Thứ Tư, 04/01/2012 09:35

Nguyên tắc cho hệ thống ngân hàng tương lai

Nền kinh tế đang gặp nhiều biến động, tâm lý người dân chưa sẵn sàng cho việc ngân hàng phá sản, chúng ta không thể có những biện pháp gây sốc cho thị trường.

Tuy nhiên, trong tương lai, cần thiết kế cấu trúc một hệ thống tài chính đảm bảo an toàn, lành mạnh theo nguyên tắc thị trường, làm tốt vai trò điều tiết, phân bổ nguồn lực xã hội. Muốn làm được điều này, cần để cho các tổ chức tài chính hoạt động theo nguyên lý thị trường.

Người dân và xã hội hiểu rằng, tổ chức tín dụng cũng là một doanh nghiệp (DN), mà đã là DN thì phải hoạt động theo cơ chế thị trường và nếu hoạt động không tốt sẽ bị thị trường đào thải.

Tới đây, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, nhưng chúng ta sẽ không thiên về tăng cường quản lý của nhà nước hay ngả theo hướng tạo ra cho các ngân hàng (NH) hoạt động theo nguyên tắc của thị trường. Cả hai đều cần phải tăng cường, bởi đó là hai vấn đề chúng ta yếu kém.

Hiện nay, các NHTM nói riêng và các tổ chức tín dụng nói chung nếu không hoạt động theo nguyên tắc, quy luật của thị trường, không đảm bảo được tính cạnh tranh, tính minh bạch thì một ngày nào đó, nó sẽ lại tiếp tục. Trước đây các ngân hàng báo cáo lãi rất nhiều, bây giờ thì nhiều NH lỗ vốn và thâm hụt thanh khoản, không cân đối được...

Điều đó cho thấy, thị trường đã tự điều tiết, NH nào tốt, NH nào xấu đã bộc lộ và Nhà nước đã có những xử lý hệ thống, phía cơ quan giám sát cũng đã có biện pháp xử lý.

Tuy nhiên, rủi ro phát sinh ở khía cạnh, các tổ chức tín dụng cho vay các công ty, DN có liên quan trực tiếp với NH rất nhiều. Các DN này sử dụng vốn của NH đầu tư bất động sản, đầu tư chứng khoán một lượng khá lớn. Khi hai thị trường này sụp đổ đã làm tăng nợ xấu. Đó là nguyên nhân lớn của vấn đề.

Đứng ở góc độ Nhà nước, chúng ta cũng chưa hình thành được hệ thống quy chuẩn an toàn để dẫn dắt điều chỉnh các tổ chức tín dụng trong hành lang đó.

Quy chuẩn an toàn chưa có hoặc có nhưng chưa đầy đủ, và ngay cả khi đã có rồi, chúng ta áp dụng chưa quyết liệt. Tới đây, chúng ta cần tăng cường vai trò Nhà nước ở khâu giám sát, bởi vấn đề này không phải chỉ mới phát sinh trong vòng một năm mà nó phát sinh từ lâu, ngấm ngầm và tích tụ.

Trong các tập đoàn có các công ty tài chính chuyên cho vay nội bộ và các tập đoàn tài chính cũng thế. Ngân hàng sinh ra các công ty chứng khoán, công ty tài chính, công ty bảo hiểm và ngược lại, công ty bảo hiểm cũng hình thành các NHTM.

Nhưng chúng ta chưa có quy định về mối quan hệ nội bộ này như thế nào và đến đâu. Khi mối quan hệ nội bộ này phát sinh ra rồi, chúng ta cũng không giám sát theo dõi mức độ rủi ro tiềm ẩn để có biện pháp ngăn chặn kịp thời. Điều đó cho thấy, khâu giám sát còn hạn chế.

Một điểm nữa, hiện nay, các công ty chứng khoán có nhiều hoạt động dịch vụ mang tính chất ngân hàng. Các công ty chứng khoán này ứng vốn cho khách hàng của mình như một hình thức tín dụng. 80% lượng vốn ứng cho các DN hiện nay là xuất phát từ nguồn vốn của NH.

Cho nên các NH có nợ xấu hiện nay một phần chính là ở chứng khoán mà chứng khoán không phải do NH đứng ra cho vay mà do NH chuyển vốn qua các công ty chứng khoán để đến tay các nhà đầu tư.

Hệ thống giám sát của chúng ta chưa làm được đến đó. Vì vậy, vai trò của nhà nước là vừa quản lý, vừa tăng cường giám sát, vừa tăng cường hệ thống quy chuẩn an toàn. Còn các NHTM, các tổ chức tín dụng nói chung vẫn phải đặt nó trong một môi trường cạnh tranh, hoạt động lành mạnh.

Trước đây chúng ta đã từng tái cơ cấu thành công, xử lý được nợ xấu của các NH, thiết lập được một số cơ chế tài chính an toàn, cho phép cơ chế tài chính là các NH được thiết lập hệ thống phòng ngừa rủi ro.

Cũng nhờ hệ thống thiết lập hệ thống phòng ngừa rủi ro này mà chi phí tài chính xử lý nợ xấu hiện nay không tổn thất lớn như trước đây, ít nhất xét về mặt tỷ lệ. Đó là những cái được.

Tuy nhiên, những cái mà chúng ta đang hình thành từ năm 2000 đến nay, về mặt quy chuẩn an toàn thì chưa đến độ và bây giờ nó lại phát sinh.

Vì vậy, hệ thống NH trong tương lai phải được xây dựng dựa trên 4 nguyên tắc cơ bản: Thứ nhất, phải đảm bảo được các định chế tài chính hoạt động theo nguyên lý thị trường, hoạt động trong môi trường cạnh tranh lành mạnh, công khai, minh bạch.

Thứ hai, phải xây dựng được hệ thống quy chế để ngăn chặn đầu tư mạo hiểm vượt quá khả năng kiểm soát của từng định chế.

Thứ ba, xây dựng được một quy chuẩn để quản trị DN và yêu cầu mỗi định chế tài chính phải thiết lập một hệ thống quản trị, giám sát rủi ro nội bộ hữu hiệu, có thể tự lường trước và tự xử lý những rủi ro phát sinh trong nội bộ.

Thứ tư, phải thiết kế được một hệ thống giám sát tài chính quốc gia đủ mạnh để bảo vệ người gửi tiền. Hệ thống giám sát này phải đủ năng lực giám sát các hoạt động hợp nhất của thị trường NH, chứng khoán và thị trường bảo hiểm, đủ khả năng để phát hiện sớm, ngăn ngừa các rủi ro chéo phát sinh trên thị trường.

Vũ Viết Ngoạn - Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia (Trình Tiêu ghi)

Doanh nhân Sài Gòn

Các tin tức khác

>   Làn sóng ngân hàng thay tướng (04/01/2012)

>   Không để tiết kiệm quốc gia đổ vào đầu cơ (04/01/2012)

>   Điều hành tỷ giá đã có nghề! (03/01/2012)

>   Năm mới nói chuyện cũ: Khó giảm lãi suất (03/01/2012)

>   Ngân hàng hợp nhất khai trương (02/01/2012)

>   Trọng tâm là giảm mặt bằng lãi suất (02/01/2012)

>   Huy động khu vực tư nhân tham gia cơ cấu ngân hàng (01/01/2012)

>   Kiểm soát tình trạng “nhất thân, nhì quen” trong ngân hàng (31/12/2011)

>   Ngân hàng 'chê' vàng (30/12/2011)

>   Thống đốc và gánh nặng 'ném chuột không được vỡ bình' (30/12/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật