Lãi suất và thanh khoản
Những ngày gần đây, nhiều ngân hàng (NH) đã hạ lãi suất cho vay từ 1%-1,5% so với mức lãi suất cũ. Nhiều người cho rằng đây là tín hiệu tốt cho nền kinh tế, giảm chi phí vốn vay để người vay tiền có điều kiện sản xuất kinh doanh không thua lỗ, NH thu hồi được nợ, đồng thời tháo gỡ đầu ra cho một số NH dư thừa vốn...
Tuy nhiên, vấn đề đáng quan tâm là chỉ số giá tiêu dùng bình quân trong 7 tháng gần đây chưa tới 1%/tháng nhưng lãi suất vẫn còn quá cao. Một số người cho biết ngoài nợ xấu gia tăng còn do một số NH bỏ ra số tiền lớn mua cổ phần của doanh nghiệp khác, dẫn đến thiếu hụt nguồn vốn buộc phải giữ lãi suất ở mức cao nhằm thu hút khách hàng gửi tiền.
Thị trường có thông tin một NH có quy mô trung bình, thường mất cân đối nguồn vốn nhưng lại bỏ tiền mua gần 5% cổ phần của một tổ chức tài chính có vốn điều lệ trên 10.000 tỉ đồng. Tính ra, NH này phải bỏ ra khoảng 500 tỉ đồng (theo mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu) để mua 50 triệu cổ phiếu.
Tuy vậy, trong bối cảnh thị trường tài chính biến động khó lường, không ít NH khi đầu tư một số tiền khổng lồ vào các tổ chức tài chính khác, ngoài mục tiêu sinh lời còn tính toán đến việc tham gia điều hành hoạt động, tranh thủ nguồn vốn dư thừa của tổ chức đó để giải quyết nguồn vốn của mình hơn là bán bớt cổ phiếu để khắc phục khó khăn nguồn vốn.
Nhiều ý kiến cho rằng chỉ cần những NH đã đầu tư vốn vào các doanh nghiệp lớn bán ra một phần số cổ phiếu đang nắm giữ thì vấn đề thanh khoản của NH đó sẽ được giải quyết. Đây chính là một trong những giải pháp mà các cơ quan quản lý cần tính đến để góp phần ổn định thanh khoản, tạo điều kiện cho lãi suất đi xuống, nếu không, gánh nặng về lãi suất sẽ tiếp tục đè nặng lên nền kinh tế.
Thy Thơ
người lao động
|