Thứ Sáu, 06/01/2012 16:10

Thị trường bán lẻ 2012: Không chỉ nhắm đến sức mua

Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam Phan Thế Ruệ dự báo thị trường bán lẻ Việt Nam năm 2012 tiếp tục chưa có đột biến lớn về quy mô, cũng như tốc độ tăng trưởng.

Sức mua trên thị trường bán lẻ Việt Nam năm 2012 được dự báo vẫn tăng, nhưng sự phát triển của thị trường nói chung vẫn khó có đột biến.

Sức mua “cứu” thị trường

Bộ Công Thương ước tính tổng mức bán lẻ cả năm 2011 đạt 1.994 ngàn tỉ đồng, tăng khoảng 29,3% so với năm trước. Một mức tăng trưởng khá ấn tượng trong điều kiện nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, và việc ưu tiên kiềm chế lạm phát đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất kinh doanh. Thật ra đây là mức tăng đã được dự báo từ trước vì tình hình lạm phát cao - cả năm lên đến 18,13%. Vẫn bộ này dự đoán, trong năm 2012, tổng mức lưu chuyển bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội sẽ tăng khoảng 20% và duy trì tốc độ tăng này trong vòng năm năm tới.

Như vậy kinh tế suy giảm nhưng thị trường bán lẻ năm 2011 vẫn đạt quy mô khá, xấp xỉ 90 tỉ đô la Mỹ, đóng góp 15-16% GDP của cả nước. Lý do chính là quy mô thị trường đã được mở rộng từ những năm trước, nhu cầu tiêu dùng của 87 triệu dân không ngừng tăng trưởng. Sự phát triển mạnh nhất của thị trường bán lẻ Việt Nam nằm ở hình thức bán lẻ hiện đại, với khoảng 600 siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích, khiến cho người tiêu dùng hưởng dịch vụ mua sắm thuận tiện hơn. Bên cạnh đó là sự đa dạng của khoảng 9.000 chợ truyền thống phục vụ nhiều loại đối tượng tiêu dùng. “Các doanh nghiệp bán lẻ đã có bước phát triển nhanh, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường cạnh tranh gay gắt. Nhiều doanh nghiệp đã thiết lập được hệ thống phân phối, bán lẻ rộng khắp, đáp ứng đủ mọi nhu cầu tiêu dùng”, ông Ruệ nói.

Phần lớn doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực phân phối có quy mô nhỏ, vốn ít (55% có vốn dưới 100 triệu đồng), nguồn nhân lực yếu về trình độ, thiếu về số lượng để có thể tổ chức theo hướng hiện đại. Tỷ lệ đầu tư vào lĩnh vực bán lẻ và phân phối chiếm đến 72%. Vì vậy, việc mua bán qua nhiều tầng nấc, chồng chéo là tất yếu. Các hình thức kinh doanh hiện đại hơn như “chuỗi”, nhượng quyền thương mại, sàn giao dịch, mua bán trung gian trên mạng... mới chỉ manh nha.

Song, tác động lớn hơn là sự phát triển của các doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài tại thị trường nội địa đã làm thay đổi diện mạo thị trường từ hình thức đến chất lượng phục vụ. Dù bị hạn chế phát triển (qua thẩm định nhu cầu kinh tế như một dạng giấy phép), tính từ khi mở cửa thị trường ba năm trở lại đây, doanh số của mỗi nhà bán lẻ ngoại vẫn bằng doanh số của nhiều doanh nghiệp Việt Nam cộng lại.

Ông Ruệ cho rằng dù dự báo tốc độ tăng trưởng sức mua trên thị trường bán lẻ năm 2012 vẫn tăng nhưng sự phát triển của thị trường nói chung vẫn khó có đột biến. Tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ càng về cuối năm càng tăng chậm lại (trừ tháng cuối năm tăng theo quy luật). Bộ Công Thương cũng thừa nhận sự tăng trưởng thiếu ổn định và không cao (phần lớn tăng dưới 2%/tháng).

Thay đổi cơ cấu và chuyển hướng phân phối

Báo cáo với Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải thời gian gần đây, lãnh đạo Bộ Công Thương cũng cho rằng tăng trưởng sức mua chỉ là bề nổi đối với sự phát triển của thị trường bán lẻ. Bộ này định hướng năm 2012, vấn đề hàng đầu vẫn là cơ bản hoàn thành quy hoạch và phát triển hệ thống phân phối, đảm bảo cung cầu hàng hóa thiết yếu, và từng bước phát triển hệ thống phân phối hiện đại tại các thành phố và đô thị lớn, trong đó ưu tiên hàng Việt Nam.

Nói khác đi, định hướng đối với thị trường bán lẻ năm 2012 và nhiều năm tới là phát triển bền vững, hỗ trợ hợp lý cho sự phát triển của các doanh nghiệp bán lẻ trong nước trước sự cạnh tranh quyết liệt của các nhà bán lẻ nước ngoài trên thị trường nội địa.

Có điều, với sự theo đuổi quyết liệt và âm thầm của các nhà bán lẻ quốc tế, dường như các nhà bán lẻ trong nước sẽ chật vật nếu không có sự chuẩn bị đường dài thật chắc chắn. Đơn cử, theo TS. Phạm Tất Thắng (Viện Nghiên cứu thương mại, Bộ Công Thương), những năm gần đây cơ cấu thu nhập, chi tiêu và phong cách tiêu dùng của người dân Việt Nam đã có sự thay đổi lớn nhưng việc tổ chức sản xuất, kinh doanh hàng hóa chưa bắt kịp với thay đổi này. Đó là lý do hàng nhập khẩu và nhập lậu chiếm chỗ.

Theo điều tra của viện về cơ cấu dân cư, số người làm ra tiền và quyết định chi tiêu lớn gấp hai lần số người phụ thuộc và hơn 70% tổng số thu nhập được dành cho chi tiêu. 43% sức mua lại tập trung vào số người giàu (chủ yếu dùng hàng nhập khẩu). Còn 40% sức tiêu thụ dành cho 70% dân số ở nông thôn lại cũng chưa thể hướng đến hàng Việt Nam vì thu nhập quá thấp. Do vậy, hàng Việt Nam chưa vươn tới ngưỡng phục vụ người có thu nhập cao đồng thời cũng khó tiếp cận người thu nhập thấp.

Ngoài ra, hệ thống phân phối hàng Việt Nam chưa hợp lý và đủ mạnh. Cho dù nhiều doanh nghiệp chú trọng xây dựng hệ thống phân phối ở thị trường trong nước nhưng con số này còn quá ít so với nhu cầu. Nhất là so với sự chiếm lĩnh quá sâu rộng của hàng Trung Quốc, hàng nhập lậu ở các kênh phân phối truyền thống như các chợ đầu mối lớn. Và các nhà bán lẻ trong nước sẽ phải chọn đối sách nào trước sự hỗ trợ mạnh mẽ của các nhà phân phối nước ngoài cho người sản xuất, ví dụ như Big C hay Metro hỗ trợ nông dân nuôi trồng và tiêu thụ một cách chắc chắn bằng hệ thống siêu thị của họ?

Nói tóm lại, chỉ đến khi nào các nhà quản lý và doanh nghiệp bán lẻ thực sự thay đổi tư duy kinh tế, coi chất lượng và dịch vụ ở thị trường nội địa là yếu tố sống còn thay cho tâm lý hướng đến xuất khẩu như những năm trước thì mới phát triển bền vững và có thể lấy được lòng tin của người tiêu dùng.

Ngọc Lan

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Năm 2011, lợi nhuận trước thuế của Viettel đạt gần 1 tỷ USD (06/01/2012)

>   Phó TGĐ Viettel: Vui, khi a-lô không còn cửa! (06/01/2012)

>   Petrolimex tự quyết giá: Ai sẽ kiềm chế lạm phát? (06/01/2012)

>   Tổng giám đốc Toyota VN: Thị trường ô tô sẽ rất khó khăn (05/01/2012)

>   2012: Đường sắt đặt chỉ tiêu tăng 10% doanh thu (05/01/2012)

>   Vietsovpetro nộp ngân sách và đạt lợi nhuận 3.3 tỷ USD (05/01/2012)

>   Ngành dệt may: Dấu hiệu khó từ đầu năm (05/01/2012)

>   Điện lực TPHCM thoái vốn hàng ngàn tỉ đồng khỏi một dự án (05/01/2012)

>   Vẫn còn tình trạng DN bán giấy phép khai khoáng kiếm lời (05/01/2012)

>   Xăng kém chất lượng: Dân chịu thiệt, nhà quản lý im tiếng (05/01/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật