Đánh thuế vàng sẽ giúp hạ nhanh lãi suất cho vay xuống dưới 10%/năm
Theo VAFI, nên áp dụng thuế GTGT, thuế tiêu thụ đặc biệt với hoạt động kinh doanh vàng miếng, vàng trang sức lên mức 20%.
Hạ lãi suất cho vay xuống mức thấp (dưới 10%/năm) như thời kỳ 2005 – 2007 là một trong những vấn đề cốt lõi của chính sách kinh tế, là mong muốn của toàn thể cộng đồng doanh nghiệp và của Chính phủ.
Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính (VAFI) vừa đưa ra bản đề xuất các giải pháp giúp giảm nhanh lãi suất xuống dưới mức 10% trong năm nay.
Theo dó, giải pháp Ngân hàng Nhà nước đang triển khai là chỉ đạo các ngân hàng thương mại nhà nước hạ dần lãi suất cho vay, từ đó lan tỏa đến các NHTMCP khác; Theo tín hiệu của CPI và thị trường liên ngân hàng, NHNN thực hiện bơm tiền ở mức độ liều lượng và cuối cùng sẽ điều chỉnh trần lãi suất huy động. Với phương án này, theo VAFI, lãi suất cho vay sẽ giảm rất chậm và dự kiến tới cuối năm 2012, lãi suất cho vay sẽ dao động từ 14%- 18%, phổ biến sẽ ở mức từ 15% - 17%. Đây vẫn sẽ là mức lãi suất quá cao cho cộng đồng doanh nghiệp ;
Theo đề xuất của VAFI, NHNN nên giảm ngay lãi suất huy động đối với tổ chức gửi tiền xuống mức 11%/năm. Theo thống kê chọn mẫu của VAFI, lượng tiền gửi của tổ chức trong các tổ chức tín dụng chiếm tỷ lệ từ 40%- 55% tổng lượng tiền gửi, đây là con số không nhỏ và có tác động giảm nhanh lãi suất cho vay. Việc giảm ngay lãi suất với đối tượng này sẽ không ảnh hưởng đến trật tự huy động vốn của hệ thống NHTM, cũng như không tác động tới thị trường ngoại tệ;
Khống chế lãi suất tiền gửi ngoại tệ và vàng miếng ở mức không quá 1%/năm (đây chỉ là bước khởi đầu) nhằm làm tăng sức hấp dẫn đối với tiền gửi VND, thúc đẩy tiến trình bán vàng ngoại tệ cho khối ngân hàng thương mại;
Đặt ngay trần lãi suất cho vay không quá 18%/năm; Sau đó theo tín hiệu thị trường giảm dần lãi suất tiền gửi của dân cư, và hạ tiếp trần lãi suất cho vay ;
Với phương án này, đến cuối năm 2012, lãi suất cho vay sẽ dao động từ 12%-16%, phổ biến sẽ ở mức từ 14%- 15%; Với phương án này, lãi suất cho vay vẫn còn cao và không tương xứng với “nội lực của đất nước”.
Dự thảo Nghị định về quản lý kinh doanh vàng cần sớm được ban hành vì nó có tác động tích cực đến bình ổn thị trường ngoại hối. Điểm mấu chốt của Nghị định là sẽ ban hành chính sách thuế GTGT, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với hoạt động kinh doanh vàng. Tuy nhiên không cần chờ Nghị định ban hành, ngay từ bây giờ Bộ Tài chính và Ngân hàng nhà nước nên ngồi lại với nhau để làm chính sách thuế. Việc làm chính sách thuế là cực kỳ đơn giản, chỉ cần công bố trước mức thuế GTGT, thuế tiêu thụ đặc biệt với hoạt động kinh doanh vàng miếng, vàng trang sức lên mức 20% cho phù hợp với các Luật thuế hiện hành, đồng thời phù hợp với thông lệ quốc tế thì sẽ xóa bỏ hoàn toàn tình trạng đầu cơ lướt sóng vàng miếng; Nguời dân và nhà đầu cơ sẽ thấy rằng VND được bảo vệ mạnh mẽ, VND sẽ lên giá và sẽ thu hút dòng tiền cực lớn chảy vào hệ thống ngân hàng. VAFI ước tính trong năm nay, NHNN sẽ thu được 5 tỷ USD (100.000 tỷ VND) từ nguồn vốn chết này mà chẳng cần phải xây dựng chính sách huy động vàng vô cùng tốn kém cho nhà nước mà không giải quyết được những vấn đề tồn tại của thị trường vàng.
“Những người nắm giữ vàng sẽ vô cùng cảm ơn Bộ Tài chính và NHNN nhờ chính sách trên vì họ sẽ bán vàng ở giá cao, đồng thời thu lợi từ việc gửi tiền tiết kiệm với lãi xuất cao” – VAFI khẳng định.
Có lẽ nhiều người (trong đó có nhà hoạch định chính sách) không thích đánh thuế vàng vì có vẻ không có lợi cho họ. Nhưng nhận thức này chưa đúng. Nếu sở hữu vàng không bị đánh thuế mà làm cho “dân giàu nước mạnh” thì VAFI sẽ không bao giờ kiến nghị.
Một trong những yếu tố để dân giàu nước mạnh là phải hướng gần như toàn bộ dòng tiền nhàn rỗi trong dân cư (dưới dạng VND) chảy vào hệ thống ngân hàng và thị trường chứng khoán, từ đó mới ra kết quả lãi suất cực thấp.
Nếu nhà nước sớm công bố chủ trương thuế GTGT, thuế tiêu thụ đặc biệt với hoạt động kinh doanh vàng ở mức 20% trên giá bán (chưa cần chờ đợi thời gian hoàn thành văn bản) thì đây sẽ là giải pháp đột phá để hạ lãi suất cho vay về dưới 10%/năm (kết hợp với phương án 2).
Hiệu quả của giải pháp này, theo VAFI, sẽ nhanh chóng kích thích thị trường chứng khoán phục hồi phát triển; Thị trường trái phiếu sẽ hồi phục và phát triển, hệ thống ngân hàng sẽ có cơ hội huy động nguồn vốn dài hạn; Không những ngăn chặn tình trạng chảy máu ngoại tệ mà nguồn ngoại tệ, nguồn vàng trong dân sẽ chảy vào hệ thống NHTM, dự trữ ngoại hối tăng lên mức trên 30 tỷ đô la ( trong 3 năm tới ) một cách dễ dàng.
Từ phân tích trên để thấy rằng việc giảm lãi suất không phải là việc khó, mọi giải pháp đã có sẵn, vấn đề là lựa chọn giải pháp và sau đó là nhanh chóng hành động./.
Vũ Hạnh
VOV
|