CTCK: Hễ cứ lỗ lớn là bị “tái cấu trúc”?
(Vietstock) - Có nhiều CTCK đang lỗ lớn nhưng lại được giới đầu tư đánh giá cao uy tín trong hoạt động môi giới, tư vấn. Trong khi có CTCK vẫn báo lãi nhưng lại “biệt tăm” trên thị trường.
Năm 2011: Doanh thu khác tăng mạnh, tổng doanh thu vẫn giảm đến 31%
Điểm qua kết quả kinh doanh dựa trên BCTC năm 2011 chưa kiểm toán của 13 CTCK niêm yết trên sàn đã công bố, có thể nhận thấy hiệu quả hoạt động của nhóm này đã lao dốc mạnh mẽ.
Tổng doanh thu năm 2011 của 13 công ty chỉ đạt gần 2,810 tỷ đồng, giảm 31% so với 4,087 tỷ đồng của năm 2010.
Doanh thu của mảng hoạt động chính như Môi giới đạt 344 tỷ đồng, Đầu tư đạt 507 tỷ đồng, Tư vấn đạt 207 tỷ đồng và Hoạt động liên quan đến chứng khoán có 27 tỷ đồng, giảm lần lượt 53%, 67%, 20% và 61% so với năm 2010. Đây có lẽ là điều không quá bất ngờ đối với giới đầu tư.
Điểm đặc biệt nhất trong kết quả kinh doanh năm 2011 là doanh thu từ hoạt động kinh doanh “khác”, khi có mức tăng trưởng 15% so với năm trước. Trong bối cảnh hiện nay, nhiều khả năng doanh thu khác này đến từ tiền gửi ngân hàng, vốn đã gia tăng mạnh mẽ trong thời gian qua.
SSI tiếp tục dẫn đầu về tổng doanh thu với 827 tỷ đồng, nhưng đã sụt giảm mạnh 45% so với năm 2010. Trong khi đó, HCM ổn định ở vị trí thứ 2 với 467 tỷ đồng, và đáng chú ý doanh thu của HCM chỉ giảm nhẹ 0.8% so với năm 2010.
Số lượng công ty báo lỗ chiếm tỷ trọng lớn
Có 8/13 công ty có kết quả hoạt động âm trong năm 2011, trong khi con số này của năm 2010 chỉ là 1 công ty. Nguyên nhân chủ yếu là do sự sụt giảm mạnh của doanh thu trong khi các khoản chi phí vẫn tiếp tục gia tăng.
Tổng chi phí hoạt động của năm 2011 của 13 công ty là 2,654 tỷ đồng, tăng 18.5% so 2010. Chi phí hoạt động tăng cao chủ yếu do chi phí hoạt động đầu tư chứng khoán và góp vốn, và chi phí dự phòng tăng mạnh. Chi phí quản lý doanh nghiệp là 558 tỷ đồng, trong khi năm 2010 chỉ là 475 tỷ đồng.
SHS là công ty có số lỗ tuyệt đối lớn nhất với 382 tỷ đồng, tiếp theo là VND với 202 tỷ đồng và VDS với 126 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, HCM dẫn đầu về lợi nhuận với lợi nhuận sau thuế ước tính đạt 194 tỷ đồng, tiếp theo là KLS với 184 tỷ đồng (chủ yếu đến từ khoản tiền gửi ngân hàng) và CTS với 64 tỷ đồng.
Bỏ đầu tư ngắn hạn, theo đầu tư dài hạn: Thay đổi chiến lược hay bị “kẹt”?
BCTC của các CTCK cả trên sàn lẫn OTC cho thấy hầu hết đều đang giảm các khoản đầu tư ngắn hạn trong quý 4 vừa qua. Với diễn biến thị trường trong giai đoạn quý 4, việc giảm bớt đầu tư ngắn hạn tỏ ra là một quyết định hợp lý.
Mặc dù giảm đầu tư ngắn hạn nhưng một số CTCK lại tăng ghi nhận khoản đầu tư dài hạn. Đây có thể là sự thay đổi trong chiến lược đầu tư, chuyển từ đầu tư tài chính sang đầu tư chiến lược vào các doanh nghiệp tiềm năng. Cũng không loại trừ khả năng nhiều công ty bị “kẹt” và phải chuyển sang ghi nhận vào khoản mục đầu tư dài hạn.
Hễ cứ lỗ lớn là bị “tái cấu trúc”?
Một trong những bước quan trọng của quá trình tái cấu trúc TTCK, theo đề án của Bộ Tài chính, là rà soát và phân nhóm các CTCK theo mức độ rủi ro.
Các CTCK sẽ được phân thành 3 nhóm dựa trên 2 chỉ tiêu (1) vốn khả dụng/tổng rủi ro (bao gồm rủi ro thị trường, rủi ro thanh toán và rủi ro hoạt động) và (2) tỷ lệ lỗ lũy kế/vốn điều lệ. Cụ thể:
Nhóm 1 - nhóm bình thường: bao gồm các CTCK có tỷ lệ vốn khả dụng/tổng rủi ro trên 150% và có lãi hoặc lỗ lũy kế dưới 30% vốn điều lệ.
Nhóm 2 - nhóm kiểm soát: bao gồm các CTCK có tỷ lệ vốn khả dụng/tổng rủi ro dưới 150% tới trên 120% và có lỗ lũy kế từ 30-50% vốn điều lệ.
Nhóm 3 - nhóm kiểm soát đặc biệt: bao gồm các CTCK có tỷ lệ vốn khả dụng/tổng rủi ro dưới 120% và có lỗ lũy kế từ trên 50% vốn điều lệ.
Với tiêu chí (2) tỷ lệ lỗ/vốn điều lệ, dựa trên BCTC năm 2011 của 25 CTCK đã công bố thì hiện vẫn chưa có CTCK nào bị phân loại vào diện kiểm soát đặc biệt. Trong khi đó, có 6 công ty đã rơi vào Nhóm 2 - nhóm kiểm soát là BVS, SVS, ORS, AVS, SHS và VDS.
Với thực tế thị trường diễn biến khó khăn trong thời gian dài, thanh khoản giao dịch cạn kiệt thì kết quả kinh doanh thua lỗ của các CTCK là điều dễ hiểu. Vì vậy, câu hỏi đặt ra là liệu chỉ dựa trên tiêu chuẩn lỗ lũy kế để phân loại CTCK có gây ra ngộ nhận trên thị trường?
Thực tế, có nhiều CTCK đang lỗ lớn nhưng lại được giới đầu tư đánh giá cao uy tín trong hoạt động môi giới, tư vấn. Trong khi có CTCK vẫn báo lãi nhưng lại “biệt tăm” trên thị trường.
Dạng công ty này thường báo cáo lãi nhờ 3 nguồn thu nhập chính: (1) Doanh thu hoạt động chứng khoán có được nhờ phục vụ cho chính các cổ động sáng lập. (2) Doanh thu hoạt động đầu tư – tức được lập ra chỉ để thực hiện tự doanh (dù hiện tại việc dựa trên hoạt động này có vẻ không phù hợp). (3) Doanh thu khác như tiền gửi ngân hàng, cho vay đầu tư chứng khoán…, chứ không phải hoạt động chính là cung cấp dịch vụ và kinh doanh chứng khoán.
Như vậy, có thể nói CTCK báo cáo lợi nhuận chưa hẳn đã là công ty mạnh, và CTCK có kết quả kinh doanh lỗ lớn chưa chắc là đối tượng cần được “tái cấu trúc” hay liệt vào dạng kiểm soát như đề án đề cập.
-------------------------------------------
Đính chính: Trong bảng tính tỷ lệ lỗ lũy kế/vốn điều lệ, do sơ suất người viết đã sử dụng Vốn chủ sở hữu thay vì Vốn điều lệ dẫn đến việc phân loại CTCK vào các nhóm có phần không chính xác. Hiện chúng tôi đã chỉnh sửa lại. Xin cáo lỗi cùng các công ty và bạn đọc.
Đức Nguyễn
|