Thứ Tư, 01/02/2012 06:18

Dệt may, giày, gỗ… lo bù thị trường mất

Dọn đường tìm thị trường khác, tìm lại khách hàng cũ, quay về thị trường nội địa.

Nhiều doanh nghiệp (DN) đã chọn khai trương đầu năm vào sáng 31-1 (mùng chín tết) mong có được cái hên trong cơn lốc suy thoái.

Mỹ, Nhật, Hàn bù... châu âu

Ông Phạm Xuân Hồng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cho biết: Cách đây một tháng, các DN còn lo lắng vì chỉ mới có hợp đồng đến hết quý I, trong khi cùng thời điểm đó hằng năm là họ đã có hợp đồng đến hết quý II. Tuy nhiên, “tin vui cho ngành dệt may là tính đến nay thì nhiều DN đã ký hợp đồng đến hết quý II”.

Theo ông Lê Hồng Phoa, Tổng Giám đốc Công ty May mặc Bình Dương kiêm Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Bình Dương, công ty của ông đã có đơn hàng đến hết quý II cho thị trường Mỹ. “Hiện các DN trong hiệp hội cũng chỉ mới có đơn hàng hết quý I. Tình hình năm nay khá khó khăn, sức tiêu thụ của thị trường châu Âu giảm sút rất mạnh, chúng tôi phải đẩy thị trường Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc tăng trưởng thì mới bù lại được” - ông Phoa nhận định.

Ông Nguyễn Ân, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sản xuất Thương mại May Sài Gòn, phấn khởi: Tình hình năm nay sẽ tốt hơn năm 2011, doanh thu năm 2011 khoảng 860 tỉ đồng, năm 2012 có thể đạt 1.000 tỉ đồng (khoảng 50 triệu USD), “trong tình thế nhiều DN gặp khó khăn, bị chững lại, bị mất đơn hàng… thì những DN có uy tín, giá cả cạnh tranh, năng suất cao, nhân công ổn định, giao hàng đúng hẹn… sẽ phát huy lợi thế”. May Sài Gòn đã có đơn hàng đầy quý II và một số đơn hàng cho đến cuối năm. Ngoài ra, khi sức tiêu thụ ở thị trường châu Âu sụt giảm, May Sài Gòn đã linh động tăng cường thị trường Mỹ. Trước đây, 70% hàng của May Sài Gòn là phục vụ thị trường châu Âu, chỉ 20% cho thị trường Mỹ và 10% cho Nhật Bản. Thế nhưng năm 2011, thị trường châu Âu đã giảm còn 50% và năm 2012 giảm còn 40%. Bù vào đó, công ty đã nhận đơn hàng của thị trường Mỹ, hiện đã tăng lên 50%.

Không chê đơn hàng nhỏ

Ngành da giày cũng gặp khó khăn trong năm 2012. Bà Trương Thị Thúy Liên, Giám đốc Công ty TNHH Liên Phát, cho biết EU là thị trường tiêu thụ lớn của giày nhưng thị trường này đang giảm sức mua. Việc tìm kiếm thị trường mới không khó nhưng sức tiêu thụ thấp, sẽ không đủ bù mức hụt quá lớn của thị trường châu Âu. Vì vậy, công ty đang tìm lại các khách hàng châu Âu cũ, trước đây họ đặt hàng nhưng số lượng ít nên công ty không nhận đơn hàng, nay nếu họ có nhu cầu đặt hàng, dù số lượng ít thì công ty vẫn nhận. Thời điểm này năm ngoái, Liên Phát có đủ đơn hàng làm hết công suất trong quý II nhưng năm nay thì đơn hàng cho quý II chỉ mới lai rai.

So với dệt may, da giày thì ngành chế biến đồ gỗ xuất khẩu xem ra gặp khó khăn hơn. Theo ông Trần Quốc Mạnh, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (Hawa), từ đầu năm dương lịch đến nay ngành này nhận toàn tin xấu về thị trường châu Âu và Mỹ, trong khi đây là hai thị trường chính của đồ gỗ. Do đó, “cần đào sâu các thị trường mới như Trung Quốc, Nga, đặc biệt với dòng sản phẩm mỹ nghệ và trang trí. Mặt khác, ông Mạnh cho rằng DN cũng nên chú ý quay về thị trường nội địa”.

Nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu 2011 trên 1 tỉ USD (không tính than đá, xăng dầu) gồm: dệt may (trên 14 tỉ USD), giày dép (trên 6,5 tỉ USD), thủy sản (trên 6,1 tỉ USD), điện thoại và linh kiện (gần 6,9 tỉ USD), máy tính, linh kiện, điện tử (khoảng 4,2 tỉ USD), gỗ và sản phẩm gỗ (gần 4 tỉ USD), gạo (gần 3,7 tỉ USD), cao su (trên 3,2 tỉ USD), cà phê (gần 2,8 tỉ USD), hạt điều (gần 1,5 tỉ USD)…

Quỳnh Như

Pháp luật TPHCM

Các tin tức khác

>   Bộ GTVT kiến nghị ưu đãi thêm khi đầu tư vào hạ tầng (31/01/2012)

>   Xử lý DN tự tăng giá xăng lên 25.200 đồng/lít (31/01/2012)

>   Từ 2012 Việt Nam có thể xuất khẩu phân đạm urê (31/01/2012)

>   “Ẩn số” tái cơ cấu VNPT (31/01/2012)

>   Sức mua kéo giá xuống (31/01/2012)

>   Ngành thép chỉ mong tăng trưởng 3-4% (31/01/2012)

>   Giá hàng hóa sau Tết cơ bản ổn định (31/01/2012)

>   Sản xuất đầu Xuân mới ở Khu kinh tế Dung Quất (30/01/2012)

>   Dự báo xuất khẩu gỗ quí 1-2012 giảm (30/01/2012)

>   Giá thực phẩm tại Hà Nội tiếp tục tăng từ 15-20% (30/01/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật