Thuế 2012: Thuận lợi hơn nhưng sẽ “ngặt” hơn
Xu hướng chính sách thuế trong năm 2012 và những năm tiếp theo sẽ như thế nào? Đây là lĩnh vực có khá nhiều thay đổi đáng lưu tâm.
Tạo thuận lợi hơn
Theo bà Võ Hiệp Vân An, Phó phòng Tư vấn thuế thuộc Công ty Deloitte Việt Nam, một trong những điểm thay đổi nổi bật là chính sách thuế đã và đang được điều chỉnh theo hướng hỗ trợ, tạo thuận lợi hơn cho người nộp thuế.
Việc hỗ trợ nhằm giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều biến động như hiện nay. Ví dụ, trong năm 2011 một số biện pháp hỗ trợ đã được triển khai như: giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) năm 2011 cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa hoặc một số đối tượng doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động; miễn, giảm thuế thu nhập cá nhân (TNCN) từ hoạt động đầu tư chứng khoán; góp vốn, mua cổ phần doanh nghiệp; tạm miễn thuế TNCN từ tiền công, tiền lương và kinh doanh ở mức lũy tiến bậc 1... Trước đó, hồi tháng 4-2011 Thủ tướng Chính phủ cũng quyết định giãn thuế năm 2011, theo dự tính, cho khoảng 200.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa với thời gian gia hạn kéo dài đến 31-3-2013.
Đặc biệt, theo bà An, việc tạo thuận lợi cho doanh nghiệp còn thể hiện ở chỗ pháp luật về thuế đang ngày càng được quy định rõ ràng và sát với thực tế hơn. Ví dụ, về thuế TNDN mức chi phí được trừ đối với trợ cấp đồng phục cho người lao động vừa được điều chỉnh tăng lên đến 5 triệu đồng/người/năm. Trợ cấp tiền nhà và học phí bậc phổ thông cho con của chuyên gia nước ngoài - điểm trước đây còn chưa rõ này, thì nay đã được ấn định rõ là khoản chi phí được trừ cho mục đích thuế. Hoặc đối với các khoản thưởng của người lao động, nếu như trước đây doanh nghiệp thường phải khổ sở giải trình về tính chất tiền công, tiền lương thì nay theo quy định mới, việc này sẽ được xử lý linh hoạt, tạo quyền chủ động hơn cho doanh nghiệp.
Nhưng sẽ chặt chẽ hơn!
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng song song với chính sách cởi mở thông thoáng hơn ngành thuế sẽ thực hiện hoạt động thanh tra, kiểm tra gắt gao hơn trong việc chấp hành nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp.
Theo LS. Nguyễn Hữu Phước, Công ty Luật P&P, tăng cường hậu kiểm, tăng chế tài sẽ là một xu hướng trọng tâm của chính sách thuế trong những năm tới. Thông điệp này thể hiện khá rõ trong Dự thảo sửa đổi Luật Quản lý thuế do Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo, với những đề xuất mạnh như trao thẩm quyền cho cơ quan thuế được phép đóng cửa đối với doanh nghiệp vi phạm; được phép tiến hành điều tra, khám xét như một cơ quan điều tra...
Bà Dion Thái, Giám đốc tư vấn thuế của Deloitte, nhận xét trong thời gian gần đây, do sức ép hoàn thành chỉ tiêu ngân sách, các cơ quan thuế có vẻ ít nhượng bộ đối với những vi phạm về thuế cũng như ít linh hoạt trong việc diễn giải các quy định nếu việc diễn giải đó làm giảm nghĩa vụ thuế. Việc truy thu và tính lãi chậm nộp được làm quyết liệt hơn. Đặc biệt, cơ quan thuế ở một số địa phương đã áp dụng quy trình kê khai nộp thuế điện tử trên phạm vi rộng nên các doanh nghiệp chậm nộp tờ khai, chậm nộp thuế sẽ bị hệ thống tính phạt chậm nộp một cách tự động. Theo kế hoạch, đến năm 2020 sẽ có 60-90% doanh nghiệp được áp dụng kê khai thuế điện tử.
Bà Dion Thái lưu ý những doanh nghiệp đang hưởng ưu đãi thuế, đặc biệt doanh nghiệp lỗ liên tiếp trên hai năm sẽ là những đối tượng được cơ quan thuế quan tâm nhiều nhất. Phạm vi thanh tra không chỉ đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài mà còn được mở rộng tới cả các doanh nghiệp nội địa và các giao dịch liên kết trong nước. Chỉ trong chín tháng đầu năm 2011, ngành thuế đã thực hiện thanh tra 585 doanh nghiệp có dấu hiệu chuyển giá, trong đó có 494 doanh nghiệp đã bị xử lý. Kết quả đã giảm lỗ 3.754 tỉ đồng, đồng thời truy thu thuế hơn 978 tỉ đồng, gấp 4 lần so với cùng kỳ năm 2010. Theo chuyên gia này, những vi phạm về chuyển giá thường bị phát hiện như thực hiện các giao dịch mua, bán không tuân theo giá thị trường; trả phí dịch vụ cho bên liên kết nhưng trên thực tế không nhận được dịch vụ...
Ngoài ra, để kiểm soát việc chấp hành nghĩa vụ thuế, các cơ quan quản lý nhà nước đang tiến hành các biện pháp nhằm phối hợp với nhau chặt chẽ hơn. Chẳng hạn việc triển khai xây dựng các quy trình liên thông, liên ngành giữa các cơ quan thuế với các cơ quan hải quan, xuất nhập cảnh, công an, cơ quan cấp phép hoặc tăng cường trao đổi thông tin với các nước khác... Đặc biệt, mới đây Thủ tướng đã có chỉ đạo thành lập tổ công tác liên ngành với sự tham gia của Ngân hàng Nhà nước, Văn phòng Chính phủ cùng các bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công an để nghiên cứu về vấn đề chuyển giá.
Theo các chuyên gia, với những thay đổi đáng chú ý nói trên, doanh nghiệp cần rà soát, cập nhật sự thay đổi để chấp hành đúng nghĩa vụ thuế tránh những rủi ro đáng tiếc có thể xảy ra.
Sẽ gỡ vướng ra sao?
Bên cạnh những thuận lợi, theo các chuyên gia, doanh nghiệp vẫn còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc liên quan đến thuế.
Chẳng hạn, về thuế giá trị gia tăng (GTGT), theo LS. Nguyễn Hữu Phước, Công ty Luật P&P, vướng nhất là việc phân biệt giữa các mức thuế (chủ yếu ở hai mức 5% và 10%) do quy định không rõ ràng. “Thuế GTGT là thuế gián thu, nếu không phân biệt được 10% ghi thành 5% mà bị phát hiện thì doanh nghiệp chỉ có kêu trời vì người tiêu dùng biến mất tiêu rồi, sao đòi lại được!”, ông Phước giải thích. Ông cho biết hai phương án đang được cơ quan quản lý cân nhắc là bỏ bớt mức 5% hoặc vẫn giữ như hiện hành nhưng sẽ quy định phân biệt rạch ròi hơn.
Về thuế thu nhập doanh nghiệp, ông Phước cũng dự đoán mức chi quảng cáo có thể được nới rộng hơn so với mức 10% như quy định hiện nay. Lý do để ông đưa ra dự báo này là vì điều đó phù hợp với thông lệ quốc tế. Hơn nữa, việc này đã được cơ quan ban hành chính sách nhìn nhận khi đã từng cho phép tăng từ 3% lên 5%, 7% và hiện là 10%.
Liên quan đến thuế thu nhập doanh nghiệp, Bộ Tài chính cũng đang xem xét các phương án điều chỉnh theo hướng có lợi cho người nộp thuế như tăng mức chịu thuế lên hoặc tăng thêm nhiều ngạch thuế suất hơn nữa (ví dụ, thay vì 5%, 10%... thì có thể 5%, 7%, 9%, 10%...). Riêng mức giảm trừ gia cảnh, theo ông Phước, khả năng được chấp nhận tăng thêm là rất cao.
Nguyễn Tấn
TBKTSG Online
|