Tuyên chiến với ba đại gia xếp hạng tín nhiệm
Chính quyền các nước phương Tây đang tìm cách hạn chế ảnh hưởng quá lớn của ba “đại gia” xếp hạng tín nhiệm là Standard & Poor’s (S&P), Moody’s và Fitch.
Ngày 17-1, sau chín nước châu Âu, S&P nay lại hạ định mức tín nhiệm của Quỹ ổn định tài chính châu Âu (EFSF) từ AAA xuống còn AA+. Giám đốc EFSF Klaus Regling, như Reuters cho biết, đã phản ứng mạnh mẽ khi khẳng định quyết định của S&P không ảnh hưởng đến khả năng cho vay của quỹ giải cứu 440 tỉ euro (560 tỉ USD) này. Bộ trưởng tài chính Pháp FranÇois Baroin cũng tuyên bố không có gì phải lo ngại về EFSF. Bộ trưởng tài chính Đức Wolfgang Schaeuble chỉ trích S&P là chẳng hiểu những gì đang diễn ra ở châu Âu, và cáo buộc các “đại gia” S&P, Moody’s và Fitch là đang tìm cách mở rộng ảnh hưởng chính trị để nâng cao uy tín.
Bộ Tư pháp Mỹ sờ gáy S&P
Fitch “dọa” Nga
Dù vẫn khẳng định mức tín nhiệm của Nga là BBB, song Fitch vừa giảm triển vọng tín nhiệm của nước này từ “tích cực” xuống “ổn định” do “bất ổn chính trị ở Nga tăng lên và triển vọng kinh tế toàn cầu đã xấu đi” kể từ lần xếp hạng vào tháng 9-2011, như giải thích của ông Charles Seville - giám đốc Fitch. Fitch cho rằng các cuộc biểu tình chống Thủ tướng Vladimir Putin có thể khiến giới đầu tư lo ngại và rút khỏi Nga.
|
Bộ Tư pháp Mỹ và Ủy ban Giao dịch chứng khoán Mỹ (SEC) hiện đang âm thầm điều tra các hoạt động của S&P thời kỳ trước khủng hoảng tài chính 2008. Báo Wall Street Journal cho biết khi khủng hoảng xảy ra, dư luận Mỹ chỉ trích dữ dội S&P, Moody’s và Fitch là đã không đưa ra được các cảnh báo cần thiết.
Thậm chí ba “đại gia” này còn xếp hạng tín nhiệm sai lầm đối với rất nhiều loại chứng khoán đảm bảo bằng các khoản vay thế chấp địa ốc, và bằng cách này lại tiếp tay gây ra khủng hoảng. Bộ Tư pháp Mỹ và SEC muốn xác định xem có phải S&P đã cố tình nâng giá trị của các loại chứng khoán này để phục vụ lợi ích của các khách hàng muốn bán chúng hay không.
Trong vài tuần gần đây, Bộ Tư pháp Mỹ đã thẩm vấn ít nhất năm nhà phân tích từng làm việc cho S&P. Nhưng theo nguồn tin từ tạp chí Forbes, việc điều tra của Bộ Tư pháp Mỹ và SEC đang gặp nhiều khó khăn, bởi phần lớn các quan chức và chuyên gia làm việc tại S&P từ thời trước khủng hoảng hiện vẫn đang tại vị.
Các nhà lãnh đạo châu Âu cũng tuyên bố sẽ tìm cách hạn chế tầm ảnh hưởng của ba “đại gia” xếp hạng tín nhiệm này. Dow Jones cho biết các nghị sĩ thuộc Đảng Dân chủ Thiên Chúa giáo (CDU) cầm quyền đang xem xét đưa ra một dự luật nhằm hạn chế sự phụ thuộc của các ngân hàng, hãng bảo hiểm vào S&P, Moody’s và Fitch bằng cách tự xếp hạng tín nhiệm các khoản đầu tư của mình. Các quan chức Liên minh châu Âu còn kêu gọi Ủy ban châu Âu thành lập một hãng xếp hạng tín nhiệm độc lập để cạnh tranh với ba “đại gia” này nhằm thúc đẩy sự minh bạch.
Ai giám sát những kẻ giám sát?
S&P, Moody’s và Fitch có tầm ảnh hưởng lớn chẳng phải bởi các hãng này đưa ra những phân tích cao siêu gì, mà đơn giản bởi chức năng của chúng là cấp giấy phép để các quốc gia và doanh nghiệp bước vào thị trường trái phiếu. S&P, Moody’s và Fitch trên thực tế là ba doanh nghiệp tư nhân, kiếm lợi nhuận khổng lồ mỗi năm. Năm 2011 S&P có doanh số tới 2,6 tỉ USD. Với vài trăm chuyên gia và nhân viên làm việc ở mỗi hãng, ba “đại gia” này đã có thể thao túng cả hệ thống tài chính toàn cầu.
Trên báo Guardian, chuyên gia tài chính Aditya Chakrabortty chỉ ra rằng S&P, Moody’s và Fitch đã rất nhiều lần đưa ra những đánh giá và dự báo sai lầm. Cả ba không dự báo được khủng hoảng tài chính châu Á, vụ xìcăngđan của Hãng Enron, khủng hoảng địa ốc ở Mỹ, sự sụp đổ của Ngân hàng Lehman Brothers và khủng hoảng nợ châu Âu. Nực cười nhất là hồi tháng 12-2009, Moody’s ra báo cáo khẳng định “sự lo ngại của giới đầu tư đối với tài chính Hi Lạp là không có cơ sở”. Sáu tháng sau, Athens chìa tay nhận gói giải cứu 147 tỉ USD của châu Âu.
Chuyên gia Chakrabortty cho biết ba “đại gia” này cũng không ít lần lợi dụng thế lực để thao túng chính trường. Năm 2003, bang Georgia (Mỹ) đưa ra luật hạn chế tình trạng cho vay thế chấp địa ốc bừa bãi. Các bang khác sửa soạn bước theo. S&P đe dọa sẽ không xếp hạng trái phiếu đảm bảo bằng các khoản vay thế chấp ở Georgia. Luật này bị bãi bỏ. Đến năm 2008, khủng hoảng địa ốc nổ ra ở Mỹ.
Chuyên gia Chakrabortty cho rằng S&P, Moody’s và Fitch đang “bắt nạt” chính quyền nhiều quốc gia trong khi vẫn kiếm lời hàng tỉ USD.
Một số nhà kinh tế đưa ra ý tưởng lập một hãng xếp hạng tín nhiệm do Liên Hiệp Quốc quản lý, có quyền tiếp cận dữ liệu của các quốc gia và doanh nghiệp.
Sơn Hà
tuổi trẻ
|