Một chút so sánh khiên cưỡng về chứng khoán
Chẳng có gì nhiều nhặn để hy vọng cho năm 2012. Nhưng chứng khoán vốn là như vậy, khi ta tưởng nó sắp chết thì "tự nhiên" nó lại hồi sinh. Và rất kỳ vọng, sau hồi sinh còn tràn trề sức sống như tuổi mới dậy thì.
Cái Tết buồn cho bất động sản là một lẽ đương nhiên, nhưng chứng khoán lại còn tệ hơn, bởi lẽ đương nhiên đó đã biến thành chân lý. Vì BĐS, nếu không phải là của ăn ngay thì cũng còn là của để dành. Năm 2011 tuy được xem là thời gian khắc nghiệt nhất đối với thị trường này trong suốt lịch sử tồn tại của nó, nhưng dù sao cũng chưa đến nỗi "chết".
Cái Tết đầu tiên mà nhiều doanh nghiệp BĐS phải bóp miệng đến mức chỉ còn hé ra một chút để thở hồi sức, nhưng khi ngân hàng không còn rốt ráo đòi nợ thì cũng chẳng có bao nhiêu doanh nghiệp tự nguyện xin phá sản.
Nhưng với chứng khoán lại là một lẽ khác. Cái chết đã đến rất gần với nhiều công ty chứng khoán, những nơi chưa giải quyết xong hậu quả này thì hậu quả khác lại đã ồn ào hiện ra. Với một số công ty nhạy cảm hơn, cái chết đã hiện ra từ đầu năm chứ không phải cuối 2011.
Không hề tiêu biểu cho của để dành, cổ phiếu rất có thể sẽ biến thành giấy lộn. Giá trị của chúng sẽ trở về bằng không với một sự nhẫn tâm đến nao lòng. Bài học nhãn tiền đã xảy ra với những cổ phiếu nhỏ nào đó, chẳng lẽ không ai nhìn thấy?
Còn năm 2012 thì sao? Mang tiếng là năm Rồng, nhưng cứ thống kê phần dự báo của các CEO và công ty chứng khoán thì cũng đủ biết. Nói là dự báo cho có phần lý tính đôi chút, nhưng khác hẳn với những năm trước, vào năm nay đa số chỉ thiên về dự cảm.
Những nhân vật CEO chứng khoán đã từng dự đoán chỉ số VNI tăng 20% hay đến 50% trong năm 2010 và năm 2011, lần này đã rút ra bài học cho riêng mình. Không nên nói quá nhiều. Chỉ nói những gì cần nói. Hoặc tốt hơn hết là không nói gì cả.
Cũng bởi thế, cái nhìn về chứng khoán năm 2012 chưa bao giờ bi quan như Tết Nhâm Thìn. CEO của một công ty chứng khoán lớn còn nhận định năm, 2012 có thể còn khó khăn hơn cả năm 2011.
Nhưng còn gì tồi tệ hơn 2011, khi năm ngoái đã biến cái chết lâm sàng thành cái chết hiện hữu?
Vì nếu đến cả năm Rồng mà TTCK cũng không thể hồi phục thì cầm chắc là hai phần ba số công ty chứng khoán hiện nay sẽ rơi vào cảnh tiêu tán tài sản và có khi tiêu tán cả nhân thân.
Thân phận nhà đầu tư nhỏ lẻ, cùng với nhân thân đó, cũng là mối quan hệ nhân quả.
Một số nhà đầu tư gặp nhau. Câu chuyện của họ lại xoay quanh chủ đề mới: dùng những đồng tiền cuối cùng để "lập chiến khu". Chiến khu nào vậy? Người thì ấp ủ dự định mua một mảnh đất nhỏ ở vùng ven để nuôi gà vịt, người khá hơn thì mua đất làm trang trại. Có người lại xuôi sông thì buôn lúa. Còn số khác, tầm cỡ hơn, tính noi theo tấm gương của Hoàng Anh Gia Lai mà đi trồng cây cao su.
Thì chính Phát Đạt, một công ty BĐS có tiếng, chẳng đã hoạch định chiến lược cao su đó sao?
Ai cũng có thời. Thời lại tạo ra thế. Rồi khi thời đã qua, thế chẳng còn, người ta đành phải trông ngóng đến những vận hội khác, ở những miền đất xa xăm khác.
Tính như thế, bởi người ta không còn đủ kiên nhẫn chờ đợi sự phục hồi của nền kinh tế nước nhà. Dù thế giới chưa đến nỗi suy thoái, nhưng nội lực và năng lực điều hành kém cỏi của kinh tế Việt Nam lại chưa đủ sức hóa rồng để có thể vượt vũ môn.
Rồi lại xuất hiện một quan điểm rất khác thường của một CEO chứng khoán người nước ngoài: VNI giảm về bao nhiêu không quan trọng, mà đáng lo nhất là đến một lúc nào đó thanh khoản của TTCK sẽ cạn kiệt. Khi đó, muốn bán cũng chẳng có ai mua.
Vào giữa năm 2011, quan điểm như trên có thể bị coi là dị biệt. Nhưng còn đến lúc này, có lẽ đó là tâm trạng chung. Khối ngoại đang giữ một khối lượng khổng lồ cổ phiếu, nếu xét theo con số thống kê. Còn về giá trị, cứ ước tính sơ sơ ít ra 25-30.000 tỷ đồng với mặt bằng giá hiện thời, khối này làm sao có thể "xả lũ" một cách dễ dàng?
Quan niệm ngây thơ của một CEO nước ngoài vào quý 3 năm trước: mong rằng Nhà nước sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ để nhà đầu tư Việt Nam sẽ mua hết cổ phiếu của khối đầu tư nước ngoài bán ra.
Thật chẳng biết bình luận thế nào về cơn bĩ cục của các nhà đầu tư nước ngoài, những người không chỉ mắc kẹt mà còn đang lịm dần dưới sức nặng của vài ba chục tỷ cổ phiếu trên thị trường - kết quả đương nhiên của trào lưu niêm yết và bổ sung niêm yết cổ phiếu vô tội vạ.
Cái Tết vì thế cũng trở nên dai dẳng tâm tư khép kín của các nhà đầu tư, cả ngoài nước lẫn trong nước. Ngay cả trên bàn nhậu, tiếng thở dài chỉ chực chờ thoát ra.
Bao nhiêu câu hỏi cũng chực chờ nhẫn nhịn: Sau Tết thị trường sẽ ra sao? Liệu bao giờ Ngân hàng nhà nước mới chịu hạ lãi suất? Đến khi nào thì chiến dịch tái cấu trúc công ty chứng khoán mới được hoàn thành? Chính phủ đã có cả một chỉ thị cho thị trường BĐS, lẽ nào không có nổi một văn bản khuyến khích cho TTCK?...
Một không khí rất đặc thù đang hiện ra: u ám và lo sợ. Nhưng có điều, cái đặc thù ấy lại rất giống với không khí vào những ngày giáp Tết năm 2009. Đó là khoảng thời gian kinh khủng nhất của TTCK từ thuở khai sinh lập địa, khi phải gánh chịu cơn địa chấn nặng nề từ khủng hoảng thế giới năm 2008.
Tuy thế, điều không ai ngờ lại đã biến thành câu chuyện "vô thường". Thị trường đầu cơ cứ thế mà sinh sôi nảy nở trong vô cùng ảm đạm, trong vô số hoài nghi. Thực tế là có mấy người ngờ được năm 2009 đã chứng kiến chỉ số chứng khoán tăng đến gần 3 lần, còn giá nhiều cổ phiếu tăng đến 4-5 lần.
Chẳng có gì nhiều nhặn để hy vọng cho năm 2012. Nhưng chứng khoán vốn là như vậy, khi ta tưởng nó sắp chết thì "tự nhiên" nó lại hồi sinh. Không chỉ thế, sau hồi sinh còn tràn trề sức sống như tuổi mới dậy thì. hỉ là một chút so sánh khiên cưỡng, mong nhà đầu tư lượng thứ...
Việt Thắng
vef
|