'Rồng Trung Quốc gặp hạn' trong năm xung Nhâm thìn (kỳ 1)?
Báo Trung Quốc China Daily khảo sát về triển vọng phát triển của Bắc Kinh trong năm tới với sự tham gia của hàng loạt các chuyên gia kinh tế kỳ cựu.
Năm nay, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc phải gặp không ít khó khăn, thách thức khi phải “căng não” để tìm biện pháp kiềm chế lạm phát và chiến đấu với sự leo thang của giá cả trong nước sao cho không tác động tiêu cực đến nền kinh tế hoặc không khiến nền kinh tế suy giảm đột ngột.
Tuy nhiên, theo khảo sát của tờ China Daily thì 2012 hứa hẹn nhiều cam go hơn đối với con rồng châu Á. Nguyên nhân là phần lớn các chuyên gia kinh tế tham gia khảo sát - những người “cầm trịch” nền kinh tế Trung Quốc dù đưa ra nhiều quan điểm khác nhau về triển vọng phát triển của đất nước song đều gặp nhau ở một điểm chung khi thừa nhận khả năng Bắc Kinh sẽ tăng trưởng chậm lại vào năm sau.
Thậm chí, theo một bộ phận các chuyên gia này, nếu không có các biện pháp ứng phó đúng đắn, kịp thời và hiệu quả thì rất có thể một cuộc suy thoái kinh tế trầm trọng đang chờ đợi Bắc Kinh ở tương lai gần.
“Trung Quốc có nguy cơ lâm vào thời kỳ suy thoái kinh tế trầm trọng nếu các nền kinh tế thuộc Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ không chỉ ra các dấu hiệu phục hồi mà tiếp tục đà lao dốc và viễn cảnh thị trường bất động sản trong nước vẫn bị bao trùm bởi sự ảm đảm”, một nhà kinh tế cảnh báo.
Ngoài vấn đề tăng trưởng, trong năm 2012, Trung Quốc còn phải đối mặt với nhiều vấn đề hệ trọng và bức bối không kém như tái định giá tiền tệ, khả năng vỡ nợ của chính quyền địa phương, các vấn đề của thị trường tài chính yếu kém và áp lực giảm lượng khí thải carbon.
Tất cả những vấn đề trên đều không hề đơn giản để giải quyết và chắc chắn sẽ khiến các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc "vật vã" khi vừa phải lo giải bài toán tăng trưởng vừa phải tìm các biện pháp hữu hiệu để “trị” những vấn đề trên.
Dưới đây là 10 câu hỏi khảo sát mà "báo nhà" China Daily vừa tiến hành khảo sát với sự tham gia của hàng loạt chuyên gia kinh tế hàng đầu.
1. Phải chăng Trung Quốc sẽ phải đối mặt với thời kỳ suy thoái kinh tế trong năm tới?
“Trung quốc có khả năng đối mặt với những khó khăn kinh tế nếu như nền kinh tế của các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu và Mỹ tiếp tục lao dốc và sự điều chỉnh quá vội vã của Chính phủ nước này đối với thị trương bất động sản. Tuy nhiên, khả năng này không cao lắm khi tiêu dùng, nhân tố thúc đẩy nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng vẫn còn mạnh”, Ardo Hansson, chuyên gia kinh tế hàng đầu chuyên nghiên cứu về nền kinh tế Trung Quốc tại Ngân hàng Thế giới nhấn mạnh.
Ngoài ra, ông Ardo còn tiết lộ thêm rằng Ngân hàng Thế giới hạ thấp dự đoán tăng tưởng GDP của Trung Quốc trong năm 2012 xuống còn 8,4% vào năm sau dựa trên việc đánh giá tác động của khủng hoảng nợ công ở châu Âu đối với nền kinh tế thứ hai thế giới.
Ngân hàng thế giới cũng ước tính rằng các áp lực liên quan đến tình trạng lạm pháp của Trung Quốc trong năm tới sẽ còn gia tăng khi dự đoán chỉ số giá tiêu dùng của nước này sẽ chốt ở mức 5,3% năm nay và đạt 4,1% vào năm tới.
Trong khi đó, phó Tổng giám đốc của trung tâm phân tích, giám sát nền kinh tế Trung Quốc thuộc cục Thống kê quốc gia Pan Jiancheng lại chia sẻ một quan điểm lạc quan: “Tôi không tin trong năm tới Trung Quốc sẽ phải đương đầu với bất cứ khó khăn trầm trọng nào bởi sự tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế là kết quả điều chỉnh tích cực của Chính phủ đấy chứ. Lý do là chúng ta cần đặt mục tiêu tăng trưởng thực chất chứ không phải chạy theo sự tăng trưởng quá chú trọng đến tốc độ”, ông Pan Jiancheng lý giải.
Ngoài ra, ông Pan Jiancheng cũng cho biết hai trong ba động lực thúc đẩy nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng là đầu tư và tiêu dùng không hề chỉ ra dấu hiệu suy giảm mạnh vào năm sau và kỳ vọng động lực thứ 3 là xuất khẩu cũng giữ được sự ổn định.
2. Vậy lạm phát có tiếp tục giảm trong năm tới hay không?
Phát ngôn viên của Cục Thống kê Nhà nước Sheng Laiyun trả lời: “Áp lực lạm phát của Trung Quốc có thể tiếp tục giảm trong tháng cuối năm nay nhờ giá thực phẩm trong nước cũng như giá cả hàng hóa thế giới giảm. Tuy nhiên, trong năm 2012 giá tiêu dùng nội địa có thể tăng trở lại do lương công nhân và giá năng lượng tăng lên. Do đó, Trung quốc có khả năng bước vào thời kỳ lạm phát vừa phải kéo dài. Đây là giai đoạn không thể tránh khỏi trong quá trình công nghiệp hóa của Trung Quốc.
Ngoài ra, ông Sheng Laiyun cũng cảnh báo nếu các nền kinh tế phát triển như Mỹ tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ để kích thích sự phục hồi của nền kinh tế đẩy giá cả hàng hóa leo thang thì lạm phát sẽ có thêm điều kiện để tăng thêm.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế hàng đầu của Tập đoàn China International Capital Corp tại Bắc Kinh lại nhấn mạnh: “ Với chiến lược hạ nhiệt tăng trưởng kinh tế mà cụ thể là duy trì tốc độ tăng trưởng GDP ở mức hơn 8% có thể là nhiệm vụ hàng đầu của Chính phủ trong năm 2012, lạm phát của Trung Quốc được trông đợi sẽ giảm 3%”.
3. Vậy dự đoán về sự sụp đổ của thị trường bất động sản trong năm tới thì sao?
“Nếu từ “sụp đổ” là để ám chỉ sự phá sản của một số nhà đầu tư bất động sản thì tôi tin rằng đây là điều nên xảy ra ở một số vùng mà giá bất động sản tăng chóng mặt và có dấu hiệu của việc đầu cơ trong những năm qua. Sự “sụp đổ” như vậy là cần thiết và có lợi cho sự phát triển dài hạn không chỉ ở lĩnh vực bất động sản mà còn cho toàn bộ nền kinh tế Trung Quốc”, Giám đốc Trung tâm Hợp tác quốc tế Wang Haifeng, Giám đốc Trung tâm Hợp tác quốc tế trực thuộc Ủy ban Phát triển và Cải cách Nhà nước Trung Quốc cho hay.
“Tôi không tin thị trường bất động sản của Trung Quốc sẽ sụp đổ vào năm sau. Sự yếu kém của thị trường bất động sản nhìn chung đang được Chính phủ dần khắc phục nhờ các biện pháp siết chặt thị trường bao gồm điều tiết giá cả lẫn các hoạt động mua bán bất động sản và các hạn chế trong việc mua bán, sỡ hữu bất động sản”, Wang Tao, trưởng nhóm nghiên cứu kinh tế thuộc Công ty môi giới chứng khoán UBS Securities Co Ltd có trụ sở tại Bắc Kinh chia sẻ.
“Kết quả là, các hoạt động mua bán và giá cả bất động sản khá ổn định chỉ một năm sau khi áp dụng các biện pháp siết chặt. Ngoài ra, Chính phủ Trung Quốc cũng đang nỗ lực hoàn thành mục tiêu đầy tham vọng là xây dựng 10 triệu nhà ở xã hội trong giai đoạn 2011-2012, một trong những biện pháp hữu hiệu để điều chính và kiểm soát thị trường bất động sản”, ông Wang kết luận.
4. Có phải năm 2012 Trung Quốc sẽ đối mặt với thâm hụt thương mại?
“Do tác động và ảnh hưởng khó lường của khủng hoảng nợ công ở Mỹ và châu Âu, chúng ta không loại trừ khả năng ấy. Lý do là khi nền kinh tế phương Tây lâm vào cảnh khốn đốn thì nhu cầu đối với hàng hóa của Trung Quốc cũng giảm đẩy kim ngạch xuất khẩu giảm theo. Bằng chứng là các đơn hàng từ châu Âu đã giảm mạnh trong Hội chợ Canton lần thứ 110 hồi tháng 10 vừa qua”, Wei Jianguo, cựu Thứ trưởng Bộ thương mại Trung Quốc nhấn mạnh.
Tuy nhiên, bác quan điểm của ông Jianggua, Giám đốc Học viện Hợp tác Kinh tế và Thương mại Quốc tế trực thuộc Bộ Thượng Mại Trung Quốc Huo Jianguo cho rằng:
“Tôi không nghĩ có bất cứ dấu hiệu hay khả năng nào cho thấy Trung Quốc sẽ rơi vào thâm hụt thương mại trong năm 2012 hoặc thậm chí vài năm tới. Dù kim nghạch xuất khẩu của Trung Quốc trong vài tháng qua có sự giảm sút và xu hướng này có thể tiếp tục kéo dài, chúng ta không nên quá bi quan về viễn cảnh xuất khẩu”.
Đưa ra lý giải cho lập luận trên, ông Huo nhấn mạnh rằng: “Dù không có dấu hiệu tăng lên song nhu cầu của các quốc gia phát triển bao gồm Mỹ lẫn châu Âu đối với hàng hóa Trung Quốc vẫn còn đó. Hơn nữa, Trung Quốc cũng đang thực hiện chiến lược đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang thị trường các nước đang có nhu cầu lớn như Brazil, Nga và châu Phi. Từ những lý do trên, tôi lạc quan tin rằng năm 2012, kim nghạch xuất khẩu sẽ vẫn duy trì ở mức hai con số và thặng dư thương mại của Trung Quốc sẽ thu hẹp xung quanh con số 120 tỷ USD”.
5. Liệu đồng nhân dân của Trung Quốc có thể quốc tế hóa hơn trong năm tới?
“Quốc tế hóa đồng nhân dân tệ có thể giúp Trung Quốc điều chỉnh khoản dự trữ ngoại hối kếch xù, trong đó, phần lớn là USD. Ngoài ra, quốc tế hóa đồng nhân dân tệ cũng giúp nâng cao vai trò của Trung Quốc trong lĩnh vực đầu tư và thương mại quốc tế, giúp đẩy mạnh xuất khẩu, giảm thặng dư thương mại, từ đó, nâng cao khả năng cạnh tranh cho các doanh nghiệp trong nước nói riêng và cả quốc gia nói chung”, Shen Jianguang, chuyên gia kinh tế cấp cao của công ty chứng khoán Mizuho thuộc tập đoàn tài chính Mizuho nhấn mạnh.
Lê Dung (theo Xinhuanet)
đất việt
|