Giá hàng hóa sau Tết cơ bản ổn định
Hầu hết các mặt hàng vẫn giữ bình ổn giá như những ngày trước Tết, do lượng hàng hóa vẫn nhiều nhưng khối lượng người mua chưa đông, sức mua vẫn thấp.
Giá cả ổn định
Bộ Tài chính vừa có báo cáo nhanh về tình hình giá cả thị trường và kết quả thực hiện các biện pháp bình ổn giá dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Thìn. Theo đánh giá của Bộ Tài chính, những ngày sau Tết, giá cả trên thị trường cơ bản vẫn giữ bình ổn giá như những ngày trước Tết, nguồn cung hàng hóa đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng. Tuy nhiên, sau Tết, khối lượng người mua chưa đông, sức mua còn thấp.
Theo báo cáo mới đây của Bộ Công Thương, sở dĩ sức mua trên thị trường dịp Tết Nguyên đán năm nay thấp một phần là vì tình hình kinh tế năm 2011 khó khăn, ảnh hưởng tới thu nhập, chi tiêu của người dân. So với cùng thời điểm các năm trước đây, không khí mua bán trên thị trường dịp Tết Nhâm Thìn kém sôi động hơn.
Tuy nhiên, về cơ bản, người dân đã được đón một cái Tết đầm ấm, với lượng hàng hóa đầy đủ, phong phú về chủng loại, đa dạng về mẫu mã. Nguồn cung thực phẩm nói chung và thịt lợn nói riêng không bị thiếu hụt do thời tiết thuận lợi, dịch bệnh được kiểm soát, người nông dân tích cực tái đàn do được giá bán. Song giá thịt lợn vẫn tăng so với Tết Nguyên đán 2011 khoảng từ 15 - 45%. Các loại thịt bò, gia cầm, thủy hải sản cũng tăng giá 10 - 20% so với trước Tết.
Theo Bộ Công Thương, sau Tết, giá lương thực ổn định trong xu hướng giảm, vì lượng tồn kho còn lớn. Trong khi đó, giá thực phẩm sẽ giữ mức cao trong khoảng nửa tháng trước khi trở lại bình thường.
Nhiều thực phẩm khuyến mãi lớn
Người tiêu dùng thường có mối lo về các mặt hàng thực phẩm tăng giá chóng mặt sau dịp Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, năm nay, nhiều loại thực phẩm chỉ tăng giá nhẹ, thậm chí có mặt hàng còn giảm hẳn so với trước Tết.
Theo ghi nhận tại một số chợ trên địa bàn Hà Nội trong ngày mùng 8 Tết, hầu hết các loại cá đều tăng giá nhẹ từ 10.000 - 20.000 đồng/kg (cá trắm loại to giá khoảng 100.000 - 110.000 đồng/kg, cá chép từ 80.000 - 90.000 đồng/kg), song vẫn có nhiều loại cá giá bán vẫn không đổi so với trước đó. Gà ta tăng giá từ 20.000 - 50.000 đồng/kg so với trước Tết. Giá xương lợn đã giảm từ 10.000 - 50.000 đồng/kg. Giá rau xanh cũng không tăng chóng mặt như mọi năm.
Tại TP. HCM và một số tỉnh phía Nam, giá rau, củ, quả tăng từ 3% - 5% so với những ngày giáp Tết. Giá thực phẩm khô, nước giải khát... vẫn ổn định như trước Tết.
Hệ thống các siêu thị vẫn giữ giá ổn định như những ngày trước Tết đối với nhiều mặt hàng như thịt lợn, thịt gà, rau củ quả, bia và nước giải khát. Nhiều siêu thị đã tung ra nhiều khuyến mãi hấp dẫn để thu hút khách. Tại siêu thị Big C Thăng Long (Hà Nội), nhiều mặt hàng thực phẩm thiết yếu như: thực phẩm khô, thực phẩm đông lạnh, nước uống... giảm giá tới 50%. Có một số loại thực phẩm được bán theo giá khuyến mãi còn rẻ hơn nhiều so với thị trường bên ngoài. Cá trứng có giá 52.000 đồng/nửa cân (giảm 7.000 đồng/kg), chả lụa Ebon giá 64.000 đồng/kg (giảm giá 54.000/kg đồng), thịt ba rọi: 94.000 đồng/kg (giảm 16.000/kg).
Tại TP.HCM, nhiều hệ thống siêu thị đã mở cửa trở lại từ mồng 3 Tết. Tuy nhiên, sức mua chỉ bằng một nửa so với ngày thường. Lượng người đến siêu thị mấy ngày sau Tết vẫn chưa nhiều. Ở một số siêu thị và điểm bán hàng bình ổn khác, giá thịt lợn giảm 10.000 đồng/kg, thấp hơn thị trường 20.000 đồng/kg.
Hạnh Giang
Diễn đàn kinh tế Việt Nam
|