Thiếu cơ chế hỗ trợ mua bán nợ xấu
Quý I-2012, nhiều chủ đầu tư bất động sản tiếp tục đối mặt với những khoản nợ NH. Do vậy, các doanh nghiệp tính đến việc phải bán các dự án để xử lý nợ trong thời gian tới. Vậy các công ty mua bán nợ của Việt Nam có tham gia vào quá trình mua bán này không? ĐTTC đã có cuộc trao đổi với TS. LÊ XUÂN NGHĨA, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, xoay quanh vấn đề này.
- Thưa ông, hiện nay nước ta có 2 loại công ty mua bán nợ của Bộ Tài chính và của NHTM. Nhiệm vụ của các công ty này có giống nhau?
- Công ty mua bán nợ và tài sản tồn đọng doanh nghiệp (DATC), thuộc Bộ Tài chính, được thành lập năm 2003, chuyên mua nợ và tài sản tồn đọng doanh nghiệp, xử lý nợ và tài sản khi thực hiện sắp xếp, chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước…
Trong đó NHNN cũng được bán các khoản nợ xấu cho DATC. Như vậy DATC và công ty xử lý và mua bán nợ của các NHTM (AMC) về nguyên tắc giống nhau, đều có nhiệm vụ mua lại các khoản nợ xấu từ các NHTM, từ các chủ nợ, doanh nghiệp và cơ cấu lại bán cho thị trường.
Nhưng DATC có số vốn điều lệ hạn chế, nên hoạt động lâu nay chủ yếu mua bán nợ một số NHTM trong lần tái cơ cấu thứ nhất giai đoạn 2001-2004. Còn AMC ngoài mua bán nợ còn có một số nghiệp vụ repo tài sản như là hoạt động tín dụng. Vì thế hoạt động mua bán nợ của AMC dành cho NHTM đó rất hạn chế.
|
Một góc khu đô thị mới tại quận 2, TPHCM. |
- Vậy các công ty DATC và AMC có vai trò gì trong lộ trình xử lý nợ xấu bất động sản của các NHTM hiện nay?
- Ở nhiều nước trên thế giới, những công ty mua bán nợ có thể mua lại phần lớn nợ của các NHTM, nhưng điều này đòi hỏi vốn rất lớn, từ nguồn tài trợ hoặc vay từ các nguồn vốn bên ngoài. Ở Việt Nam, do ngân sách hạn hẹp trong khi quy mô nợ xấu của các NHTM rất lớn, nên khả năng tài chính để mua lại nợ xấu của các NHTM ở DATC và AMC rất hạn chế.
Một lý do khác, các dịch vụ kèm theo việc mua bán nợ như tư vấn, hỗ trợ tài chính, làm sạch tài sản để bán… cũng chưa phát triển. Vì thế, nhiều khoản nợ được ngâm giữ rất lâu mới bán được, khiến hiệu quả hoạt động của các công ty mua bán nợ hiện nay rất thấp. Điều này đã khiến các công ty mua bán nợ khó tăng trưởng vốn điều lệ để kinh doanh.
- Như vậy DATC và AMC sẽ không tham gia vào quá trình tái cơ cấu các NHTM?
- Tất nhiên với số vốn hạn chế như vậy, NHNN và Chính phủ không thể trông cậy vào các công ty mua bán nợ có thể mua bán nợ xấu của các NHTM. Vì thế NHNN và Chính phủ phải trông cậy vào nguồn vốn khác.
Hiện nay, Chính phủ có thể trông cậy vào việc điều hòa nguồn vốn NH thừa sang nguồn vốn NH thiếu, nguồn vốn nằm trong kế hoạch phát hành hàng năm, hoặc nguồn vốn các NHTM có thể bán xuất khẩu, hoặc hoán đổi tại NHNN.
Đặc biệt, nguồn quan trọng nhất là phát hành tín phiếu của NHNN để tài trợ cho các NHTM mất khả năng thanh toán do nợ xấu ở lĩnh vực bất động sản. Trước mắt NHNN có thể hỗ trợ thanh khoản tạm thời cho các NHTM yếu và các NH này sẽ sử dụng quỹ dự trữ rủi ro để xử lý, hoặc có thể phát mãi tài sản, chuyển nợ xấu cho các công ty mua bán nợ.
Nếu được NHNN đồng ý, một số NHTM có vàng có thể xuất khẩu vàng tài khoản để tài trợ hoặc xóa các khoản nợ xấu. Thực ra vai trò của các công ty mua bán nợ trong lộ trình tái cơ cấu các NHTM cũng có, nhưng họ có thể mua bán những khoản nợ nhỏ. Đó có thể là những dự án bất động sản tốt, tiềm năng, có khả năng thay đổi trong những năm tới và các doanh nghiệp có thể tái cấu trúc được dễ dàng hơn.
- Theo ông có cần cơ chế kích thích các công ty DATC và AMC tham gia vào hoạt động mua bán nợ của các NHTM?
- Thời điểm này sẽ có không ít các công ty mua bán nợ tham gia, nhưng nhiều dự án không dễ bán được. Bởi lẽ thị trường bất động sản vẫn chưa phục hồi. Do vậy Chính phủ và NHNN cần có cơ chế, chính sách kích thích các công ty này, trong đó nếu các công ty mua bán nợ được hỗ trợ như miễn giảm thuế sẽ là phương án tốt nhất để khuyến khích họ tham gia giải quyết một phần nợ xấu của các NHTM.
- Xin cảm ơn ông.
Mai Thảo
SÀI GÒN ĐẦU TƯ TÀI CHÍNH
|