Trọng tâm là giảm mặt bằng lãi suất
Thông tin về việc một số ngân hàng tiếp tục “lách” trần lãi suất huy động vượt 14%/năm trong những ngày cuối cùng của năm 2011 dường như là tín hiệu về những thách thức không nhỏ, đòi hỏi phải nỗ lực nhiều hơn trong năm mới 2012.
Dễ nhận thấy câu chuyện an toàn hệ thống là tâm điểm của ngành ngân hàng năm qua, với hàng loạt vấn đề như căng thẳng lãi suất, sự “mạnh tay” của tân Thống đốc Nguyễn Văn Bình với những cá nhân và tổ chức tín dụng vi phạm; nợ xấu của các ngân hàng tăng mạnh; các vụ “nổ” tín dụng đen quy mô lớn và xuất hiện những ngân hàng đầu tiên chấp nhận hợp nhất để cải thiện và gia tăng sức mạnh. Đồng thời, giá vàng cả năm 2011 tăng 25% so với năm 2010 cũng góp thêm sự kịch tính cho một năm quá nóng của ngành ngân hàng.
Chính vì thế, thông tin một số ngân hàng lại rục rịch tăng lãi suất như vừa nêu đã cho thấy phần nào những khó khăn mà ngành ngân hàng buộc phải đối mặt, vượt qua nếu muốn đạt mục tiêu phát triển bền vững hơn trong năm 2012.
Trước hết, nó thách thức mục tiêu quan trọng hàng đầu mà ngành ngân hàng đặt ra cho năm 2012 là giảm mặt bằng lãi suất xuống quanh mức 10%/năm, trên cơ sở tiếp tục chính sách tiền tệ thận trọng và linh hoạt.
Chia sẻ với báo chí trước thềm Xuân 2012, chính Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng bày tỏ, điều lo ngại nhất chính là làm thế nào để hạ mặt bằng lãi suất. Dù Chính phủ đề ra mục tiêu khống chế lạm phát dưới 10%, nhưng nguy cơ lạm phát cao vẫn rất hiện hữu. Cân đối được hai mục tiêu đó là bài toán rất khó đối với NHNN. Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, ông Cao Sỹ Kiêm cũng chia sẻ nhận định này. Ông cho rằng, giảm mặt bằng lãi suất trong năm 2012 là một mục tiêu khó, tuy nhiên, phải quyết tâm làm. Bởi muốn kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, trước hết, lãi suất phải thấp mới cứu được doanh nghiệp, ổn định nền kinh tế.
Dù vậy, cũng đã có những tín hiệu đáng mừng nhất định để thực hiện mục tiêu này của ngành ngân hàng. Theo chuyên gia tài chính Lê Thẩm Dương, tín hiệu quan trọng chính là ở diễn biến lạm phát. Khi chỉ số số giá tiêu dùng giảm, nền kinh tế cân bằng, lại, lạm phát kỳ vọng sẽ giảm xuống và lãi suất lúc đó đương nhiên sẽ giảm.
Đồng thời với nhiệm vụ giảm mặt bằng lãi suất để tiếp sức cho hàng ngàn doanh nghiệp đang đói vốn, ngành ngân hàng còn được kỳ vọng tạo ra luồng sinh khí mới cho thị trường bất động sản và chứng khoán vừa trải qua một năm thảm bại.
Cụ thể là, mức tăng trưởng tín dụng cao hơn, có thể lên đến 15 – 17% (so với 12% của năm 2011) và không cào bằng giữa các nhà băng sẽ giúp nền kinh tế có thêm vốn để phát triển. Trong đó, riêng đối với thị trường bất động sản, theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, các ngân hàng sẽ được cho vay ở tỷ lệ phù hợp với năng lực tài chính, và sẽ cởi mở hơn với một số đối tượng. Đặc biệt, nhà hoàn thành trong năm 2012, ký túc xá cho sinh viên, nhà trọ cho công nhân hoặc xây dựng lại khu định cư của các thành phố khi giải phóng mặt bằng sẽ không còn thuộc nhóm “phi sản xuất”. Điều này giúp thị trường bất động sản có cơ hội hút vốn, góp phần quan trọng tháo “ngòi nổ” hàng tồn của thị trường lớn này.
Đối với thị trường chứng khoán, ông Bình cho biết, Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp với Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước để sớm đưa ra giải pháp cải thiện tình hình.
Đồng thời, tiếp tục tái cơ cấu hệ thống, tăng cường quản lý thị trường vàng và tỷ giá tiếp tục là trọng tâm hành động của ngành ngân hàng trong năm 2012.
Những thách thức lớn đó, theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, sẽ được ngành ngân hàng dồn lực thực hiện theo tinh thần cải cách quyết liệt, toàn diện, sâu sát để tăng trưởng nhanh, chất lượng và bền vững.
Huy Hào
đầu tư
|