Thứ Tư, 04/01/2012 06:13

Năm 2012 cần giảm 8% số doanh nghiệp khai lỗ

Cần sửa đổi các chính sách hiện hành để hạn chế tình trạng chuyển giá, khai lỗ. Các DN “lỗ” đã rất khéo léo dàn xếp giá cả, chi phí thông qua các kỹ xảo về kế toán.

Sáng 3-1, tại Hội nghị tổng kết công tác thuế năm 2011, ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tài chính, đề nghị TP.HCM đặt chỉ tiêu là phải giảm mạnh 8% số doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) khai báo lỗ trong năm 2012.

“Đại gia” lỗ triền miên

Ông Nguyễn Trọng Hạnh, Phó Cục trưởng Cục Thuế TP.HCM, cho biết đầu năm 2008, vào kỳ báo cáo thuế của năm 2007, số DN FDI khai báo lỗ bỗng gia tăng. Đến hết tháng 6, thống kê xong, kết quả cho thấy có gần 1.300 DN (khoảng 60%) khai báo lỗ.

Đến năm 2009, số DN khai lỗ có giảm, còn 51%, năm 2010 còn gần 1.200 DN, tương đương 48%. Các DN khai lời thì tỉ lệ lời cũng rất thấp so với vốn đầu tư, lời chưa đến… 1%.

Ông Hạnh cho biết một số trường hợp khai lỗ mà Cục Thuế lưu ý. Ví dụ như Công ty Thuốc lá B.A.T năm 2004 doanh thu 1.400 tỉ đồng nhưng vẫn lỗ 55 tỉ đồng; năm 2005 doanh thu 1.200 tỉ đồng, lỗ gần 200 tỉ đồng; năm 2006 doanh thu gần 1.000 tỉ đồng nhưng lỗ gần 250 tỉ đồng; năm 2009 doanh thu gần 700 tỉ đồng, khai lỗ gần 600 tỉ đồng…

Đặc biệt, DN phân phối có thị phần lớn như Metro Cash & Carry cũng khai lỗ liên tục.

Tình trạng khai lỗ thường gặp ở các doanh nghiệp FDI dệt may, da giày…

Càng làm càng lỗ

Ông Hạnh cho rằng tình trạng khai lỗ thường gặp ở các DN FDI dệt may, da giày… Các DN đã rất khéo léo dàn xếp giá cả, chi phí thông qua các kỹ xảo về kế toán.

Sau khi phân tích các hồ sơ khai lỗ, ông Hạnh đúc kết những đặc điểm chung của DN như đơn giá gia công thấp hơn chi phí gia công, giá bán ra thấp hơn giá vốn; DN mua hàng của công ty mẹ ở nước ngoài với giá cao hơn giá thị trường…

Đặc biệt, qua kiểm tra máy móc thiết bị, mặt bằng nhà xưởng, số lượng nhân công… cho thấy năng lực sản xuất, gia công của DN rất thấp. Thế nhưng DN vẫn ký hợp đồng lớn, vượt quá năng lực, sau đó đẩy cho đơn vị khác gia công lại. Bất thường ở chỗ giá thuê gia công lại cao hơn giá mà DN ký hợp đồng gia công với phía nước ngoài. Do đó, thuê gia công lại càng nhiều thì lỗ càng cao. Khi làm việc với Cục Thuế, DN giải trình rằng hợp đồng gia công đã ký có quy định thời hạn giao hàng, nếu giao trễ thì sợ bị phạt, năng lực không làm kịp nên đã thuê gia công lại cho kịp tiến độ (!). Tuy nhiên, qua kiểm tra thì thấy rằng tỉ lệ đưa đi gia công lại rất cao, nhiều trường hợp lên đến 80%, kéo dài trong nhiều năm liền, đây là hiện tượng quá bất thường.

Một đặc điểm bất thường khác là đối tác nước ngoài ứng trước tiền một cách vô tội vạ, vô điều kiện, ký hợp đồng sản xuất, gia công có 1 triệu USD thì ứng luôn 2-3 triệu USD.

Cục Thuế TP.HCM đã làm việc với một số DN. Mới tuần rồi, một DN ngành dệt may là Công ty Orange Fashion đã đến làm việc. DN này 5-6 năm liền khai báo lỗ. DN này đã nhận lỗi điều hành kém khiến DN lỗ liên tục.

Cần mạnh tay

Sau khi xem xét hiện tượng lỗ liên tục ở các DN FDI, Cục Thuế nhận định đây là hiện tượng chuyển giá giữa các DN có mối quan hệ liên kết. Do đó trước mắt, Cục Thuế sẽ kiểm tra, làm việc với các DN về việc khai báo lỗ; đối với một số DN lớn, điển hình thì đề nghị Tổng cục Thuế trực tiếp thanh tra chống chuyển giá.

Theo ông Hạnh, về lâu dài, Nhà nước cần sửa đổi các chính sách hiện hành để hạn chế tình trạng chuyển giá, khai lỗ. Chẳng hạn, Nhà nước sẽ không hoàn thuế giá trị gia tăng đối với trường hợp DN mua - bán, gia công - đặt gia công có quan hệ kinh doanh. Đối với một số ngành nghề như gia công, sản xuất phần mềm, Cục Thuế TP.HCM đề nghị không cho phép DN khai lỗ. Ngoài ra, cũng cần có chính sách đối với trường hợp quan hệ kinh doanh liên kết, sau một thời gian nhất định mà DN không tự điều chỉnh lên thành có lãi hoặc không phát sinh thu nhập sau ba năm hoạt động thì vẫn bắt nộp thuế theo một tỉ lệ nhất định, tùy từng ngành nghề.

Ông Hạnh cho rằng “xã hội đã bỏ ra một khoản lợi ích khi cho phép anh tồn tại ở đây thì anh cũng cần phải đóng góp cho xã hội”, vì vậy lỗ cũng vẫn cứ phải đóng góp.

Ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn cũng đồng tình với kiến nghị của ông Hạnh. Ông Tuấn đề nghị TP.HCM nên giảm 8% số DN khai lỗ trong năm 2012. Năm rồi thành phố có 48% DN khai lỗ thì năm nay cố gắng giảm còn 40%.

Không có giá thị trường để so sánh!

Nhiều sản phẩm không có giá thị trường để so sánh, dẫn đến việc DN khai giá tùy ý, cơ quan thuế thấy bất hợp lý nhưng không bắt bẻ được. Hiện có khoảng 10% DN đang ở thế “độc quyền” một người mua - một người bán.

Ví dụ, Công ty Samsung ở Bắc Ninh khai báo sản phẩm của họ là điện thoại công nghệ cao. Điện thoại mỗi hãng mỗi khác, nếu đem điện thoại Samsung so với giá điện thoại iPhone thì thật khập khiễng. Mà điện thoại của họ thì chỉ có họ sản xuất, họ bán, không có giá khác trên thị trường để so sánh.

Ông Đỗ Hoàng Tuấn Anh, Thứ trưởng Bộ Tài chính

Quỳnh Như

Pháp luật TPHCM

Các tin tức khác

>   Tăng thuế sử dụng đất phi nông nghiệp (03/01/2012)

>   Chất lượng kiểm toán độc lập sẽ gia tăng (30/12/2011)

>   Thu nhập từ lãi tiền gửi sẽ phải chịu thuế (30/12/2011)

>   Miễn, giảm, giãn thuế - mũi tên trúng nhiều đích (30/12/2011)

>   Năm 2012: Nhập khẩu gạo từ Lào được hưởng thuế suất 0% (29/12/2011)

>   Doanh nghiệp “tự bơi” với hóa đơn tự in (29/12/2011)

>   Tăng thuế nhập khẩu một số loại xăng, dầu (28/12/2011)

>   Quyết toán thuế TNCN 2011: Miễn thuế cũng như không (27/12/2011)

>   Nên tiếp tục miễn giảm thuế cho doanh nghiệp (27/12/2011)

>   Đề xuất thành lập cơ quan chống chuyển giá (27/12/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật