Ông Cao Sĩ Kiêm: Lãi suất vẫn là bài toán khó trong năm 2012
Sự an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng trong thời gian vừa qua đóng vai trò quyết định làm ổn định hệ thống tài chính. Năm 2012, vấn đề lãi suất tiền gửi và cách thức quản lý cần tiếp tục được theo dõi sát sao. Đại Đoàn Kết đã có cuộc trao đổi với nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Cao Sĩ Kiêm xung quanh vấn đề này.
|
Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Cao Sĩ Kiêm |
Nền kinh tế 2011 đã cán đích có nhiều thành công trong bối cảnh nhiều khó khăn thách thức từ diễn biến bất lợi của kinh tế thế giới và trong nước. Tuy nhiên phần lớn các doanh nghiệp vẫn đề xuất nguyện vọng, cần có một biện pháp tích cực để kéo lãi suất giảm trong năm 2012. Ông bình luận như thế nào?
Trong thời gian qua, tín dụng ngân hàng trở thành nguồn vốn quan trọng cho hệ thống doanh nghiệp và nền kinh tế. Vấn đề lãi suất vẫn luôn là vấn đề lớn và có nhiều mâu thuẫn.
Hiện lãi suất so với nền kinh tế, so với sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp là quá cao, doanh nghiệp không chịu nổi. Nếu tình hình còn kéo dài thêm 5 - 6 tháng nữa thì hàng loạt doanh nghiệp sẽ phá sản, hoặc là đình trệ, không chỉ dừng lại ở gần 49.000 doanh nghiệp như thống kê. Mong muốn giảm lãi suất không phải là nguyện vọng của riêng doanh nghiệp mà của chung cả nền kinh tế. Tuy nhiên giảm ở mức nào, giảm về mốc nào mới là điều đáng bàn. Lãi suất vẫn là bài toán khó của năm 2012. Thứ nhất, bối cảnh chung của nền kinh tế Việt Nam là lạm phát vẫn ở mức cao, đấy là chưa nói đến khả năng bùng lạm phát có thể quay trở lại. Từ điều này dẫn đến căn nguyên thứ hai, là chúng ta không thể hô hào giảm lãi suất vô điều kiện. Nếu cứ ép vào khuôn để giảm lãi suất sẽ gây ra hiện tượng lách luật. Doanh nghiệp lại càng khó tiếp cận với vốn ngân hàng.
Vậy ông đánh giá như thế nào về tính khả thi của thông điệp giảm lãi suất huy động về 10% vào cuối năm nay do chính Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đưa ra bên lề hội nghị giữa Chính phủ với các địa phương?
Tôi cho rằng đây là mục tiêu khó nhưng khó cũng phải làm, khó cũng phải xử lý. Mục đích lớn nhất của nền kinh tế năm 2012 là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Muốn thế trước hết chúng ta phải ổn định sản xuất, cứu được sản xuất. Có nghĩa là phải đưa lãi suất về mức hợp lý, chứ nếu như hiện nay lãi suất huy động là 14%, lãi suất cho vay là 16 -18% thì không cứu được sản xuất.
Thêm nữa tiền đề giảm lãi suất chúng ta đã có. Lạm phát 3 tháng cuối năm 2011 đã hạ nhiệt; NHNN vẫn đang quán triệt cách điều hành bóp chặt tiền tệ tín dụng. Lạm phát gắn với vòng quay của tiền và hàng. Một khi cố định được yếu tố tiền, đồng thời mở rộng thị trường nội địa, tạo nguồn hàng hóa dồi dào thì tạo điều kiện giảm lạm phát. Do vậy, lạm phát sang năm dưới 10% là có thể được.
Nhiều chuyên gia cho rằng, nên sớm bỏ trần lãi suất huy động và Thống đốc NHNN trước khi nhậm chức cũng cho rằng không nên duy trì trần lãi suất quá lâu. Vậy theo ông tại sao thời điểm này vẫn chưa bỏ được trần lãi suất huy động? Cản trở của việc này là gì?
Tôi cho rằng nên bỏ sớm trần lãi suất huy động bởi nó chỉ phù hợp với giai đoạn trước. Nay nếu chúng ta để tình trạng này tồn tại lâu sẽ gây ra 2 hậu quả. Khống chế gốc lãi suất huy động sẽ làm cho người dân không mặn mà với gửi tiền vào ngân hàng, người dân chịu thiệt. Còn phía sản xuất thì các ngân hàng lại đưa ra phép thỏa thuận. Doanh nghiệp muốn vay phải đàm phán, thỏa thuận với ngân hàng. Doanh nghiệp ở thế bị động, dù biết là lãi suất quá cao, phí quá lớn nhưng không thể không vay. Việc cần thiết bây giờ là phải khống chế lãi suất cho vay.
Thời gian qua mặc dù công bố lãi suất cho vay đã hạ nhưng trên thực tế vẫn rất cao. Theo ông tại sao không kiểm soát được lãi suất cho vay?
Có lẽ là còn nhiều lấn cấn. Trước đây một số ngân hàng yếu kém đưa ra lý do họ phải cho vay cao để bù các chi phí nhưng như thế thì không công bằng, thiệt cho doanh nghiệp. Nếu để như thế là "thùng không đáy”. Trong năm 2012, phải thay đổi hẳn tư duy này của ngân hàng.
Xin cảm ơn ông!
Thúy Hằng (thực hiện)
Đại Đoàn Kết
|