Ximăng ế vẫn xây thêm nhà máy
Sức mua kém, tiêu thụ giảm đã khiến lượng ximăng tồn kho hàng triệu tấn. Thế nhưng năm 2012 tại nhiều nơi các dự án xây dựng nhà máy ximăng vẫn tiếp tục đưa vào vận hành.
Tình trạng cung vượt cầu vẫn là bài toán khó giải cho ngành, với nguy cơ thừa lên đến hàng triệu tấn ximăng.
Chật vật tiêu thụ
Dù đã qua năm 2012 được gần một tháng nhưng ông V. - tổng giám đốc một công ty thành viên của Tổng công ty Công nghiệp ximăng VN (Vicem) - thừa nhận “vẫn chưa chốt được kế hoạch sản xuất cho năm 2012 là bao nhiêu vì thị trường tiêu thụ chậm quá”. Với sản lượng tiêu thụ khoảng 4 triệu tấn ximăng trong năm 2011, giảm 6% so với năm trước, ông V. thừa nhận nhà máy chỉ chạy ở mức 85% so với công suất thiết kế.
Theo ông Nguyễn Văn Thiện - chủ tịch Hiệp hội Ximăng VN (VNCA), lượng ximăng tiêu thụ trong năm 2011 ước khoảng 49,5 triệu tấn, giảm xấp xỉ 1 triệu tấn so với năm 2010. “Dự kiến lượng ximăng tiêu thụ năm 2012 cũng không khả quan, chỉ bằng năm vừa rồi hoặc xoay quanh mức 50 triệu tấn là tối đa”, ông Thiện nói.
Là một trong số rất ít doanh nghiệp của ngành ximăng có tăng trưởng trong năm 2011, ông Nguyễn Quang Trung, tổng giám đốc Công ty cổ phần ximăng Fico Tây Ninh, cũng xác nhận năm 2011 là một năm cực kỳ khó khăn của các doanh nghiệp trong ngành.
“Chính sách thắt chặt tài chính đối với lĩnh vực bất động sản, giảm đầu tư công là một trong những nguyên nhân chính khiến ximăng không tiêu thụ được. Điều này có thể lặp lại trong năm nay với nhiều khó khăn còn khó lường hơn năm trước” - ông Trung nhận định.
Dù vẫn đặt kế hoạch tiêu thụ 1,6 triệu tấn trong năm 2012, tăng khoảng 10% so với năm 2011, nhưng ông Trung cho rằng mục tiêu có đạt được hay không còn phụ thuộc rất lớn vào đầu ra của thị trường.
Giá điện bao cấp cho ximăng và thép
Trong phần trả lời chất vấn trước Quốc hội tháng 11-2011 về lĩnh vực điện, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cho rằng nếu không có mức giá phù hợp sẽ khó lòng thu hút cạnh tranh, không giải quyết được nhu cầu căng thẳng về điện. Cơ chế thị trường lại không cho phép bao cấp tràn lan hoặc bù chéo nhau.
Theo Bộ trưởng Vương Đình Huệ, hiện nay trong cơ cấu giá thành của điện, nếu dựa theo cơ chế bù chéo, giá than tính cho điện chỉ bằng 57-63% so với giá than bán cho các hộ tiêu thụ khác. Ngay trong giá điện vẫn còn bao cấp cho sản xuất thép và ximăng. Theo kết quả kiểm toán nhà nước, năm 2010 sản lượng điện thương phẩm cung cấp cho sản xuất thép và ximăng đã chiếm hơn 11% tổng lượng điện thương phẩm, với giá bán 914 đồng/kWh. Với giá bán này, điện đã bao cấp chéo cho hai ngành này hơn 2.547 tỉ đồng. | Tiếp tục thêm nhiều nhà máy
Trong khi các doanh nghiệp vẫn đang đau đầu tìm cách giải bài toán đầu ra cho khâu tiêu thụ, ngành ximăng vẫn chuẩn bị tiếp nhận một loạt dự án ximăng sắp được đưa vào vận hành. Theo ông Thiện, nếu các dự án “chạy” đúng tiến độ đầu tư, sẽ có thêm 7-8 dự án mới được đưa vào vận hành trong năm nay, với tổng công suất thiết kế xấp xỉ 7 triệu tấn/năm.
Các dự án này đều nằm trong quy hoạch ngành đã được Chính phủ phê duyệt. Theo tính toán của ông Thiện, trong trường hợp có thêm các dự án nói trên, lượng ximăng sản xuất của toàn ngành sẽ đạt trên 60 triệu tấn, bỏ xa nhu cầu sử dụng không dưới 10 triệu tấn. Còn nếu tính trên công suất thiết kế của tất cả các nhà máy đang hoạt động, năng lực sản xuất của toàn ngành có khả năng cung ứng ra thị trường đến 77 triệu tấn/năm, dư đến 27 triệu tấn so với năng lực sử dụng thực tế.
“Áp lực cạnh tranh sẽ càng đè nặng lên vai doanh nghiệp hơn. Đã khó khăn còn chồng chất khó khăn” - ông Phan Đình Quang, trưởng phòng marketing Công ty cổ phần ximăng Fico Tây Ninh, than thở. Theo ông Quang, chính vì quá áp lực như vậy nên phương án xuất khẩu ximăng đã được tính đến.
Theo tính toán của ông Quang, do phải cạnh tranh với sản phẩm của Thái Lan, Trung Quốc, tùy thời điểm giá ximăng xuất khẩu chỉ ở mức 56-68 USD/tấn. “Đây là mức giá không hiệu quả nếu so với giá bán tại thị trường nội địa, hay so với chi phí xuất khẩu bỏ ra” - ông Quang nói.
Tổng giám đốc một đơn vị thành viên của Vicem - doanh nghiệp đã có 100.000 tấn ximăng xuất khẩu sang Campuchia trong năm 2011 - xác nhận việc xuất khẩu ximăng “chỉ là biện pháp tình thế trong bối cảnh thị trường nội địa quá khó khăn”.
Theo ông này, chỉ cần so với các nước Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia... phần lớn dây chuyền sản xuất của họ đã hoàn tất khấu hao, thì các dự án ximăng trong nước vẫn đang loay hoay trả lãi vay, cộng thêm trượt giá từng năm khiến doanh nghiệp buộc phải “đẩy” vào chi phí giá thành, nên khó có giá bán cạnh tranh so với các nước khác.
Theo phân tích của các chuyên gia, khi đã chọn biện pháp tình thế thì không nên khuyến khích và đặc biệt không thể xem xuất khẩu như một giải pháp khi cung ximăng đang vượt cầu rất lớn. Bởi thực tế mặt hàng này tuy “to xác” nhưng giá trị lại thấp và hiệu quả rất ít.
Sâu xa hơn, các loại tài nguyên dùng để sản xuất ximăng phần lớn đều là tài nguyên không tái tạo, nằm ở những nơi có cảnh quan thiên nhiên rất đẹp. Và một đồng ngoại tệ xuất khẩu ximăng thu về cũng đồng nghĩa với môi trường lẫn cảnh sắc xung quanh đang dần bị bán đi, vĩnh viễn không có ngày trở lại.
Trần Vũ Nghi
tuổi trẻ
|