Ngẫm… khát vọng Rồng
Thời gian lặng lẽ trôi theo dòng lịch sử nhưng nặng trĩu những đo đếm trong ta khi ngẫm về sự phát triển của đất nước... Dẫu cho "mọi so sánh đều khập khiễng". Tương lai chờ gì ở chúng ta? Một con rồng mới với sức mạnh cuồn cuộn của sự khao khát cạnh tranh trên bầu trời bao la của thế giới hay một dáng vẻ nhọc nhằn, loay hoay mãi không thoát khỏi "bẫy thu nhập trung bình thấp"?
|
1 . Một phần tư thế kỷ kể từ Đổi Mới! Đất nước thay đổi nhiều sau hai cuộc chiến ba mươi năm trường kỳ và một cuộc thử nghiệm kinh tế tập trung bao cấp mười năm kiệt quệ. Cái được là khá nhiều khi so với chính chúng ta trước đó, nhưng không được cũng là rất lớn khi so sánh với các nước có cùng điều kiện và hoàn cảnh quanh ta. Khoảng thời gian ấy đủ để Nhật Bản từ trên đống tro tàn của kẻ chiến bại trong Thế chiến thứ Hai trở thành cường quốc kinh tế số hai trên thế giới; Hàn Quốc vượt lên nỗi đau chia cắt, trở thành một trong 12 nền kinh tế lớn thuộc nhóm OECD; Vùng tô nhượng Hồng Kông, vùng lãnh thổ Đài Loan như những con rồng cất cánh; và Singapore, đảo quốc sư tử với diện tích không đủ cho một vòng lượn máy bay, nước ngọt phải nhập khẩu, dân số dăm triệu người trở thành một nền kinh tế năng động và giàu sức cạnh tranh bậc nhất thế giới. Nhìn lại lịch sử để luyện mình: luôn cần thiết! Nhưng nhìn quanh bạn bè, nhìn ra thế giới để biết mình đang ở đâu: còn cần thiết hơn nhiều! 25 năm đã là một chặng đường dài, quá dài nếu chỉ để đưa đất nước từ cảnh nghèo đói sang thu nhập trung bình thấp với 1000 USD đầu người hàng năm. Tương lai chờ gì ở chúng ta? Một con rồng mới với sức mạnh cuồn cuộn của sự khao khát cạnh tranh trên bầu trời bao la của thế giới hay một dáng vẻ nhọc nhằn, loay hoay mãi không thoát khỏi " bẫy thu nhập trung bình thấp"?
2 . 10 năm ký BTA với Hoa Kỳ, 5 năm gia nhập WTO. Từ ao làng cô quạnh, con thuyền kinh tế Việt Nam đã xuôi ra biển lớn. Gió to, sóng cả: đã quen dần. Tôm cá biển khơi: đã đánh bắt được. Nhưng cũng như những chiếc thuyền nhỏ bé của người dân miền biển hiện nay chỉ đủ điều kiện để cho một chuyến đi biển năm bảy ngày, lại phải vào bờ vì không có hệ thống tiếp dầu, lương thực, nước uống, tổ chức tiêu thụ trên biển, nền kinh tế Việt Nam chủ yếu vẫn là phép cộng của các ngành kinh tế rời rạc, nhỏ bé, thiếu liên kết, ăn đong, trồi sụt theo từng cơn sóng nhỏ của biến động kinh tế thế giới. Chúng ta không có những ngành kinh tế, những tập đoàn lớn, như những con tàu to với máy móc và ngư cụ hiện đại, dọc ngang đánh bắt trên đại dương hàng tháng hoặc hàng nửa năm trời, vào ra hàng chục thương cảng trên thế giới. Không có, do đó nguồn nhân lực của chúng ta buộc phải đi làm thuê trên các con tàu đó, cũng giống như nền kinh tế của chúng ta chủ yếu vẫn phải gia công giá rẻ dài ngày cho các đại gia trong các ngành dệt may, giày dép, điện tử… Một nền kinh tế chưa phát triển được theo chiều sâu cũng giống như một phương thức đánh bắt cũ kỹ, lạc hậu, lãng phí, tận diệt các loài hải sản, nhẹ thì dùng lưới mắt dày bắt hết các loại cá nhỏ, nặng thì dùng bộc phá hủy diệt cả môi sinh. Dễ liên tưởng nhất đến hiện tượng này là ngành khai khoáng hiện nay, hoặc bị khai thác cạn kiệt, hoặc phải xuất khoáng sản thô, gây ô nhiễm môi trường nặng nề. Ra đại dương rồi mà thuyền ta vẫn quanh quẩn, "sáng đi tối về" thì làm sao để cạnh tranh, khai thác được bao nguồn lợi quí giá? Hội nhập rồi nhưng mãi vẫn là một nền kinh tế gia công giá rẻ thì làm sao để kinh tế Việt Nam, như con tàu lớn kia, sớm trở thành một phần của đại dương, để làm chủ nó?
3. Mấy năm gần đây, chúng ta thường nói đến "kỷ nguyên dân số vàng" với một tỷ lệ dân số trẻ rất cao, là niềm mơ ước của nhiều quốc gia trên thế giới, với một niềm tin hồn nhiên rằng, nền kinh tế của chúng ta như một con hổ đang bắt đầu thức dậy? Nay thì chúng ta đã đủ bình tĩnh để nói với nhau rằng: chất lượng nguồn nhân lực đang là một trong ba nút thắt của nền kinh tế Việt Nam. Từ chỗ hy vọng độ tuổi dân số trẻ ví như sợi dây dài chắp cánh cho cánh diều kinh tế bay cao đến chỗ phải cay đắng thừa nhận: chất lượng của sợi dây này hóa ra đang là nút thắt của sự phát triển bền vững. Tại sao lại có sự đảo chiều như vậy? Thay vì lớp trẻ phải là lực lượng tiên phong trong sáng tạo, là tầng lớp đi đầu trong phát triển khoa học, công nghệ, tiếp nhận những tinh hoa nhất trong biển tri thức của nhân loại, nay chúng ta vẫn chưa thoát ra khỏi được cảnh nông nghiệp bị chia sẻ bởi với mấy triệu mảnh ruộng con con, với một ngành công nghiệp gia công đơn giản, một ngành xuất khẩu lao động chủ yếu là bán sức lao động thủ công, giúp việc nhà, đánh cá thuê … Các sản phẩm của chúng ta hàm lượng chất xám, kết tinh các giá trị khoa học công nghệ thấp, do đó khả năng cạnh tranh không cao. Một sự lựa chọn phát triển chưa đúng? Một nền giáo dục nặng về "từ chương trích cú", ít sáng tạo, ít gắn với thực tiễn, gắn với thế giới?
4. Chuyển sang nền kinh tế thị trường, cũng có nghĩa là phải tôn trọng luật chơi của thị trường với ba qui luật cơ bản: cạnh tranh, cung cầu, giá cả. Chuyển nhanh và đúng thì kinh tế sẽ cất cánh, quốc gia sẽ hưng thịnh. Vai trò của Nhà nước chỉ là can thiệp để hạn chế khuyết tật của thị trường và nếu thành công hơn là thúc đẩy được sự phát triển đó. Khó khăn lớn nhất vẫn là sức ì của quá khứ với quán tính điều hành nền kinh tế cũ và tư duy can thiệp hành chính tùy thích làm thị trường bị méo mó. Để bảo vệ cạnh tranh, phải chống độc quyền. Cạnh tranh tốt nhất sẽ đưa lại giá cả tốt nhất, là món quà quí cho người tiêu dùng. Để qui luật cung cầu phát huy tác dụng, phải giải phóng hết mọi nguồn lực của xã hội, bảo vệ quyền tự do kinh doanh của người dân. Đừng để quyền tự do đó bị trói chặt trong bùng nhùng của những dây nhợ đủ loại của thủ tục hành chính bất hợp lý, như lãnh chúa rừng xanh phải "ngậm một khối căm hờn trong cũi sắt" (Thế Lữ). Cũng đừng can thiệp méo mó vào qui luật giá cả bằng cách dùng nguồn lực khiêm tốn của nhà nước tung ra thị trường, hy vọng bình ổn giá, dễ rơi vào cảnh "thêm muối cho mặn biển". Và cũng đừng phân biệt đối xử theo kiểu "con đẻ, con nuôi" giữa các thành phần kinh tế vì "con nuôi, con đẻ đều phải được đối xử bình đẳng trước pháp luật, như đủ loại cam kết của ta. Can thiệp vào thị trường là cả một khoa học và nghệ thuật, không thể dùng cảm hứng của người chống đò, muốn dùng cây sào mỏng manh để đẩy con tàu thị trường tiến về phía trước được.
5. Ngẫm … còn rất nhiều nhưng .. đã là một giáp (12 năm) đầu tiên trôi qua kể từ năm đầu tiên của thiên niên kỷ thứ ba. Thời gian lặng lẽ trôi theo dòng lịch sử nhưng nặng trĩu những đo đếm trong ta khi ngẫm về sự phát triển của đất nước. Vinh quang và thành công luôn là của quá khứ. Thách thức và chấp nhận vượt qua là của hiện tại. Tương lai phụ thuộc vào việc chúng ta chấp nhận vượt qua thách thức bằng cách nào mà thôi. Nhâm Thìn, khát vọng Rồng bay bao giờ thành hiện thực?
Luật gia Trần Hữu Huỳnh
Diễn đàn doanh nghiệp
|