Kẻ lên, người xuống và sự ra đi
Năm 2011 là năm cực kỳ khó khăn với các công ty chứng khoán. Đồng thời trong nhóm các công ty đứng đầu cũng đã có những thay đổi vị trí đáng chú ý.
Kẻ lên, người xuống
Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) vừa thông báo họ đã vươn lên vị trí thứ tư về thị phần môi giới tại sàn TPHCM trong quí 4 từ vị trí thứ năm trong quí 3, thứ bảy trong quí 2 và thứ 11 năm 2010.
Hai vị trí đầu của bảng xếp hạng quí 4-2011 không thay đổi, vẫn là Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) và Công ty Chứng khoán TPHCM (HSC). Khác với Thăng Long, đã tụt khá sâu xuống vị trí thứ tám, Chứng khoán Sacombank (SBS) vẫn đứng ở vị trí thứ ba nhờ những giao dịch thỏa thuận lớn cổ phiếu STB, đặc biệt là đợt mua 100 triệu cổ phiếu quỹ của ngân hàng này. Có thể thấy các công ty đứng đầu tập trung chủ yếu vào khách hàng tổ chức. Các nhà đầu tư nước ngoài tăng cường giao dịch ở chiều bán ra trong suốt những tháng vừa qua đã giúp nâng doanh số môi giới của SSI hơn hẳn các đồng nghiệp. Những môi giới giỏi và năng động của SSI hầu như được chỉ định để phục vụ giao dịch của các quỹ ETFs.
Ở phía sau của tốp 10 là những công ty nắm giữ thị phần từ 2,6-5%. Giá như ở bên ngoài của bảng, nơi còn dư địa 44,5% thị phần, có thêm tầm 15-20 công ty chứng khoán nữa, thì “chiếc bánh” môi giới có thể dễ hình dung hơn. Đằng này ngoài bảng còn tới 95 công ty khác, chia nhau một phần nhỏ hơn của chiếc bánh so với phần mà các “anh hào” phía trên đang nắm giữ. Tất nhiên, có vài chục công ty chẳng có chút thị phần nào.
Đã vậy, không ít đơn vị ngoài bảng đang lần lượt giã từ chức năng môi giới. Bốn công ty chứng khoán Đông Dương, Gia Anh, Hà Nội, Trường Sơn đã rút nghiệp vụ môi giới. Gần đây nhất công ty chứng khoán D vừa chấm dứt hợp đồng lao động với hầu hết nhân viên môi giới, chuẩn bị khóa sổ nghiệp vụ này, đóng cửa tất cả các chi nhánh ở tỉnh, chỉ để lại chi nhánh TPHCM và hội sở Hà Nội. Hồi đầu năm ngoái, D còn bán một tỷ lệ lớn cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài với giá cao hơn mệnh giá, nay thị giá cổ phiếu trên sàn là 3.000 đồng. Mặc dù đang lỗ lũy kế vài chục tỉ đồng từ hoạt động tự doanh, công ty không phải đã đến bước đường cùng, nhưng sự rút lui khỏi mảng môi giới và thu hẹp quy mô hoạt động được giải thích là nhằm thích ứng với điều kiện khách quan trong năm nay và năm tới.
“Chiếc bánh” co hẹp
Khác với năm 2008, cũng trong thời khắc khó khăn, nhiều công ty chứng khoán vẫn tuyển thêm nhân sự, nâng cấp công nghệ, chuẩn bị cơ sở cho ngày thị trường phục hồi. Nay thì không. Nhân viên chứng khoán bị sa thải hàng loạt. Chuyện thật mà như đùa: mấy năm trước nhân viên công ty chứng khoán được vay tín chấp ngân hàng, trả dần bằng thu nhập hàng tháng. Bây giờ đi vay ngân hàng mà khai là nhân viên chứng khoán, sẽ bị “loại trừ” ngay tức khắc. Lý do: thu nhập không ổn định, rủi ro. Đến nỗi tổng giám đốc một công ty chứng khoán phàn nàn rằng nhân viên của ông trong mắt dư luận xã hội giờ “xuống cấp” vô tội vạ, ngang với công dân hạng mấy, chứ không phải hạng hai nữa!!!
Mỗi nghề nghiệp, mỗi lĩnh vực kinh tế đều có lúc thăng lúc trầm. Nhưng với chứng khoán, sự “nóng lạnh” không chỉ về phương diện kinh tế, mà cả tâm lý và cụ thể là niềm tin. Niềm tin chứng khoán đang bị thử thách ghê gớm với biểu hiện co hẹp của thanh khoản giao dịch hàng ngày. Nhìn đâu cũng chỉ thấy những bản tin khuyến cáo khách hàng, nhà đầu tư thận trọng, đứng ngoài thị trường, cắt lỗ để chủ động về tài chính khi thị trường chưa thể ngừng giảm. Trên thực tế, sự khuyến cáo ấy lại đang tỏ ra hợp lý, bởi ngay cả những nhà đầu tư trung, dài hạn, thời gian sở hữu cổ phiếu tính bằng T+180 ngày hay T+365 ngày, thậm chí T+700, T+1.000 ngày vẫn có thể lỗ. Bằng chứng là các quỹ đầu tư mua cổ phiếu từ năm 2006-2007 đến nay sau năm năm, chỉ 1-2 quỹ có mức tăng trưởng dương, còn lại là lỗ và lỗ nặng.
Trong cơn sóng gió, sẽ có nhiều công ty chứng khoán lùi bước. Đầu tiên là thu hẹp quy mô, tiết giảm chi phí bằng cách sa thải nhân viên, chuyển đổi thuê trụ sở nhỏ hơn, từ bỏ một số nghiệp vụ không sinh lời… Sau đó, nếu lỗ lũy kế cứ lớn dần, số vốn chủ sở hữu còn lại cứ thâm hụt dần, thì sẽ đến đóng cửa, tạm ngưng hoạt động, rồi giải thể hay đâm đơn phá sản. Không giống như ngân hàng, tái cơ cấu bằng cách sáp nhập, mua bán, được Nhà nước ít nhiều hỗ trợ thông qua khả năng sở hữu cổ phần, tái cơ cấu công ty chứng khoán đơn giản là sẽ có những cái tên biến mất khỏi thương trường. Những công ty chứng khoán quy mô chẳng dại gì “gánh” thêm các đơn vị nhỏ cho cồng kềnh bộ máy, lại phải rà soát cho khớp nhau công nghệ, chưa kể những danh mục đầu tư đau đầu. Mấy công ty chứng khoán nhỏ cũng khó “ngồi lại” với nhau vì quan trọng nhất là khách hàng thì nay họ đều không có, hoặc có với số lượng ít ỏi. Vì thế, thị trường có thể chuẩn bị chứng kiến “làn sóng” ra đi không trở lại của nhiều công ty chứng khoán.
Lưu Hảo
tbktsg
|