Thứ Sáu, 06/01/2012 06:19

Petrolimex tự quyết giá: Ai sẽ kiềm chế lạm phát?

Nếu Petrolimex được quyền tự quyết về giá xăng dầu, liệu kịch bản lạm phát của quý I/2011 có lặp lại? Và nguy cơ tan vỡ những cố gắng trong cuộc chiến chống lạm phát sẽ hoàn toàn có thể xảy ra.

Một trường hợp gây tranh luận quyết liệt và thu hút sự chú ý cao độ của dư luận xã hội như Petrolimex, nếu ở các nước tư bản phát triển thì chắc chắn đã được đưa vào danh mục không thể thiếu để thiên hạ cá cược về khả năng tăng giá xăng dầu, chưa kể tác động quá rõ rệt của "chỉ số" này đến CPI và lạm phát. Đó là bởi gần đây, không chỉ giới phân tích mà cả dư luận đang mừng lo lẫn lộn trong việc theo dõi từng động thái của Petrolimex.

Cơ chế được sinh ra để phục vụ cho chính nó!

Vào đầu tháng 12/2011, người dân đã có cơ hội lắng dịu đôi chút tâm trạng căng thẳng khi Petrolimex không tham gia vào danh sách các doanh nghiệp xăng dầu đề nghị tăng giá.

Nhưng năm mới 2012 chỉ mới bắt đầu, trong một hội nghị của ngành công thương, doanh nghiệp này đã nêu ra một kiến nghị bất ngờ với người dân nhưng lại không nằm ngoài dự đoán của giới chuyên môn về "cơ chế chính sách": cho doanh nghiệp xăng dầu có quyền quyết định về mức giá định kỳ trên cơ sở giá cơ bản của Bộ Tài chính, nếu vượt quá giá cơ bản thì Bộ Tài chính sẽ can thiệp.

Những đống lửa nào vẫn còn âm ỉ lớp tro kích nổ thì vẫn có nguy cơ bùng cháy trở lại. Mối lo thường trực của người dân đã có cơ sở để biến thành linh cảm rất xấu: không lúc này thì lúc khác, nhóm lợi ích sẽ không bỏ cuộc và vẫn sẽ tiếp tục theo đuổi lộ trình tăng giá xăng dầu.

Điều có thể giải thích cho việc Petrolimex tỏ ra "nhân đạo" khi không tham gia vào danh sách tăng giá xăng dầu trong thời gian cuối năm 2011, là phía trước ý đồ "lấy thu bù lỗ" vẫn còn rào cản là Bộ Tài chính. Mối quan hệ căng thẳng giữa hai ngành Tài chính và Công Thương trong suốt quý IV/2012 và những tuyên bố kiên quyết của Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ đã làm nhụt chí những người muốn "tái cấu trúc" giá xăng dầu một lần cuối vào tháng 12/2011.

Hơn nữa, bối cảnh để Petrolimex tăng giá xăng dầu cũng không phù hợp vào cuối năm 2011, cho dù chỉ số lạm phát đã giảm dưới mức 1% tại tháng thứ năm liên tiếp.

Hẳn Petrolimex đã có cơ hội thuận lợi hơn nhiều nếu doanh nghiệp này không bị ám ảnh bởi những con số lúc lời lúc lỗ, được xem như "sự tráo trở của phương pháp", của chính mình.

Song đầu năm mới 2012 lại là một bối cảnh khác hẳn. Không khí ấm áp đang đến gần của mùa xuân có thể dễ làm mềm lòng ngay cả những người dân khó tính nhất, cũng như kích thích đức tính "hỉ xả" của cơ quan chức trách. Cũng đã bước qua cái "hạn" của thời điểm 31/12/2011 không thể tăng giá như một tuyên bố của bộ trưởng trước đó.

Một khích lệ lớn khác cho Petrolimex chính là tiền lệ mà người bạn đồng hành của doanh nghiệp này - Tập đoàn điện lực Việt Nam - vừa đã tiên phong thực hiện thành công ngay vào những ngày cuối năm trước, khi giá điện được đẩy lên 5% mà không gặp trở ngại đáng kể nào từ phía dư luận, còn "mẹ đỡ đầu" của là Bộ Công Thương - lại đồng thuận.

Những người am hiểu về "cơ chế chính sách" lại đã một lần nữa phải ngậm ngùi, khi cơ chế được sinh ra để phục vụ cho chính nó.

Con át chủ bài mà EVN tung ra vào sát Tết Dương lịch không phải gì khác, mà chính là Quyết định số 24 của Thủ tướng Chính phủ, cho phép nếu giá điện tăng trong phạm vi 5%, EVN chỉ cần thông báo với Bộ Công Thương và Bộ Tài chính; chỉ khi nào giá điện tăng trên 5% thì Chính phủ mới can thiệp.

Khi Bộ Công Thương đứng ra thuyết minh cho hành động tăng giá điện "hợp pháp" của EVN, người ta đã có thể hình dung ra sự thể rồi sẽ dẫn đến đâu.

Mọi cuộc chiến điều phải có chiến lược, chiến thuật. Nếu chiến thuật của EVN tỏ ra hữu hiệu thì điều đó sẽ trở thành một tiền lệ có hiệu lực cho Petrolimex.

Trong bối cảnh mà ngay cả bộ trưởng Vương Đình Huệ cũng đã "dịu giọng", những gương mặt lãnh đạo của Bộ Công Thương lại liên tục xuất hiện.

Một hình ảnh "PR chính sách" chăng?

Kịch bản lạm phát quý I/2011 có lặp lại?

Với "lộ trình" PR như thế, hiển nhiên Petrolimex đang dần lấy lại "phong độ" của mình, mà bằng chứng sống động nhất là kiến nghị rất tự tự tin về "tự quyết giá" của doanh nghiệp này trong hội nghị ngành công thương được đề cập ở trên.

Đó cũng là một khả năng, dù về thực chất không hợp lý và càng không hợp tình, rằng không loại trừ việc trong tương lai gần, có thể chỉ sau Tết âm lịch 2012 thôi, Petrolimex sẽ được "đặc cách" trao cho một quyết định nào đó gần giống như Quyết định 24 đối với EVN. Khi đó, Petrolimex sẽ hoàn toàn có thể "tự quyết" về những phương án tăng giá xăng dầu, chẳng hạn với mức 5% như EVN, mà chẳng cần phải "đếm xỉa" đến Bộ Tài chính, và tất nhiên chẳng phải lo về sự "can thiệp" của Thủ tướng Chính phủ.

Và nếu khả năng được quyền "tự quyết" trên xảy ra, liệu quý I/2012 sẽ như thế nào? Kịch bản lạm phát của quý I/2011 có lặp lại?

Cần nhắc lại, bằng mô hình tính toán Leontief, một số nhà khoa học Việt Nam đã xác định được tác động của đợt tăng giá xăng dầu các loại ngày 29/3/2011 đã làm cho chỉ số CPI tăng khoảng 1,6%!

Vào thời điểm thật sự căng thẳng như tháng 3/2011, tác động của giá xăng dầu đã có thể chiếm hết phân nửa tỷ lệ tăng CPI. Chính xác hơn, việc tăng giá xăng dầu, hơn bất cứ yếu tố nào khác, là thủ phạm chính tạo nên lạm phát, càng làm cho kinh tế Việt Nam trở nên khó khăn hơn.

Chúng ta có thể nhìn ngược về đầu năm 2011, khi những bà nội trợ kêu trời vì giá thực phẩm và rau quả tăng đến 50% hoặc có mặt hàng tăng gấp đôi chỉ trong vài tháng. Đến tháng 5-6/2011, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã lập mức kỷ lục trên 3%/tháng. Số doanh nghiệp phá sản cao gấp đôi cùng kỳ năm 2010.

Đã chẳng phải dễ dàng gì cho Chính phủ khi phải làm "mọi cách" để kiềm chế tác động trầm kha của chỉ số lạm phát lên đầu người dân đóng thuế. Cũng không phải vô cớ mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, chỉ đạo trong hội nghị ngành công thương gần đây, đã thẳng thừng: "Tôi yêu cầu phải công khai minh bạch giá điện, xăng dầu, tình hình kinh doanh lỗ lãi ra sao, nhưng chắc chắn không được tính vào giá bán đối với các khoản lỗ do đầu tư ngoài ngành" .

Sau cú tăng giá điện bất ngờ và bất thường của EVN, những ngày sắp tới đống lửa lạm phát lại có nguy cơ bùng cháy trở lại từ quan điểm "tăng giá theo cơ chế thị trường" của Bộ Công Thương. Phải chăng hành động "PR chính sách" và tạo điều kiện cho EVN, Petrolimex tự tung tự tác về giá bán điện, xăng dầu của Bộ Công Thương lại có thể "đại diện cho quyền lợi của 84 triệu người dân Việt Nam"?

Liệu những hành động "hợp pháp" như thế có làm tan vỡ những cố gắng của trong cuộc chiến chống lạm phát?

Viết Lê Quân

DIỄN ĐÀN KINH TẾ VIỆT NAM

Các tin tức khác

>   Tổng giám đốc Toyota VN: Thị trường ô tô sẽ rất khó khăn (05/01/2012)

>   2012: Đường sắt đặt chỉ tiêu tăng 10% doanh thu (05/01/2012)

>   Vietsovpetro nộp ngân sách và đạt lợi nhuận 3.3 tỷ USD (05/01/2012)

>   Ngành dệt may: Dấu hiệu khó từ đầu năm (05/01/2012)

>   Điện lực TPHCM thoái vốn hàng ngàn tỉ đồng khỏi một dự án (05/01/2012)

>   Vẫn còn tình trạng DN bán giấy phép khai khoáng kiếm lời (05/01/2012)

>   Xăng kém chất lượng: Dân chịu thiệt, nhà quản lý im tiếng (05/01/2012)

>   Nhiều nhà đầu tư tư nhân muốn xây khách sạn ở TPHCM (04/01/2012)

>   Cấm kháng sinh trong thủy sản: Nửa muốn nửa không (04/01/2012)

>   Dệt may và da giày: Vượt khó về đích ấn tượng (04/01/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật