Thứ Sáu, 27/01/2012 17:25

Sáp nhập ngân hàng: Khi người ta… mới

Ba ngân hàng đã hợp nhất là Ngân hàng Đệ Nhất (Ficombank), Ngân hàng Sài Gòn (SBC) và Ngân hàng Việt Nam Tín Nghĩa (TinNghiaBank), lại là các ngân hàng có tuổi đời vừa tròn “hai mươi xuân”.

Chiếu gần cuối năm âm lịch. Chạy xe tà tà qua đường Duy Tân, con đường vang bóng một thời trong nhạc Phạm Duy xưa, giờ là đường Phạm Ngọc Thạch. Vẫn cây dài bóng mát, vẫn phố cũ hè xưa lá rơi đầy… , nhưng lòng cũng không khỏi bâng khuâng trước những đổi thay. Phía khu vực Nhà văn hóa Thanh niên ở đầu đường, nơi mà các cư dân mạng bình chọn là “khúc đường đẹp nhất Viễn Đông”, chăng đèn kết hoa lộng lẫy. Người xe tấp nập quanh hồ Con Rùa như một luân xa thu nhỏ. Cuối đường, là khu vực văn phòng, nhà cao tầng, một số chi nhánh ngân hàng, Cty chứng khoán, có một trụ sở đang giữa chừng thay áo. Bandroll giăng dài trước cửa nổi bật với dòng chữ xanh trên nền vải trắng: "Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn", cạnh đó là bandroll nhỏ: "Mừng khai trương ngân hàng hợp nhất - Ngân hàng TMCP Sài Gòn ngày 2 tháng 1 năm 2012"... Vẫn còn chính giữa của tòa nhà, trên mặt tường kính quay ra phố, chưa kịp bóc đi là logo của Việt Nam Tín Nghĩa Bank – ngân hàng cũ nay đã là một phần của SCB Bank hợp nhất  - một hình ảnh chuyển giao, đổi thay làm mới tiêu biểu của năm Tân Mão vừa qua.

Hòa trong dòng người xe trẩy hội, loáng thoáng tiếng một “cô nhỏ” miền Nam độ tuổi đôi mươi trò chuyện với bạn: “Hổng biết tới đây có còn ngân hàng nào phải sáp nhập nữa không? Hổng biết họ sẽ làm ăn ra sao ta?”. Âm điệu “rặt” ngây thơ của tuổi mới lớn nhưng suy nghĩ thì già dặn khiến không khỏi giật mình. Điều đó cũng chứng tỏ sự quan tâm  của giới trẻ đến thời sự ngành ngân hàng – lĩnh vực tưởng như không mấy liên quan tới các thế hệ teens. Trong khi thế hệ trẻ đổ xô vào các ngành học kinh tế, tài chính, thì dường như hệ thống tài chính đang bỏ qua đối tượng này, trong cung cấp thông tin cũng như dịch vụ. Một khoảng trống mà độ 40 ngân hàng thương mại VN, và tổng số hơn 100 tổ chức tín dụng bao gồm cả các quỹ tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại VN đang để ngỏ. Mà những đối tượng ấy lại là những chủ nhân tương lai của đất nước, chiếm 2/3 dân số vàng của VN.

Lại nói chuyện thắc mắc, băn khoăn của những người trẻ. Trẻ thì không ngại thay đổi, và trẻ cũng dễ mắc lỗi lầm. Hầu hết các ngân hàng quốc doanh VN không còn trẻ nếu so với lịch sử nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, nhưng ba ngân hàng đã hợp nhất là Ngân hàng Đệ Nhất (Ficombank), Ngân hàng Sài Gòn (SBC) và Ngân hàng Việt Nam Tín Nghĩa (TinNghiaBank), lại là các ngân hàng có tuổi đời vừa tròn “hai mươi xuân” (Riêng Ficombank có lịch sử hình thành 19 năm). Sự kết hợp giữa những “người trẻ” liệu có thể “cơm lành, canh ngọt” khi mục tiêu kết hợp liên quan đến vốn liếng, tiền bạc, gắn liền với lợi ích của nhóm và của các cá nhân chèo lái ba con thuyền chao đảo được ghép lại để khỏi tròng trành? Một chuyên gia khẳng định rằng thắc mắc, băn khoăn này sẽ là thừa khi việc hợp nhất của ba ngân hàng đã diễn ra khá gọn lẹ, có NHNN làm “bà đỡ” mát tay, được một định chế tài chính quốc doanh dày dạn kinh nghiệm “chống lưng” không chỉ về vốn liếng, tiền bạc mà còn cả kinh nghiệm quản trị, kế hoạch tái cấu trúc… Có lẽ, chẳng cần băn khoăn về cuộc “góp gạo thổi cơm chung” này bởi tuy chưa có tiền lệ nhưng “đường ray” đã sẵn, vấn đề chỉ còn là tiến lên hay giẫm chân tại chỗ.

Tuy nhiên, còn một áp lực khác cũng rất gần kề với tất cả các ngân hàng thương mại đang được “chỉnh huấn”, là tới đây họ phải chia sẻ thị phần, chịu sự cạnh tranh với hàng loạt ngân hàng 100% vốn ngoại, khi từ 2012, VN phải mở cửa thị trường tài chính toàn phần theo cam kết WTO. Năm 2012 đã bắt đầu, và có vẻ nỗi âu đó vẫn là quá sớm. Với việc hợp nhất ba ngân hàng thành một ngân hàng, NHNN đã trình diễn kỹ năng “kiểm soát” huyết mạch chính của nền kinh tế trước thời điểm nhạy cảm. Mở cửa sẽ là động thái cần thiết để tạo môi trường và thêm áp lực buộc mọi thứ phải minh bạch trên thị trường tài chính, nơi mà hẳn phải còn rất lâu “sân chơi” mới trở nên “phẳng” và không phải ai cũng có thể vượt qua các  rào cản kỹ thuật đúng luật.

Cùng trên một con đường, những ký ức, hoài niệm cũ sẽ dần mất đi để nhường chỗ cho những cái mới đang bắt đầu, dù mờ mở nhân ảnh hay sống động. Đứng trước cái mới, nhiều người thường nghi ngại. Nhưng nếu cứ nghi ngại và chùn bước, thì trên con đường sẽ không bao giờ có cái mới. Đôi khi cái mới rất nhanh chóng trở thành cái cũ, hoặc do chỉ là cái mới gượng ép nên chưa đủ sức bước vào chu kỳ mới, hoặc do chỉ là… “bình mới”, nhưng dẫu sao mỗi tín hiệu đổi thay cũng cho phép khơi dậy những hi vọng và tin tưởng. Như những hàng cây trên con đường nổi tiếng nhiều cây xanh của Sài Gòn đang đồng loạt trút áo cũ, nhú những mầm non cho mùa xuân chầm chậm đến…

Lê Mỹ

diễn đàn doanh nghiệp

Các tin tức khác

>   Ngân hàng đau đầu với “rủi ro đạo đức” (27/01/2012)

>   Tín hiệu tích cực trên thị trường ngoại hối Tết Nhâm Thìn (27/01/2012)

>   TS Vũ Viết Ngoạn: Mặt bằng lãi suất năm 2012 cần giảm 4 - 5% (27/01/2012)

>   Tín hiệu tích cực từ tỷ giá (27/01/2012)

>   Không thể có lãi suất huy động khủng 6% - 7% một tháng (25/01/2012)

>   Ngân hàng tái cấu trúc và nguồn lực “ngoại đạo” (25/01/2012)

>   ATM đã “nhả” tiền mặt gấp 4 lần trong tháng Tết (23/01/2012)

>   Mất ăn tết vì 'dính chưởng' ATM liên ngân hàng (22/01/2012)

>   Ngân hàng Nhà nước sẽ làm gì trong năm 2012? (22/01/2012)

>   Tổ chức các bộ phận mua bán ngoại tệ dịp Tết Nguyên đán (20/01/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật