Góc nhìn Nhà đầu tư
Chứng chỉ hành nghề chứng khoán: Cấp phép xong để làm gì?
(Vietstock) - TTCK Việt Nam trải qua hơn 10 năm phát triển, tuy đã đạt được rất nhiều thành tựu nhưng cũng ngổn ngang rất nhiều vấn đề tồn đọng chưa được giải quyết triệt để.
Trong những năm qua, các biện pháp để bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư tham gia TTCK được nhắc đến rất nhiều như: Quản lý tách bạch tiền gửi, rút ngắn thời gian T+4, cho phép giao dịch ký quỹ, cho phép mua bán trong cùng phiên giao dịch..v..v…Tuy nhiên một vấn đề lớn tôi thấy chưa được đề cập đến đó là nâng cao đạo đức nghề nghiệp của các công ty cung cấp dịch vụ môi giới chứng khoán trên thị trường. Đặc biệt khi năm 2011 vừa qua được chứng kiến biết bao nhiêu vụ việc tranh chấp giữa các nhà đầu tư và công ty chứng khoán (CTCK) mà cụ thể hơn là giữa nhà đầu tư với nhân viên quản lý tài khoản (QLTK) của khách hàng.
Đa số các CTCK lớn nhỏ hiện nay đều sử dụng các nhân viên quản lý tài khoản của khách hàng, điều này là rất hợp lý và phù hợp với thông lệ quốc tế. Nhân viên QLTK là người làm việc trong CTCK, được chỉ định hay được khách hàng lựa chọn để chăm sóc các tài khoản giao dịch của khách hàng. Công việc bao gồm tư vấn thông tin, đặt lệnh theo yêu cầu của khách và các dịch vụ khác. Tuy nhiên cũng chính cách làm này đã làm nảy sinh rất nhiều vấn đề nếu như nhân viên QLTK không đủ trình độ, không được cấp phép và quan trọng nhất là không giữ được đạo đức nghề nghiệp của mình.
Nhiều vụ việc đã xuất hiện như nhân viên lạm dụng tài khoản của khách hàng để mua bán quay vòng tạo doanh số cho mình hay nghiêm trọng hơn là xúi giục khách hàng mua các cổ phiếu đang bị “làm giá” rồi “xả hàng” vào khách hàng hay lạm dụng tiền gửi trong tài khoản của khách. Có những môi giới chứng khoán còn tiếp tay cho việc làm giá quay vòng chứng khoán. Điển hình là vụ nhân viên môi giới tại SBS đã bị công an kinh tế khởi tố vì tổ chức làm giá cổ phiếu DVD năm vừa qua.
Còn rất nhiều các vụ việc mà khách hàng phải ngậm đắng nuốt cay không biết xử lý ra sao với một tài khoản thua lỗ đầm đìa nhưng khi lên CTCK hỏi thì được nhận câu trả lời là nhân viên môi giới, nhân viên QLTK của họ đã nghỉ việc rồi.
Qua các sự việc kể trên cho thấy việc quản lý nhân sự tại các CTCK là khá lỏng lẻo và thậm chí nhiều công ty còn vi phạm Luật Chứng khoán trong việc sử dụng nhân sự của mình.
Trích Điều 104 - Khoản 3 của Luật Chứng khoán: Công ty chứng khoán phải công bố thông tin tại trụ sở chính, các chi nhánh và đại lý nhận lệnh về các thay đổi liên quan đến địa chỉ trụ sở chính, chi nhánh và các đại lý nhận lệnh; các nội dung liên quan đến phương thức giao dịch, đặt lệnh, ký quỹ giao dịch, thời gian thanh toán, phí giao dịch, các dịch vụ cung cấp và danh sách những người hành nghề chứng khoán của công ty. |
Theo Luật Chứng khoán thì các cá nhân làm việc trong mảng tư vấn, môi giới, phân tích, quản lý quỹ đều phải có chứng chỉ hành nghề (CCHN) do UBCK cấp. Các CTCK phải công bố danh sách này tại trụ sở chính, các chi nhánh và phòng giao dịch để nhà đầu tư được biết. Đành rằng CCHN chưa thể nói lên trình độ thực tế của nhân viên đó nhưng về sơ bộ cũng cho thấy nhân viên này đã vượt qua được các kỳ sát hạch của UBCK, được cấp phép hoạt động và nắm rõ và cam kết tuân thủ Luật Chứng khoán, các quy tắc đạo đức nghề nghiệp trong lĩnh vực chứng khoán. Thế nhưng qua thực tế thì sao? Có rất nhiều CTCK sử dụng nhân viên tư vấn môi giới không được cấp phép, thậm chí đang là sinh viên chưa tốt nghiệp đại học. Chiêu thức lách luật là sử dụng chiêu bài cộng tác viên, nhân viên thực tập, nhân viên học việc…trong khi khách hàng lại không thể biết ai là người có giấy phép hành nghề. Có một số công ty chiếm thị phần môi giới thuộc top 10 tại hai sàn HSX và HNX, sử dụng đến hàng trăm nhân viên môi giới, nhân viên quản lý tài khoản, …nhưng trong số này có bao nhiêu người được UBCK cấp phép hành nghề thì…khó có thể biết được.
Trên thế giới, nghề môi giới chứng khoán được đánh giá là một nghề cao quý có thu nhập rất cao nhưng đòi hỏi người môi giới phải lao động và học tập vất vả, quan trọng nhất vẫn là giữ được đạo đức nghề nghiệp. Đạo đức nghề nghiệp không chỉ tự môi giới đó phải trau dồi mà còn đòi hỏi có sự quản lý chặt chẽ từ cơ quan quản lý. Một khi đã vi phạm thì nhân viên môi giới sẽ bị công bố công khai trên phương tiện truyền thông và cấm hành nghề trong một khoản thời gian nhất định.
Hiện nay Bộ Tài chính vừa phê duyệt đề án tái cấu trúc TTCK và CTCK. Thiết nghĩ đây cũng là một nội dung rất đáng quan tâm. Tôi có một số các kiến nghị đóng góp như sau:
Thứ nhất, UBCK thường xuyên cập nhật danh sách các cá nhân được cấp chứng chỉ hành nghề trên website của mình.
Thứ hai, UBCK rà soát, kiểm tra lại tình hình sử dụng nhân sự tại các CTCK, yêu cầu các công ty phải đăng tải rõ thông tin và các nhân viên đã được cấp giấy phép, chưa được cấp phép. Phải thông báo rõ ràng với khách hàng từ lúc ký hợp đồng mở tài khoản là nhân viên QLTK đã được cấp chứng chỉ hành nghề của UBCK hay chưa.
Trong giấy phép hành nghề của UBCK cấp có ghi số seri,số CMND, tên tuổi địa chỉ của người được cấp phép. Đây chính là cơ sở để quản lý, truy cứu trách nhiệm mỗi khi có vụ việc phát sinh bất kể người được cấp phép đang làm gì, ở đâu.
Thứ ba, UBCK tổ chức thêm các khóa đào tạo, các kỳ thi cấp phép để những ai chưa có giấy phép tham gia thi lấy CCHN.
Bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư cũng chính là bảo vệ lợi ích lâu dài cho các CTCK và góp phần xây dựng phát triển TTCK Việt Nam.
Bùi Lan Hương (Hà Nội)
|