnam+
|