Người giàu nhất sàn chứng khoán: Có hay không "Nhiệm kỳ 2 năm"?
2 cái tên dẫn đầu bảng xếp hạng những người giàu có nhất sàn chứng khoán năm 2011 vẫn là ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vingroup và ông Đoàn Nguyên Đức, ông chủ của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAG). Thời gian nắm giữ ngôi vua thị trường chứng khoán lâu nhất từng được biết đến là 2 năm. Ông Đức giữ vị trí số 1 vào năm 2008 và 2009 nhưng đến năm 2010 phải nhường lại ngôi vị này cho ông Vượng. 2011 là năm thứ hai ông chủ của Vingroup giữ vị trí quán quân. Liệu ông có thể phá kỷ lục của “người tiền nhiệm” để giữ ngôi vua thị trường chứng khoán đến năm thứ ba hay không?
|
Ông Đoàn Nguyên Đức, ông chủ của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAG) |
Nhìn vào cơ cấu ngành nghề trong bảng xếp hạng năm 2011 và đối chiếu với năm 2010 sẽ thấy có sự tụt giảm của ngành bất động sản. Nếu năm 2010, trong top 10 doanh nhân giàu có nhất trên sàn chứng khoán, có đến 9 người nắm cổ phiếu bất động sản thì đến năm 2011 con số này là 7 người.
So sánh các gia đình giàu có nhất trên sàn chứng khoán cũng cho thấy điều tương tự. Nếu năm 2010, trong top 10 gia đình giàu có nhất, có đến 7 gia đình nắm cổ phiếu bất động sản thì đến năm 2011, con số này giảm xuống chỉ còn 4. Rõ ràng bất động sản là lĩnh vực có tỉ suất sinh lợi ngắn hạn cao (trong điều kiện bình thường). Tuy nhiên, lợi nhuận cao thì rủi ro cũng cao khi nhiều công ty bất động sản sử dụng đòn bẫy tài chính lớn. Hiện nay, cung trên thị trường bất động sản đã lớn hơn cầu, nhất là phân khúc căn hộ, biệt thự cao cấp. Hơn nữa, chính sách tín dụng thắt chặt đối với lĩnh vực phi sản xuất cũng đã được áp dụng. Đây là lý do cho sự giảm giá của nhóm cổ phiếu bất động sản trong năm qua.
|
Ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vingroup (VIC) |
Ông Vượng và ông Đức là người đứng đầu 2 tập đoàn hoạt động mạnh trong lĩnh vực bất động sản. Tuy nhiên, năm qua không phải là năm thuận lợi cho thị trường bất động sản và điều này không ngoại lệ đối với VIC và HAG. Vào tháng 3.2011, tổng giá trị cổ phiếu VIC ông Vượng nắm giữ đạt trên 21.000 tỉ đồng, giúp ông trở thành tỉ phú đô la đầu tiên của thị trường chứng khoán. Đến tháng 12, khi bảng xếp hạng được công bố, con số này còn 16.763 tỉ đồng.
Thông tin về việc giá trị cổ phiếu HAG do ông Đức nắm giữ giảm hơn 7.500 tỉ đồng cũng gây không ít băn khoăn về tình hình làm ăn của HAG. Mặc cho nỗ lực mua vào lần lượt 3 triệu cổ phiếu và 5 triệu cổ phiếu vào tháng 7 và tháng 12 của ông Đức, cổ phiếu HAG vẫn theo đà giảm giá từ đầu năm 2011. Giá HAG đã giảm xuống chỉ còn 18.200 đồng vào ngày 5.1.2012 so với 53.000 đồng cách đó 1 năm.
Thị trường bất động sản trầm lắng lại mang đến cơ hội thiết lập vị thế mới cho cổ phiếu những ngành khác. Trong top 10 doanh nhân giàu nhất sàn chứng khoán năm 2011, có một cái tên đáng chú ý là bà Nguyễn Hoàng Yến, thành viên Hội đồng Quản trị Tập đoàn Masan (MSN), một doanh nghiệp lớn trong ngành thực phẩm. Bà đã vươn lên 8 bậc trong bảng xếp hạng, đạt vị trí thứ tư, qua mặt các doanh nhân nắm giữ cổ phiếu ngân hàng và thép.
Có thể thấy, năm qua không chỉ riêng bất động sản mà ngành ngân hàng và thép cũng đối mặt với nhiều khó khăn. Ngành ngân hàng đang trong quá trình tái cấu trúc, còn ngành vật liệu xây dựng như sắt, thép thì cũng chịu ảnh hưởng bởi sự ảm đạm trên thị trường bất động sản. Vì thế, việc bà Yến với cổ phiếu ngành thực phẩm có bước tăng bậc cao nhất trong bảng xếp hạng là điều dễ hiểu. Bà Yến, cùng với chồng mình là ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Masan (MSN), đã lọt vào danh sách top 10 gia đình giàu có nhất trên sàn chứng khoán năm 2011.
MSN là một trong những tập đoàn tư nhân lớn nhất tại Việt Nam, với tổng tài sản trên 30.000 tỉ đồng. Tập đoàn này có 3 mảng hoạt động chính là thực phẩm - đồ uống, tài chính và khai thác tài nguyên. Giá trị vốn hóa của Masan là 44.571 tỉ đồng. Xét cả về quy mô tổng tài sản lẫn giá trị vốn hóa, Masan đã ngang tầm với Vingroup. Cộng với sự lên hạng mạnh mẽ như đã thấy, nếu hình dung về người kế nhiệm ngôi vua chứng khoán, không thể loại trừ khả năng đó sẽ là người của gia đình ông Nguyễn Đăng Quang.
Hiện nay, giá trị tài sản của ông Vượng vẫn lớn hơn nhiều lần so với các cá nhân khác. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán luôn tồn tại yếu tố bất ngờ. Năm 2010, giá trị cổ phiếu ông Vượng nắm giữ đã tăng 76,28% so với năm 2009, đạt 15.775 tỉ đồng. Mức tăng đột biến này giúp ông trở thành người giàu có nhất thị trường chứng khoán Việt Nam từ đó đến nay. Nếu ông Vượng có thể tạo nên sự bứt phá ngoạn mục như vậy thì sao những người khác lại không?
Quan Phan
NHỊP CẦU ĐẦU TƯ
|