Đồng bộ hóa kết cấu hạ tầng: Không thể quy hoạch theo nhiệm kỳ
Các chuyên gia đề nghị cần Luật quy hoạch để chỉ rõ trách nhiệm lập, phê duyệt quy hoạch, tránh tình trạng tư duy theo nhiệm kỳ.
Bên cạnh đó, cần phải thay đổi cơ chế để huy động cho được vốn đầu tư ngoài ngân sách tham gia phát triển hạ tầng...
* TS LÊ ĐĂNG DOANH (nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư):
Sẽ mất đi cơ hội
Thực trạng đầu tư dàn trải hiện nay đã bộc lộ hạn chế lớn của đầu tư công. Nó cũng cho thấy các dự án đầu tư của VN nhiều cái không tính đến tiêu chí hiệu quả, không định lượng được hiệu quả xem sẽ đem lại lợi ích gì, đã đến mức cần đầu tư chưa. Không định lượng hoặc không coi trọng định lượng hiệu quả dẫn đến dự án nào cũng cần thiết, dự án nào cũng muốn đầu tư. Trong khi nguồn lực hạn chế đã dẫn đến dàn trải và manh mún, hiệu quả vì thế khó lòng mà cao.
Thực trạng đầu tư dàn trải, không đồng bộ còn cho thấy thiếu tính thống nhất và sự điều hòa ở tầm vĩ mô. Các nước xây sân bay phải tính hiệu quả là chuyện đương nhiên, vốn làm một cái không nhỏ nên nếu quyết sai thì chi phí cơ hội mất đi rất lớn. Ngoài ra, họ còn tính toán tổng thể, huy động, điều phối nhiều ngành để người dân xuống sân bay thì có tàu hỏa, xe buýt đợi sẵn để kết nối với nhau. Ta phải xem lại khả năng điều hòa vĩ mô thế nào mà ngay sân bay Tân Sơn Nhất cũng chưa có xe buýt để người bình thường có thể đi.
* TS KHUẤT VIỆT HÙNG (trưởng bộ môn quy hoạch và quản lý giao thông vận tải - Đại học Giao thông vận tải):
Sớm có Luật quy hoạch
Ta đang làm quy hoạch theo kiểu “Thánh Gióng”, tức làm rất to, rất tham vọng, thường vượt 2-3 lần năng lực thực hiện. Vì vậy, quy hoạch thì rất hay nhưng không làm được, dẫn tới không thể đồng bộ ngay từ trong nội dung quy hoạch. Các nước quy hoạch dựa trên cơ sở năng lực, như giao thông được dành 2-3% GDP để làm thì họ quy hoạch 5-10 năm tới cũng dựa trên thực lực đó. Ta vốn không có, chỉ đủ làm một sân bay mà quy hoạch 10 cái thì đương nhiên khi làm 2-3 cái sẽ có cái không có dịch vụ, không có đường dẫn vào...
Quy hoạch hiện nay đang bị ảnh hưởng bởi tư duy nhiệm kỳ, tức thứ tự ưu tiên cũng theo nhiệm kỳ. Nhiệm kỳ này ưu tiên công trình A, nhiệm kỳ khác lại sửa, ưu tiên công trình B nên chắp vá, khó có thể có hạ tầng thống nhất. Vì vậy, cần phải nhanh chóng ban hành Luật quy hoạch vì việc quy hoạch ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế cũng như liên quan trực tiếp đến đời sống người dân. Quy hoạch ở các nước thực chất là kế hoạch được pháp chế hóa nên không thực hiện được, người lập, duyệt đều bị xử lý nặng. Luật quy hoạch hiện đang được giao cho Bộ Kế hoạch - đầu tư soạn cần phải quy định cụ thể trách nhiệm, cơ chế xử lý từ người lập đến phê duyệt quy hoạch nếu đưa ra quy hoạch không thể thực hiện được.
* TSKH NGUYỄN QUANG THÁI (phó chủ tịch Hội Khoa học kinh tế VN):
Chọn công trình cấp bách ưu tiên vốn
Hiện nay, những công trình chúng ta đang làm, dự định làm đã vượt quá khả năng cân đối vốn. Vì vậy, trước mắt Chính phủ cần chọn ra những công trình cấp bách cần ưu tiên dành vốn để đã quyết định làm thì phải làm đồng bộ, phát huy hết hiệu quả của dự án, tránh kiểu có cầu không có đường.
Tới đây, việc bố trí vốn cho các dự án đầu tư cũng phải tính theo trung hạn, tức bố trí vốn theo ba năm. Chứ bố trí theo một năm như hiện nay, sang năm không cân đối được vốn thì lại dở dang. Cái lâu dài cần sửa nữa là cơ chế phân cấp. Trước nay ta có ý đầu tư theo tỉnh, với dân số. Giờ phải cân đối trở lại, đầu tư phải theo mục tiêu quốc gia, cân đối tốt hơn cho toàn nền kinh tế. Cũng cần tăng cường giám sát quy hoạch để các quy hoạch, kế hoạch phải ăn khớp với nhau. Và điều quan trọng nữa là phải tạo cơ chế mới, huy động tốt các vốn đầu tư ngoài đầu tư công. Cái này không đơn giản vì những dự án ta cần rất nhiều, chương trình mục tiêu quốc gia cũng lắm. Phải chấp nhận đưa ra chính sách cân bằng lợi ích các bên để thu hút đầu tư, tạo hạ tầng tốt cho phát triển.
* Ông PHẠM SỸ LIÊM (phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng):
Tránh quy hoạch ngành nào biết ngành đó
Thử nhìn Hàn Quốc, họ cũng có xuất phát điểm giống chúng ta. Họ đã chú trọng xây dựng một hệ thống giao thông, hạ tầng đồng bộ ngay từ giai đoạn đầu phát triển và họ đã phát triển nhanh, đỡ tốn kém.
Phải hiểu rằng Mỹ cũng không thể làm ngay kết cấu hạ tầng như họ muốn. Anh phải xem có bao nhiêu tiền rồi hẵng nói chuyện làm cái gì. Đằng này mình thấy cần làm thì cho vào danh sách, đến lúc chỉ có ít tiền thì làm một nửa hoặc cắt. Thế là dang dở, không đồng bộ. Nước mình làm không biết bao nhiêu là quy hoạch nhưng quy hoạch ngành nào biết ngành đó. Ngay trong ngành giao thông thì ông quy hoạch đường bộ không biết quy hoạch đường sắt, ông quy hoạch đường sắt không biết quy hoạch cảng... Để tránh không đồng bộ, dàn trải, cần quy hoạch đồng thời kinh tế - xã hội với quy hoạch giao thông, không gian.
Cẩm Văn Kình ghi
tuổi trẻ
|